Kinh tế Việt Nam trong năm 2019: Tiếp tục là điểm sáng trong khu vực, toàn cầu

2019-12-26 09:24:15 0 Bình luận
Không còn mấy ngày nữa là năm 2019 sẽ khép lại. Một năm trôi qua, với không ít nỗi lo âu và bao niềm hy vọng. Không lo sao được, khi mà ngay từ đầu năm hết cảnh bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nạn triều cường và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, lũ lụt ở miền Trung…, đến nạn cháy chung cư, cháy cơ sở sản xuất trong nội đô, cháy rừng..., rồi đến lượt cảnh báo “thẻ vàng” của EU, chuyện gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…

Chỉ bằng đấy những khó khăn thôi, cũng đủ làm đau đầu những nhà quản lý vĩ mô và các chủ doanh nghiệp. Song đến nay, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm kế hoạch 2019.

Không phải "mẹ hát - con khen hay", mà ngay như ADOU2019 (Ấn bản bổ sung Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019) đã viết: “Theo ADB, tăng trưởng GDP Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2019 đã đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 7,3%, trong khi đầu tư cũng tăng nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là tiền đề giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh trong quý 4/2019 và sang cả năm 2020. ADB tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở châu Á chỉ đạt 5,2% trong cả năm 2019 và 2020, giảm lần lượt 0,25 và 0,3% so với dự báo hồi tháng 9”.

Lời khen đó dành cho chúng ta cũng đủ chứng minh sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Điều đó cũng phù hợp với số liệu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/10 về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Thủ tướng nói: “Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Nhiều địa phương nỗ lực phấn đấu vươn lên, thu hút mạnh các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho kết quả chung của cả nước.

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.

Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu ngân sách vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm có khoảng 53-54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5-12%; thương mại điện tử tăng mạnh. Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chính phủ đã tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo; ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại…”.

Dưới góc độ Thống kê, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, khả năng GDP cả năm 2019 sẽ đạt cao hơn mục tiêu 6,8% Quốc hội đặt ra. Theo ông Lâm, những điểm sáng của nền kinh tế năm 2019 được thể hiện ở những mặt sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, thị trường sôi động và phát triển ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung cầu hàng hóa những tháng cuối năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.481 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng 11 tăng 12,6%, là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8%; theo đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD (chiếm 59,6%) là: điện thoại và linh kiện đạt 48,7 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD; giày dép đạt 16,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa, tính chung 11 tháng xuất siêu 9,1 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/11/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Nổi bật, tháng 11, là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 57,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam”.

 Cùng với những thành tích kinh tế nổi bật trên, năm 2019, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam đã tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn. Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tuyệt đối; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ). Đặc biệt, việc ký Hiệp ước, Nghị định thư với Campuchia về phân giới, cắm mốc đạt 84% biên giới đất liền là một sự kiện lịch sử và sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp này. Triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; ký Hiệp định thương mại, đầu tư với Liên minh châu Âu. Công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân được triển khai tích cực. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Đáng chú ý là ngày 26/11, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đã lên đường sang làm nhiệm vụ triển khai lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ ở Nam Sudan, sau khi Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Chỉ sau hơn 8 tháng hoạt động tại Nam Sudan, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 đã khám, điều trị gần 1.200 bệnh nhân, trong đó có hơn 60 ca mổ. Các bác sĩ Việt đã phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều trường hợp cho các quân nhân của Ấn Độ, Mông Cổ… Lãnh đạo LHQ đánh giá cao, hai lần gửi thư tới Chính phủ Việt Nam cảm ơn và khen ngợi.

Nhóm cán bộ số 2 của Bệnh Viện Dã Chiến Cấp 2 Số 2 chụp ảnh trước máy bay C-17 của Không Quân Hoàng Gia Australia trước giờ lên đường

Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, đến nay đất nước ta vẫn còn những hạn chế, như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh. Trình độ công nghệ còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm, chi phí logistics còn cao. Cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch, đô thị còn bất cập. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Bước sang năm 2020 – Năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.

Đứng trước những cơ hội, thách thức đó, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cơ cấu dân số vàng trước thách thức của quá trình già hóa dân số, môi trường đầu tư – kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, thì mức tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ còn cao hơn vào những năm tới và việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra cho năm 2020 chắc không mấy khó khăn.      

12 Chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu đạt năm 2020 đó là:

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%.

2. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%.

3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%.

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP.

6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1% - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%.

9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh.

10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...