Làn sóng mới của cổ phiếu đầu tư trái ngành
2017-07-01 13:42:35
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Mùa Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 đánh dấu một làn sóng mới đầu tư trái ngành, nhất là những công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trong ngành nông nghiệp, vật tải, du lịch, cơ khí, bảo hiểm, điện tử, chưa từng kinh doanh bất động sản cũng quyết định đầu tư vào ngành này.
Mới đây nhất, ngày 1/6/2017, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty CP XNK thủy sản Sài Gòn (mã SSN-UPCoM), cổ đông đã thông qua quyết định, năm 2017 sẽ tạm dừng mảng thủy sản để tập trung vào việc cho thuê mặt bằng, kho bãi, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính… với chỉ tiêu 2017 là 155 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 80 tỉ đồng. Đáng chú ý, SSN là một DN thủy sản có thương hiệu, nhưng theo kết quả kinh doanh năm 2016, HĐQT SSN nhận thấy hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản không còn khả năng phát triển, nên đưa ra chiến lược tăng diện tích quỹ đất lên 60.000m2 và tổng giá trị tài sản lên 5.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2017-2020. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của đại gia ngành thủy sản, Công ty CP thủy sản Hùng Vương (mã HVG-HOSE), lãnh đạo khẳng định đang sở hữu một quỹ đất khoảng 10 ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại quỹ đất này có thể được tận dụng làm dự án bất động sản. Song song đó, dự án tại quận 6, HVG sẽ không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỉ đồng mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp.
Nhiều DN ngoài ngành đang muốn tận dụng quỹ đất lớn để phát triển dự án BĐS |
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty CP Căn nhà mơ ước (mã DRH-HOSE) đã thông qua một chiến lược kinh doanh quan trọng trong thời gian tới, đó là DRH “chia tay” kinh doanh ngành phân bón, chuyển sang bất động sản sau khi mua lại 3 dự án gồm Khu căn hộ cao tầng 177 Huỳnh Tấn Phát, Khu căn hộ cao tầng 277 Bến Bình Đông TP HCM và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An, Bà Rịa-Vũng Tàu và năm 2017 sẽ đầu tư hai dự án mới là Terracotta Hill và Metro Valley với tổng mức đầu tư lên đến 835,6 tỉ đồng.
Trong làn sóng đầu tư bất động sản gần đây nhất, nhiều cái tên hoàn toàn mới là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Công ty CP Tasco, Tập đoàn Đồng Lục, Công ty CP đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi). Đáng chú ý là Tập đoàn Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Đặc biệt, tập đoàn này còn đang có kế hoạch đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó có 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái). Cuối năm 2016, ông “trùm” Ô tô Trường Hải (Thaco), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã nâng tỉ lệ sở hữu lên 90% và tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh từ ông Trần Đăng Khoa và chính thức thâu tóm Đại Quang Minh (hiện có vốn điều lệ 4.200 tỉ đồng) và toàn bộ các dự án bất động sản quy mô lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ đại gia bất động sản ít khi lộ diện là ông Trần Đăng Khoa.
Trước làn sóng mới ào ạt đầu tư trái ngành, nhất là đầu tư vào bất động sản, nhà đầu tư cần xem xét kỹ những gì?
Thứ nhất là những thông tin DN công bố về sở hữu quỹ đất sạch quy mô lớn trên cả nước, cùng với dự kiến đầu tư những dự án có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều DN không công bố vị trí cụ thể của từng khu đất, dự án đã có đủ căn cứ pháp lý chưa, nên nhà đầu tư cần hỏi kỹ lãnh đạo để xem xét quỹ đất có tốt và có vị trí đẹp không, bao giờ mới có giấy phép xây dựng (có dự án phải mất tới 4 năm mới có giấy phép xây dựng) trước khi mua cổ phiếu, trái phiếu DN phát hành thêm “gom” tiền đầu tư vào dự án bất động sản.
Thứ hai, là DN có quỹ đất tốt nhưng có nguồn vốn đủ mạnh để triển khai các dự án hay không? Những DN không có thương hiệu hay có thương hiệu ít uy tín trên thị trường bất động sản, tiềm lực tài chính yếu, nhưng có các khu đất đẹp, thường ký hợp đồng hợp tác đầu tư với DN bất động sản mạnh về tài chính và mạnh về thương hiệu để tiếp tục phát triển dự án. Thực chất của những thương vụ này là thỏa thuận góp vốn vào dự án bằng quyền sử dụng đất hay tiền thuê đất của Nhà nước. Điển hình là Công ty CP XNK thủy sản Sài Gòn (mã SSN) công bố sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng (chưa công bố sẽ ký DN nào) với dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại khu đất số 6, đường Phạm Phú Thứ, P.11, Q.Tân Bình, TP HCM, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 2.400 tỉ đồng và tổng diện tích đất là 26.671m2.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Trần Trọng Triết