Lo ngại tình trạng tự tử, Nhật Bản giới hạn số giờ làm thêm
Công nhân tại Nhật Bản. (Nguồn: Japan Times) |
Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản ngay lập tức đã lên tiếng phản đối văn kiện này với lý do "mức trần" số giờ làm thêm này vẫn quá cao.
Tử vong và tự tử do làm việc quá sức đã trở thành một thực trạng nhức nhối tại Nhật Bản, đến mức đã có một từ riêng để chỉ vấn nạn này - karoshi.
Năm 2016, dư luận Nhật Bản đã dậy sóng về vấn nạn này khi các cơ quan chức năng xác nhận nguyên nhân tự sát của cô gái trẻ Matsuri Takahashi là do làm việc quá nhiều. Cô gái 24 tuổi này đã làm thêm 105 giờ trong tháng cuối cùng của cuộc đời mình.
Sau sự việc, Chính phủ Nhật Bản đã lập một ủy ban do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu nhằm tìm cách giải quyết tình hình trên.
Ủy ban này đã đưa ra một dự luật, trong đó giới hạn mức trần đối với giờ làm thêm là 100 giờ/tháng, đồng thời ấn định mức phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa hai vấn đề trên vào luật. Dự kiến dự luật này sẽ được đưa lên Quốc hội trong năm nay.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh dự luật là một bước tiến lịch sử nhằm thay đổi cách thức làm việc ở Nhật Bản. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng số giờ làm thêm này vẫn quá cao và không giúp cải thiện tình hình.
Người đứng đầu Hiệp hội Luật sư của người lao động Nhật Bản Ichiro Natsume nêu rõ mức trần này gần với giới hạn đã gây ra những cái chết của người lao động do làm việc quá sức. Trong khi đó, Liên hiệp Thương mại Nhật Bản cho rằng số giờ làm thêm không nên quá 45 giờ/tháng.
Trong văn hóa công sở Nhật Bản, làm thêm giờ được coi là biểu hiện của sự cống hiến. Vì vậy, hầu hết những nhân viên toàn thời gian ở Nhật Bản hiện đều làm nhiều hơn so với quy định 40 giờ mỗi tuần.
Theo một điều tra của chính phủ công bố hồi tháng 10/2016, nhân viên của hơn 20% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng làm thêm giờ nhiều đến mức có nguy cơ đột tử.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.