Lộ tẩy chiêu trò hiến đất làm đường để phân lô bán nền
Theo phản ánh trên VTV, ở Lâm Đồng gần 100 dự án thường gọi chung là khu nghỉ dưỡng đã được hình thành, dưới danh nghĩa hiến đất làm đường. Những con đường được mở ngay trong lòng đồi chè, rầm rộ tại các khu đất nông nghiệp ở thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đều thấy mở đường. Nhiều đến mức khó hiểu. Thậm chí, ở những nơi hẻo lánh, xung quanh không nhà dân nhưng vẫn xuất hiện những con đường nhựa rộng từ 5 - 6m.
Theo ghi nhận, con đường được mở ra dưới hình thức người dân hiến đất làm đường để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có tới hàng trăm ha đường được hiến như thế này. Bản chất của việc hiến đất ở đây có phải là để phục vụ lợi ích công cộng, hay đó chỉ là bước mở đầu cho một kế hoạch của mục đích khác?
Khi san mở đường, sẽ không có còn ai sản xuất nông nghiệp ở những khu đất đó. Từ hàng chục ha đất trồng chè đã được phân lô, tách thửa và chào bán công khai với những cái tên núp bóng các dự án bất động sản.
80 căn biệt thự này được hình thành qua hình thức hiến đất làm đường (Ảnh: VTV)
Được biết, chiêu trò hiến đất làm đường nở rộ vào khoảng năm 2019 - 2020 với gần 100 dự án. Lúc này, các thửa đất vẫn còn là đất nông nghiệp, đến năm 2021, hầu hết các thửa đất lại được chuyển đổi sang đất ở. Tất cả đều đứng tên cá nhân.
Cũng theo nguồn tin trên, có 80 căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng có hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên... thuộc BLá, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm được hình thành từ chiêu hiến đất làm đường, bắt đầu từ những con đường được mở trên đất nông nghiệp, sau đó là hợp thức hóa để thành cả 1 khu dân cư.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, sau khi hiến đất làm đường, gần 24.000 thửa được tách mới và chuyển đổi sang đất ở.
Kịch bản chung trong câu chuyện này là các doanh nghiệp đã dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn, sau đó bằng cách xin hiến đất làm đường trong các thửa đất nông nghiệp, lắp điện, nước để hình thành nhiều "dự án" với hàng trăm lô đất. Bước cuối cùng là xin chuyển đổi sang đất ở để hợp pháp việc mua bán.
Hơn 300 ha bao gồm đường giao thông, đất phân lô, tách thửa không theo quy hoạch. Hậu quả của việc này là không hề nhỏ khi các khu đất đã mua đi bán lại mà người mua không biết rằng dù sổ đỏ là đất thổ cư, nhưng lại không được phép xây dựng.
Bảo Lộc từng có gần 25.000 ha chè và được xem là thủ phủ chè của Việt Nam. Nơi đây là vùng nguyên liệu chính để sản xuất chè Ô Long, chè ướp hoa lài… nổi tiếng của Lâm Đồng. Chỉ sau 5 năm, từ năm 2015 - 2020, tổng diện tích chè của địa phương này đã giảm hơn 50%. Những đồi chè rộng lớn đã biến mất vì nạn phân lô bán nền tràn lan.
Tin trên VTC News, liên quan đến tình trạng phân lô bán nền bát nháo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mới đây, Sở Xây dựng tỉnh này đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tại khu vực và tỉnh.
Nghị định số 02/2022/NĐ-CP chưa quy định rõ bất động sản quy mô nhỏ, hoạt động không thường xuyên phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Do đó, một số cá nhân đã thu gom đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sang đất ở hoặc phân lô đất ở để bán, tạo nên các khu dân cư mới không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định.
Sở Xây dựng đề xuất, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét có văn bản hướng dẫn bất động sản quy mô nhỏ, kinh doanh bất động sản không thường xuyên, các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý trong quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Trong đó, có thể nghiên cứu phương án: Đối với việc tách thửa đất theo quy định pháp luật với mục đích thừa kế hoặc cho tặng người thân mà thuộc trường hợp được miễn lệ phí trước bạ hoặc để chuyển nhượng thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân thì không phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Các trường hợp tách thửa đất mà số lượng thửa đất sau khi tách vượt quá số lượng các thành viên trong gia đình nêu trên được xem là có dấu hiệu tách thửa đất với mục đích kinh doanh thì bắt buộc phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để tổ chức theo dõi quản lý theo quy định.
Hoặc quy định cụ thể quy mô, diện tích đất tại khu vực đô thị, nông thôn khi thực hiện tách thửa đất phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.