Long An: Đất có chủ quyền bị biến thành đất công
Đất có chủ quyền
“Hơn 10 năm đi xin giấy quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương nhất quyết không làm. Đất gia đình có giấy tờ rõ ràng nhưng địa phương không chịu thừa nhận…” - bà Phơi, bức xúc.
Bản họa đồ chính quyền chế độ cũ cấp cho bà Đoàn Thị Thường được gia đình bà Phơi lưu giữ từ năm 1971. Nội dung cấp họa đồ cho khu đất này của bà Thường được chính quyền chế độ cũ ghi cụ thể ngay cuối góc phải. |
Theo lời bà Phơi, khu đất gia đình bà xin cấp giấy chủ quyền có nguồn gốc từ ông bà để lại. Gia đình quay về canh tác từ những năm 1980 đến nay, không có tranh chấp với ai nhưng vẫn không được chính quyền địa phương thừa nhận.
Lục tìm trong chiếc túi nhựa, bà Phơi đưa ra giấy tờ nguồn gốc của khu đất. Theo đó, năm 1971, Ty Điền Địa Hậu Nghĩa, cấp họa đồ khu đất có diện tích 1M98 cho bà Đoàn Thị Thường. Vị trí khu đất tọa lạc tại xã Đức Hòa, tổng Đức An Hạ, tỉnh Hậu Nghĩa.
Bà Thường là mẹ ruột của ông Huỳnh Công Thiện chồng bà Phơi. Theo lời bà Phơi, trong những năm tháng chiến tranh, khu đất của gia đình bà được trưng dụng làm đồn dã chiến công binh, bảo vệ cho sân bay dã chiến Đức Hòa. Việc trưng dụng, chiếm đóng này cũng được Ty Điền Địa Hậu Nghĩa ghi rõ trong họa đồ cấp cho gia đình bà Thường.
Nhà văn hóa và nhà tình nghĩa được xã xây dựng trên phần đất cạnh nhà bà Phơi. |
Chiến tranh kết thúc, khoảng năm 1980, vợ chồng ông Thiện, bà Phơi đưa gia đình quay trở lại canh tác trên khu đất của bà Thường trước đây bị chiếm dụng làm đồn dã chiến. “Lúc về đây, chồng tôi bỏ ra biết bao nhiêu công sức đi dọn đạn, mìn… cứ gom được bao tải thì đem ra giao cho chính quyền địa phương. Để có được khu đất thế này, cả gia đình phải nai lưng ra làm…” - bà Phơi nhớ lại. Đất rộng, người vắng vì không ai dám đến ở. Năm 1982, ông bà Thiện - Phơi mở rộng thêm diện tích đất canh tác trên khu vực đồn dã chiến cũ thành 2,2ha.
Việc canh tác của gia đình được thể hiện rất rõ qua việc thực hiện thuế nông nghiệp tại địa phương. Những tờ biên lai đóng thuế nông nghiệp quy ra lúa được gia đình bà Phơi lưu giữ lại, có những biên lai được xác nhận từ những năm 1982.
Gia đình bà Phơi đóng cọc giữ đất phía sau nhà văn hóa không cho chính quyền làm sân bóng chuyền. |
Năm 1990, do gia cảnh khó khăn, gia đình bà lần lượt cắt đất ra bán. Tổng cộng là 13 lô đất với diện tích khoảng 2.600m2.
“Khi chồng tôi còn sống, gia đình cũng đã làm hồ sơ xin cấp chủ quyền đối với khu đất còn lại, nhưng từ 2006 đến nay chính quyền nhất quyết không cấp giấy chủ quyền cho chúng tôi, họ cứ bảo là giấy tờ chế độ cũ cấp không được thừa nhận….” - bà Phơi nói.
Các con ngày một lớn, cần giấy tờ nhà đất vay vốn, cần nhà cho con ra riêng… nhưng chỉ vì không có giấy chủ quyền nên các con của bà phải bỏ quê đi làm xa, bản thân bà Phơi hằng ngày phải kiếm sống bằng nghề nấu bánh ít.
Bà không nhớ bao nhiêu lần làm đơn trình với lãnh đạo UBND thị trấn yêu cầu cấp GCNQSDĐ sau hơn 40 năm sinh sống và canh tác ổn định. Nhưng đáp lại chỉ bằng thái độ thờ ơ và quên lãng.
Hô biến thành đất công
Sau nhiều năm, gia đình bà Lê Thị Phơi xin GCNQSDĐ không thành. Đến năm 2015, UBND thị trấn Đức Hòa cử cán bộ xuống lấy một khu đất sát nhà bà, nằm trong thửa đất của gia đình để xây dựng nhà văn hóa ấp, sân bóng chuyền và hứa sẽ cấp giấy quyền sử dụng đất cho bà trên phần đất mà gia đình đã yêu cầu. Tuy nhiên gia đình bà Phơi không đồng ý lời đề nghị trên.
Mặc dù không được sự đồng ý của bà Phơi, nhưng chính quyền xã vẫn cho người vào lấy 4 lô đất trên khu đất mà gia đình bà Phơi xin chủ quyền trong suốt thời gian trước đó để xây dựng nhà tình nghĩa.
Trong 4 lô đất, có 2 lô kích thước 5mx10m, 2 lô 11mx10m. Ngay khi vừa tiến hành lấy đất, chính quyền địa phương vội vã cấp sổ đỏ cho cả 4 lô.
2 lô đất với 4 căn nhà tình nghĩa đã được xã cấp sổ đỏ. |
Bức xúc trước việc làm trên, nhưng gia đình bà Phơi vẫn tiếp tục tiến hành xin cấp sổ đỏ cho gia đình. Nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và điệp khúc “đất công”. Gần 40 năm sinh sống và canh tác ổn định trên mảnh đất này. Có giấy tờ chứng minh nguồn gốc chủ quyền nhưng khi trở thành đô thị đất tăng giá, tự nhiên đất hương hỏa nhà bà Phơi biến thành đất công dùng để cấp nhà tình nghĩa. “Cha tôi là liệt sĩ nhưng có ai cấp đất cho gia đình tôi đâu mà lại đi lấy đất của tôi cấp cho người khác…” - Bà Phơi thẫn thờ nhớ lại ngày biết tin mình là con liệt sĩ.
Đau hơn nữa, khi cả gia đình bà chứng kiến người được nhận nhà tình nghĩa, chia đôi lô đất 11mx10m với lý do cho con họ có nhà. Còn con cháu bà Phơi mỗi khi lên xã xin cất nhà trên phần đất hương hỏa của gia đình thì chính quyền xã cấm, xây là phạt. “Ngày 27/4/2018, ông Lê Thành Phong, Chủ tịch Thị trấn Đức Hòa, đưa an ninh xuống và cho máy xúc xúc bỏ phần nhà đang được xây dựng. Ông Phong cho rằng gia đình tôi đang xây dựng trái phép trên phần đất công. Lần thứ hai, Chủ tịch cho người lập biên bản xử phạt tôi tội cố tình chống đối nhưng tôi không ký. Tôi có yêu cầu chính quyền xuất trình các giấy tờ, biên bản chứng minh. Nếu phần đất này là đất công, tôi sẽ ngưng xây dựng và chấp nhận bàn giao lại cho chính quyền. Sau lần đó, ông Phong cùng với cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường huyện xuống khiển trách tôi về việc gia đình đã trình báo với cơ quan báo chí, luật sư… và yêu cầu tôi phải ký vào biên bản xử phạt trong khi không chứng minh được đây là phần đất của nhà nước.” - Anh Dũng, con trai bà Phơi bức xúc kể lại.
Ngôi nhà xây dựng còn dở dang bị Chủ tịch Phong cho máy xúc xúc bỏ. |
Trong đơn xác nhận gia đình bà Phơi gửi đến UBND thị trấn Đức Hòa ngày 6/07/2015 đã được chủ tịch Lê Thành Phong xác nhận “thửa đất số 82, số 83 tờ bản đồ 3-4, khu vực 4, thị trấn Đức Hòa của ông Huỳnh Công Thiện (chồng bà Lê Thị Phơi) sử dụng ổn định từ năm 1982 đến nay là đúng.”
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi UBND huyện về việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn ngày 11/04/2018. Theo đó, Chủ tịch Phong nêu rõ khu đất sân bay, đất công binh của chế độ cũ “sau khi giải phóng, các hộ dân đến đây khai phá, lấn chiếm sử dụng. Có 36 hộ gia đình đã canh tác và sinh sống ổn định từ trước ngày 15/10/1993…”. Tại mục khu đất công binh, ông Chủ tịch chỉ đề cập đến “phần đất trống trong mục kê đăng ký tên Huỳnh Công Thiện, thửa số 83; diện tích 891,1m2” và kiến nghị huyện xem xét.
Theo báo cáo này, chính quyền địa phương rõ ràng phớt lờ những giấy tờ mà gia đình bà Phơi đang có. Trong đó gia đình bà vẫn còn giữ được những tờ biên lai thuế nông nghiệp cho mảnh đất này từ những năm 80. Và quan trọng hơn nữa, là thửa đất đã được ty Điền địa chế độ cũ chứng nhận là thửa đất bị trưng dụng làm đồn nhà binh trong thời chiến cho gia đình bà. Phải chăng chính quyền thị trấn cố tình “che mắt” cấp trên để hô biến đất hương hỏa của bà Phơi thành đất công?
Phá chuồng bò để xây nhà tạm vì bị chính quyền địa phương đe dọa sẽ lấy lô đất này nếu gia đình để đất trống. |
“Không hiểu dựa trên điều khoản nào mà ông Chủ tịch Phong còn ra quyết định nếu gia đình tiếp tục chống đối, khiếu nại việc xã thu hồi các lô đất, thì sẽ cho tổ chức bán đấu giá toàn bộ đất, không cấp GCNQSDĐ cho gia đình và 13 hộ dân đã mua đất của bà trước đó” -ông Dũng, con bà Phơi ấm ức.
Nghẹn ngào lấy xuống từ bàn thờ giấy chứng nhận liệt sĩ đã bị xỉn màu. Bà Phơi cho biết, bà là con một trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của bà là liệt sĩ Lê Văn Phắn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng phong tặng danh hiệu liệt sĩ vào tháng 10/1949.
Xét trên các quy định hiện hành, gia đình bà Phơi đủ điều kiện để cấp chứng nhận chủ quyền đất không chỉ phần đất hương hỏa mà còn cả phần đất khai hoang sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993. Nhưng chính quyền Thị trấn Đức Hòa cố tình làm ngơ. Có hay không chuyện “hô biến” hàng ngàn m2 đất hương hỏa thành đất công? Câu trả lời thỏa đáng cho sự việc trên sẽ được Hòa Nhập cập nhật trong kỳ tiếp theo.
“Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.”
Điểm a, Điều 21 Nghị định 43/2014 về hướng dẫn thi hành luật đất đai 2013 thì việc chứng minh sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như sau: Có biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.