Lớp học cắt tóc của trẻ em khuyết tật
Thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em khuyết tật trong cuộc sống, nhiều năm qau Vũ Duy Ngọc cùng nhóm salon tóc Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) luôn đồng hành, hỗ trợ các em từ những ngày đầu tiên học nghề cắt tóc.
Năm 2011, Duy cùng những thành viên trong nhóm của mình bắt đầu đến Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh để cắt tóc miễn phí, dạy các em kỹ năng gội đầu, cắt tóc. Mỗi tháng đôi ba lần, thường vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, khi salon vắng khách, Duy lại cùng Nhóm salon tóc Hạ Long vào cắt tóc miễn phí, luyện tay kéo vừa để hướng dẫn những em mê nghề cắt tóc.
Ảnh: Báo Dân sinh
Từ đó, chàng trai này đã nung nấu ý nghĩ phải thành lập được một lớp học thiện nguyện để các em say mê có nơi thực tập, hướng nghiệp. Vào tháng 12/2019, các thành viên nhóm cùng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, một lớp học với khá đầy đủ trang thiết bị như một salon phục vụ việc học đã được đặt ngay tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh. Tổng trị giá khoảng 25 triệu đồng do nhóm và các nhà hảo tâm do Duy kêu gọi tài trợ trên mạng. Lớp học cắt tóc với phòng học đầy đủ thiết bị của một salon tóc như thật với những "người thầy đặc biệt” như Duy đã khơi dậy đam mê, nâng bước giấc mơ của các em nhỏ thiệt thòi.
Ảnh: Báo Dân sinh
Không chỉ giúp học nghề mà Duy còn tạo điều kiện cho các em có được công việc để khẳng định bản thân mình, hòa nhập cùng xã hội. Sau thời gian học tập tại trung tâm, một số bạn học sinh có năng khiếu, nắm được kỹ thuật được những salon trong Nhóm nhận vào làm việc chính thức. Tại đây, các em được hỗ trợ khoản thu nhập xứng đáng. Khi các em đã thành thạo, Nhóm tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng theo đúng sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình.
Nhiều năm nay, Duy cùng nhóm salon tóc Hạ Long đã đồng hành với các em có hoàn cảnh đặc biệt và cũng là “kiến trúc sư” tổ chức cắt tóc từ thiện và hướng nghiệp nghề cắt tóc cho trẻ khiếm thính tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (nay là Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh).
Vũ Ngọc Duy chia sẻ, bản thân Duy từ nhỏ đã sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nên hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của các em nhỏ kém may mắn, với các em bị khuyết tật thì càng thiệt thòi. Chỉ có cách duy nhất là giúp các em có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó các em mới tự tin làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và có thể quay lại giúp đỡ những người kém may mắn…
Duy luôn tâm niệm: “Cách giúp tốt nhất là dạy các em một nghề ổn định và tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình”.
Tương tự, dù không được công nhận là cơ sở giáo dục chuyên biệt, thế nhưng từ nhiều năm nay, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh vẫn đang chăm lo, dạy dỗ cho hàng chục trẻ em khuyết tật khiếm thính trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm đến quen thuộc của những gia đình có con em không may bị khuyết tật khiếm thính.
Khó khăn nhất trong quá trình dạy và học ở đây chính là sự bất đồng ngôn ngữ, phải mất 2 đến 3 năm đầu, các em nhỏ khiếm thính mới học được hết các ký hiệu để giao tiếp được bình thường bằng ngôn ngữ hình thể, và phải mất đến 10 năm trẻ mới học xong chương trình cấp 1, gấp đôi thời gian so với trẻ bình thường. Ở lớp học đặc biệt này, trẻ không trong một độ tuổi nhất định, mà có khi trải dài từ 6 đến 18 tuổi. Bởi thế, việc giảng dạy của giáo viên càng thêm vất vả hơn nhiều lần.
Thế nhưng, nhiều năm qua các thầy cô giáo ở Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh vẫn luôn âm thầm đưa những “chuyến đò” giúp các em nhỏ thiệt thòi có thể phục hồi và được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản. Đây chính là nền tảng cơ bản để các em có được sự tự tin để hòa nhập xã hội như những bạn bè cùng trang lứa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.