Nghị lực của nhưng người khuyết tật làm lay động trái tim
Theo báo Thanh niên đăng tải, bạn Đặng Hoàng An (Long An) khuyết tật cả hai chân sau một lần bị thương, nhưng vẫn cố gắng vươn lên, trở thành nhà tư vấn tâm lý. Vừa qua An là tình nguyện viên tư vấn tâm lý tổng đài 1022 dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân TP.HCM trong đại dịch Covid-19. Hiện An là tình nguyện viên hỗ trợ cộng đồng và cộng tác viên tư vấn tâm lý trên sóng phát thanh.
An kể từng có khoảng thời gian không muốn sống, để quên đi những cơn đau đang giày vò, nhưng nghĩ rằng thời gian không thể nào quay ngược được. Thế nên bạn đã lựa chọn cách sống với thực tế và nhận ra vẫn còn may mắn hơn nhiều người, đồng thời tập nhìn cuộc sống đa chiều và “xỏ chân vào đôi giày của người yếu thế” để biết mình may mắn ra sao.
“Em luôn có niềm tin mãnh liệt rằng hình hài có thể tàn nhưng không thể sống phế. Thế nên, em vẫn tiếp tục sống để làm người tử tế và đóng góp cho cộng đồng nói chung và người khuyết tật nói riêng. Những năm qua, em vẫn miệt mài tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên”, An chia sẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Lương trao phần thưởng tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật. Ảnh: báo Thanh niên
Bạn Vũ Thị Hải Anh (22 tuổi, thành viên Hội Người mù Hà Nội) cũng là một tấm gương có nghị lực phi thường. Dù bị khiếm thị hoàn toàn nhưng Hải Anh vẫn cố gắng học và ước mơ trở thành nhà báo có thể làm cầu nối để kết nối mọi người với nhau, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa đi định kiến về cộng đồng người khuyết tật. Hiện Hải Anh là đại sứ dự án The Eyes Project 2020, đại sứ văn hóa đọc, được tặng giấy khen kèm học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2020 của Chủ tịch Hội Khuyến học VN.
“Sức mạnh không đến từ thể chất, mà đến từ ý chí bất khuất của chúng tôi”, đó là tâm sự của chị Trần Thị Diệu Thuần (Giám đốc HTX Tâm Ngọc, Thường trực Ban Thanh niên Hội Người khuyết tật TP.Hà Nội) bị khuyết tật vận động. Năm 1 tuổi, sau một lần sốt cao, chân trái bị teo, nhưng nhờ suốt 10 năm kiên trì tập luyện, chị Thuần đã đi được bằng đôi chân của mình. Lập gia đình nhưng sau một vụ tai nạn, chồng chị đã ra đi. Một mình chị lại phải vượt qua khó khăn để nuôi hai con, hiện chị là giám đốc hợp tác xã, tạo việc làm cho 40 người khuyết tật…
Đó chỉ là 3 trong số 50 gương thanh niên khuyết tật vừa được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN tổ chức tôn vinh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt. Họ giàu nghị lực, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, hoàn thiện bản thân và tích cực đóng góp cho cộng đồng. Những câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng về ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Họ đã truyền đi thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” không chỉ với người khuyết tật mà với cả cộng đồng.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần, ý chí vươn lên của các đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tôn vinh.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Ảnh: báo Tuổi trẻ
"Các bạn chính là những tấm gương tỏa sáng nghị lực Việt, là nguồn cảm hứng, là động lực tiếp sức cho các bạn thanh niên khuyết tật khác thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống, thêm vững bước trên con đường đi đến bình đẳng và hòa nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Các bạn cũng chính là tấm gương về ý chí, khát vọng, nghị lực vươn lên cho các bạn thanh niên Việt Nam hôm nay" - anh nói.
Anh Tô Đình Khánh, chàng trai khuyết tật đang "hot rần rần" trên mạng xã hội với chuyện tình đẹp như mơ, có mặt trong chương trình tôn vinh đã gửi đến câu chuyện truyền cảm hứng. Ảnh: báo Tuổi trẻ
Chị Trần Thị Thuần chia sẻ trong chương trình. Ảnh: báo Tuổi trẻ
"Sức mạnh không đến từ thể chất, mà đến từ ý chí bất khuất của chúng tôi" - năm 1 tuổi, sau một lần sốt cao, chân trái dần teo quắt lại, nhưng nhờ suốt 10 năm kiên trì tập luyện, chị Trần Thị Thuần đã đứng dậy đi lại bằng đôi chân của mình. Lập gia đình song sau một vụ tai nạn, chồng đã bỏ đi, mình chị phải vượt qua khó khăn nuôi hai đứa con. Hiện chị là giám đốc hợp tác xã thu hút 40 người khuyết tật làm việc.
"Ngoài cái đầu ra, cơ thể tôi bị liệt hoàn toàn, liệu tôi có thể làm được gì đây?", anh Phạm Sỹ Long đã nỗ lực, kiên trì tập luyện, dùng miệng để vẽ tranh, làm thơ. Ảnh: báo Tuổi trẻ
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.