Ngoại trưởng John Kerry và mối duyên nợ với Việt Nam

2017-01-13 11:14:39 0 Bình luận
Khi phục vụ trong quân ngũ, ông John Kerry đã trở thành người đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam và kéo dài mối duyên nợ đó trong suốt sự nghiệp chính trị.
Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1993, di tích nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội đón tiếp hai vị khách đặc biệt đến từ nước Mỹ. Đó là hai thượng nghị sĩ, đồng thời là đôi bạn thân và cũng là những người có nhiều duyên nợ với Việt Nam: John McCain và John Kerry.
 
Nếu Thượng nghị sĩ McCain, cựu binh tham chiến tại Việt Nam, vẫn được người Mỹ ca tụng là anh hùng chiến tranh thì ông Kerry bước ra khỏi cuộc chiến trong tư thế ngược lại. Ông bị gọi là "kẻ phản bội" khi đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam những năm 1970.
 

Ông John Kerry bắt tay một người bán hàng trong chuyến thăm đồng bằng sông Cửu Long năm 2013. Ảnh: AP.
 
'Tôi không muốn tham chiến"
 
Trong sự nghiệp chính trị của ông Kerry, Việt Nam - cả trong và sau cuộc chiến - được nhiều người xem là yếu tố định hình cái nhìn của ông về thế giới.
 
Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị học tại Đại học Yale. Từ thời sinh viên, ông đã tham gia vào các hoạt động đoàn thể và chính trị. Tháng 3/1965, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam leo thang, ông đoạt giải hùng biện dành cho sinh viên sau khi thuyết trình phê phán toàn diện chính sách đối ngoại của Mỹ khi ấy.
 
Sau khi ra trường vào năm 1966, ông gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ. Lúc này, cuộc chiến tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn ác liệt nhất khi Washington triển khai chiến lược "chiến tranh cục bộ". Trong bối cảnh đó, chàng lính trẻ tình nguyện đến Việt Nam.
 

Ông John Kerry cùng các binh sĩ Mỹ tại Việt Nam năm 1969. Ảnh: AP.
 
Kerry đăng ký chỉ huy một chiếc tàu chiến PCF (loại tàu vỏ nhôm cỡ nhỏ, dài khoảng 15m, được Hải quân Mỹ sử dụng để tác chiến trên sông và vùng nước nông). Trong cuốn hồi ký về chiến tranh Việt Nam xuất bản năm 1986, ông giải thích sở dĩ ông chọn PCF là vì nghĩ rằng loại tàu này "không tham gia nhiều vào chiến trận".
 
"Tôi không thực sự muốn bước chân vào cuộc chiến", ông viết. "Tàu PCF làm nhiệm vụ tuần tra ven bờ và đó là những gì tôi nghĩ tôi phải làm".
 
Ông có bốn tháng tham chiến tại Việt Nam từ cuối tháng 11/1968 đến đầu tháng 4/1969. Người quân nhân trở về Mỹ với nhiều huy chương, gồm một Sao Bạc, một Sao Đồng và ba Chiến Thương Bội Tinh.
 
Tôi không thực sự muốn bước chân vào cuộc chiến
 
John Kerry, 1986
 
Tuy nhiên không lâu sau đó, ông tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Bị chấn động vì những gì tận mắt chứng kiến ở đồng bằng sông Cửu Long, ông nhanh chóng trở thành người phản chiến tích cực nhất dù vẫn còn phục vụ trong quân đội Mỹ đến năm 1978.
 
Đầu những năm 1970, ông Kerry gia nhập tổ chức Cựu binh Chiến tranh Việt Nam Phản chiến (VVAW) với khoảng 20.000 thành viên. Chính Tổng thống Mỹ Nixon khi ấy đã thừa nhận tổ chức này là một trong những thành tố có ảnh hưởng nhất trong phong trào phản chiến tại Mỹ.
 
Đi đầu lực lượng phản chiến
 
Cùng VVAW, ông Kerry thực hiện chiến dịch tuyên truyền tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam mang tên "Cuộc điều tra Chiến binh Mùa đông". Đồng thời, ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu cùng tên nói về chiến dịch do VVAW bảo trợ.
 
Ngày 22/4/1971, ông Kerry trở thành cựu binh Mỹ tại Việt Nam đầu tiên phát biểu tại Quốc hội về chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc điều trần kéo dài 2 tiếng đồng hồ trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông nói: "Làm sao có thể yêu cầu một người trở thành người cuối cùng chết vì một sai lầm (của người khác)?"
 

Ông John Kerry trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 22/4/1971. Ảnh: AP.


Đến nay, lời chất vấn trên trở thành câu nói được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về chân dung John Kerry. Phát biểu tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam mang tên "Vietnam War Summit" tháng 4/2016 tại Texas, ông đã phải dừng lại và cố gắng kiểm soát cảm xúc khi nhớ lại câu nói nổi tiếng của mình.
 
"Tôi đã nói về sự quyết tâm của các cựu binh nhằm thực hiện một nhiệm vụ cuối cùng, để 30 năm sau, khi các anh em chúng tôi xuống đường mà không có chân hoặc tay và mọi người hỏi 'tại sao', chúng tôi có thể nói 'Việt Nam' mà không mang ý nghĩa một ký ức cay đắng", Washington Post dẫn lời ngoại trưởng Mỹ.
 
Ngay sau hôm điều trần, ông Kerry đã tham gia vào cuộc biểu tình cùng khoảng 1.000 cựu binh tại Đồi Capitol. Ông và các đồng đội đã quăng huân huy chương cùng áo mũ quân phục của mình qua hàng rào trước bậc thềm trụ sở Quốc hội để phản đối chiến tranh.
 
Làm sao có thể yêu cầu một con người trở thành người cuối cùng chết vì một sai lầm?
 
John Kerry, 1971
 
Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, các cựu binh đã hô vang tên tuổi, quê quán, đơn vị cùng những tuyên bố riêng. Khi quăng những món đồ gắn với thời quân ngũ của mình, ông Kerry nói: "Tôi làm điều này không phải vì muốn gây bạo động mà vì hòa bình và công lý. Tôi muốn nỗ lực để thức tỉnh đất nước này một lần cho mãi mãi".
 
Ông bị bắt trong cuộc tuần hành vinh danh những tù nhân chiến tranh nhưng được thả ngay sau đó. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Marvin Laird từng 2 lần bác bỏ đề nghị truy tố ông Kerry.
 
Mối duyên nợ với Việt Nam
 
Quan điểm rằng chính quyền Mỹ đã sai lầm khi gây chiến ở Việt Nam định hình cái nhìn của ông Kerry trong suốt sự nghiệp chính trị từ khi làm phó thống đốc bang Massachusetts đến khi gia nhập Thượng viện rồi trở thành ngoại trưởng. Tuy nhiên, ông rất hiếm khi chia sẻ trước công chúng về khoảng thời gian hoạt động phản chiến.
 
Từ năm 1991 đến năm 1993, ông làm người đứng đầu Ủy ban đặc biệt về các vấn đề Tù binh và Quân nhân mất tích trong Chiến tranh (POW/MIA). Khi đó, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là vấn đề vô cùng nhạy cảm, là vết thương nhức nhối của người Mỹ nên bước đi của Kerry có thể xem là một sự mạo hiểm về chính trị.
 
Thế nhưng, bằng hàng chục chuyến công du Việt Nam và Đông Nam Á cùng việc nghiên cứu hàng nghìn tài liệu, hình ảnh, Thượng nghị sĩ Kerry đã làm sáng tỏ tin đồn nói vẫn còn nhiều binh sĩ Mỹ bị giam trong “các nhà tù bí mật” ở Việt Nam. Cuộc điều tra của ông Kerry đã giúp ông “ghi điểm” trong mắt dư luận.
 

Ông John Kerry ngồi cạnh ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ Bộ Ngoại giao, trên trực thăng trong chuyến thăm đồng bằng sông Cửu Long năm 1992. Ảnh: AFP.
 
Trong cuộc trò chuyện hồi tháng 4 tại Texas, ông nhớ lại việc phối hợp cùng Thượng nghị sĩ McCain trong công tác điều tra về các tù binh chiến tranh, những lần trèo lên những địa điểm hiểm trở, nơi máy bay Mỹ bị rơi, để tìm kiếm hài cốt các binh sĩ. Những nỗ lực của họ đã mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
 
"Họ (người dân Việt Nam) đã cho phép trực thăng hạ cánh ở các thôn xã, dù điều đó có thể gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc chiến", ông nói. "Người Việt Nam làm như thế vì họ cũng muốn gác lại chiến tranh. Họ đã đào bới những cánh đồng và cho chúng tôi vào nhà họ, những 'ngôi nhà lịch sử', những nhà tù. Hơn một lần, họ đã hướng dẫn chúng tôi băng qua những bãi mìn thực thụ".
 
Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của hai Thượng nghị sỹ Kerry và McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
 

Hai Thượng nghị sĩ John McCain (thứ 3 từ trái sang) và John Kerry (thứ 2 từ phải sang) chứng kiến Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ảnh: Getty Images.
 
Kết quả này mang lại bước đột phá đưa quan hệ giữa hai nước từ căng thẳng sang hợp tác. Đó cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp của bản thân ông Kerry, là dấu ấn đậm nét trong mối lương duyên giữa Việt Nam với ông còn kéo dài đến ngày nay.
 
Đến Việt Nam và bị ảnh hưởng vì cuộc chiến khốc liệt ở đây từ khi còn là chàng trai trẻ, nay ông John Kerry có chuyến thăm Việt Nam lần cuối với tư cách quan chức chính phủ trước khi trở lại làm công dân Mỹ "bình thường" ở thành phố Boston.
 
Với ngoại trưởng Mỹ, một bài học từ Việt Nam mà ông luôn khắc cốt là không thể chỉ nhìn các nước qua lăng kính người Mỹ.
 
"Chúng ta phải cố gắng đặt mình vào vị trí người khác, nhìn đất nước họ theo cách họ nhìn và chúng ta sẽ đạt được thành quả tốt hơn", ông nói.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...