“Ngôi nhà chung” đầy ắp yêu thương
Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ
mồ côi huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là nơi nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc cho
trẻ mồ côi, không nơi nương tựa từ năm 1991 đến nay, hiện nay Trung tâm đang
nuôi dạy 35 đứa trẻ. Ở đây, các em được quan tâm bảo đảm đủ điều kiện sống cần
thiết, được học hành như bao trẻ em khác đến khi trưởng thành.
Mỗi em nhỏ nơi đây đều
có hoàn cảnh thiệt thòi, bị cha mẹ bỏ rơi nhưng đều được bảo vệ và nuôi dạy nên
người bởi các cán bộ, nhân viên của trung tâm. Không mang nặng đẻ đau nhưng với
họ những đứa trẻ này đã là máu mủ, ruột rà. Trung tâm như một mái nhà chung lấp
đầy những khoảng trống, chia sẻ và làm lành những nỗi đau của những đứa trẻ kém
may mắn trong xã hội.
Một cán bộ dẫn tôi đi
thăm khu ăn, ở và vui chơi của các em. Những phòng ngủ rất đơn giản được bố
trí, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Vườn cây ăn quả, vườn rau và sân chơi luôn vui
rộn tiếng cười nô đùa của các em.
Ông Lê Ngọc Trường –
Giám đốc Trung tâm cho biết: “Do kinh phí thiếu thốn nên nhiều bữa trung tâm
còn tận dụng việc quét lá cây về để đun nấu và vẫn phải dùng nước giếng khoan
qua bể lọc nhân tạo, các trang thiết bị phục vụ cho việc vui chơi của các cháu
còn thiếu thốn. Thấu hiểu được những mất mát lớn lao của các cháu nên mỗi cán bộ,
nhân viên luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy các cháu trưởng
thành, uốn nắn các cháu phải có tính tự lập cao để sau này vững bước vào đời.
Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, Tết, Trung tâm đều có sự chuẩn bị chu đáo đầy đủ
để động viên các cháu và xua đi cảm giác bị thiệt thòi. Có trường hợp các cháu ở
đây là anh em ruột bị bố mẹ ruồng bỏ, có trường hợp con ngoài giá thú và có
cháu mất mẹ, còn cha nhưng cha lại đang thi hành án tại trại giam. Hình ảnh đau
đáu nhất trong tôi đó là vào năm 2009, một cháu bé bị bỏ rơi ở ngoài cổng Trung
tâm, lúc đó mới được 2 tháng tuổi. Mọi người vội vã ủ ấm cho cháu rồi lau rửa sạch
sẽ và nhận chăm nuôi từ đó”.
Khác với những
đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ, các bạn ở Trung tâm này luôn rụt rè, mang trong mình
đầy mặc cảm, tự ti. Khi tôi tiếp xúc với cô bé Nguyễn Thị Tình, em không dám
nhìn thẳng vào mắt người đối diện, chỉ len lén quay đi che giấu giọt nước mắt
ngân ngấn. Tôi hỏi về cuộc sống ở Trung tâm, em tâm sự một cách dè dặt: “Em về ở
Trung tâm khi bố mẹ mất từ năm em 4 tuổi. Mỗi khi Tết đến, nhìn nhà nhà quây quần,
em nhớ bố mẹ vô cùng, mặc cảm về hoàn cảnh bản thân, nhiều khi em đã khóc”.
Cô Trần Thị
Hường – người gắn bó với Trung tâm này nhiều năm chia sẻ: “Ở đây cháu nào cũng
yếu đuối và lau nước mắt nên dù chúng có lớn, chúng tôi vẫn phải dỗ dành. Có những
bé hồi mới đến, đêm nào cũng gào thét đòi bố mẹ, tôi cứ phải ôm vào lòng và dỗ
“lát bố mẹ con đến bây giờ đấy” để chúng nguôi ngoai nỗi đau mất mát”.
Mỗi đứa trẻ
khi mới vào Trung tâm đều rất tự ti, không hoà đồng nhưng đều được các cán bộ,
nhân viên gần gũi và động viên, hoà nhập với nền nếp của gia đình lớn. Vào mỗi
sáng, khoảng 6h, các cán bộ ở Trung tâm giúp các em nhỏ vệ sinh cá nhân, sau đó
đưa những em nhỏ tới lớp rồi trở về phòng ở thu xếp, giặt quần áo, đến trưa lại
đón các em về.
Trên chặng đường trở về
Hà Nội, tôi bồi hồi nhớ lại những đứa trẻ kém may mắn tại Trung tâm Nuôi dưỡng
trẻ mồ côi huyện Kim Bảng, càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống. Hạnh phúc
lắm khi được sống trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương của cả cha và mẹ, sung
sướng lắm khi mỗi ngày được cắp sách đến trường, yêu thương lắm khi cuộc sống
này may mắn vẫn mỉm cười với chúng ta.
Mỗi người chúng ta hãy cùng kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, những trái tim nhân ái để kết nối lại cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.