Người con tàn tật thay bố mẹ nuôi 3 đứa em nên người
Dù tật nguyền, Minh Kim Thành, người thôn Thạch Khôi Diêu, thành phố Nhật Chiêu, tỉnh Quảng Đông, từ nhỏ đã khát khao được đi học. Ông tự tập di chuyển bằng ghế đẩu và được bố mẹ cho đi học hết cấp hai.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, thương bố mẹ vất vả, Minh Kim Thành ra ngoài làm thuê, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
"Bố mẹ tôi cả đời làm nông, không có nguồn thu nhập nào khác. Tôi còn có ba đứa em trai, nên quyết định nghỉ học, tìm việc kiếm chút tiền giúp đỡ bố mẹ và để các em đỡ vất vả hơn", người đàn ông 58 tuổi tâm sự trong sân nhà hôm 10/9.
Không được công ty nào nhận vào làm, ông học nghề đan mây tre, đan túi, giỏ, rổ rá để kiếm tiền. Sau hai năm, nghề của ông bị đào thải khi thị trường xuất hiện giỏ, rổ nhựa giá rẻ hơn, bền hơn. Ông cũng thử qua nhiều nghề khác như làm bánh ngọt, chăn nuôi, làm đậu phụ nhưng đều không phù hợp.
Minh Kim Thành dùng ghế đẩu di chuyển trong sân nhà ở thôn Thạch Khôi Diêu, thành phố Nhật Chiêu, tỉnh Quảng Đông, hôm 10/9. Ảnh: QQ
Hơn 10 năm trước, khi đang giúp bố mẹ thu hoạch lạc, Minh Kim Thành hay tin trường đào tạo kỹ thuật điện ở Lâm Nghi tuyển sinh nên quyết định đăng ký, với ý định học nghề sửa đài cát sét.
Không đủ tiền đóng học phí 150 tệ, ông đi vay được 200 tệ và bắt xe đến Lâm Nghi. Thấy ông đến, các thầy cô cảm động trước tinh thần của học viên tật nguyền hơn 40 tuổi nên làm thủ tục nhận học luôn và chỉ thu 50 tệ học phí.
"Học nửa năm thì hết chương trình, tôi chưa dám nhận sửa đồ cho khách hàng vì sợ làm hỏng. Tôi đến thị trấn tìm một cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng xin vào học việc", ông nói.
Ông chủ thấy Minh Kim Thành thật thà, lại có kiến thức cơ bản nên dạy sửa radio, tivi, rồi đến tủ lạnh, máy giặt, quạt, ấm siêu tốc, máy ghi âm. Cứ như vậy, ông dần thành thạo và bắt đầu mưu sinh bằng nghề sửa chữa đồ gia dụng.
"Bây giờ tôi chủ yếu sửa tủ lạnh, máy giặt và tivi. Nghề này không kiếm được nhiều tiền nhưng đủ ăn", ông tâm sự.
Ông đã tích cóp đủ tiền để giúp ba em trai xây nhà, lấy vợ. Ba người em luôn biết ơn anh trai tàn tật, mỗi khi rảnh rỗi đều qua nhà thăm bố mẹ, giúp anh làm việc.
"Nếu chỉ làm nông, hai vợ chồng tôi phải mấy đời mới xây được ba ngôi nhà như vậy", bà Chu, 78 tuổi, mẹ của Minh Kim Thành, nói trong căn nhà cũ ngổn ngang quạt điện, tủ lạnh. "Hai vợ chồng tôi có lỗi với cậu cả này, khi không thể cho con một cơ thể lành lặn".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.