Các trung tâm thương mại đìu hiu, doanh nghiệp thuê mặt bằng kiệt quệ vì Covid-19
Kể từ khi thành phố được mở cửa, nhiều trung tâm thương mại ở TP.HCM đã nỗ lực giữ chân các khách hàng thuê mặt bằng, kéo người tiêu dùng đến mua sắm thông qua nhiều chương trình ưu đãi liên tục, song vẫn không mấy khả quan.
Ghi nhận tại cấc trung tâm thương mại ở các quận trung tâm TP.HCM và khu vực TP Thủ Đức, quận 7…, những cửa hàng thời trang, dịch vụ đã tung các chương trình khuyến mãi lớn, lượng người mua sắm vào các giờ cao điểm vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Không ít trung tâm thương mại chỉ có vài người đến mua sắm, hay thậm chí các mặt hàng kinh doanh vẫn còn phủ rèm "nghỉ dịch".
Tại một trung tâm thương mại lớn trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), những khu vực dành cho ẩm thực vẫn chưa "sáng đèn", các quầy bán thức ăn, nước uống và khu nhà hàng vẫn còn đóng cửa. Ở các trung tâm thương mại khác, dù lượng khách đã phục hồi, số lượng shop đã tái hoạt động lớn, song nhiều doanh nghiệp than thở sức phục hồi vẫn còn chậm trong khi đây là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành ẩm thực có mặt bằng tại nhiều trung tâm thương mại cho biết trên Tuổi Trẻ Online rằng, đơn vị này đang đàm phán để trả lại mặt bằng bên trong trung tâm thương mại ở TP Thủ Đức bởi doanh thu không bù nổi chi phí, trong đó riêng chi phí mặt bằng đã hơn 100 triệu đồng/tháng. Mức giá thuê mặt bằng hiện ở mức trên 1 triệu đồng mỗi m².
Theo vị này, hiện trả mặt bằng sẽ mất cọc 3 tháng và vẫn phải thanh toán chi phí thuê mỗi tháng cho tất cả các tháng còn lại khi trả mặt bằng trước thời hạn. Điều này gây thiệt hại cho bên thuê nên doanh nghiệp đang còn đàm phán.
Còn đại diện một trung tâm thương mại cho rằng, các doanh nghiệp lần lượt trả mặt bằng, dẫn đến trống nhiều vị trí trong trung tâm. Thay vì cho thuê tối thiểu 3-5 năm, trung tâm sẵn sàng đàm phán cho thuê thời hạn ngắn, thậm chí 1 năm và duy trì giảm giá thuê trong những tháng đầu nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn với doanh nghiệp.Do tác động của dịch quá mạnh, nhiều doanh nghiệp không tái ký hợp đồng, nên trung tâm này phải chuyển đổi để chuyển sang cho thuê làm văn phòng trên vị trí trước đây cho thuê kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mở cửa tại các trung tâm thương mại (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Không riêng gì tại TP.HCM, tại Hà Nội, nhiều nhãn hàng cũng quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng tại trung tâm thương mại cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Sự kéo dài của dịch là nguyên nhân làm giảm số lượng khách đến các trung tâm bán lẻ; đồng thời, nhiều nơi tiến hành sửa chữa, cải tạo khu vực kinh doanh dẫn tới sự gia tăng diện tích trống, kéo công suất thuê của phân khúc này giảm.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, giá thuê trung bình tầng 1 tại trung tâm thương mại trong quý II tại Hà Nội đạt mức 41 USD/m2/tháng. Đối với các trung tâm thương mại, giá thuê hiện ghi nhận giảm nhiệt nhiều nhất tại khu vực tầng 1. Một số trung tâm thương mại đã bắt đầu giảm giá thuê cho khi vực tầng 2 khoảng 5 - 10% so với trước dịch. Tính mặt bằng chung của cả trung tâm thương mại tại tất cả các tầng thuê thì giá thuê giảm nhẹ khoảng 2 - 3%.
Khách thuê mặt bằng bán lẻ đã đưa ra các thay đổi trong điều khoản thuê kể từ thời điểm thị trường bắt đầu chịu tác động của dịch bệnh.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, dưới tác động của COVID-19, bán lẻ trực tuyến đang có những bước phát triển mạnh mẽ, thói quen tiêu dùng của nhiều người đã thay đổi từ việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang hình thức online. Điều này tác động đáng kể lên thị trường bất động sản bán lẻ, làm thay đổi vai trò của trung tâm thương mại cũng như các siêu thị bán lẻ so với thời kỳ trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhu cầu đi lại mua sắm của người tiêu dùng vẫn rất lớn. Bán lẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hóa mà còn là cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay những trải nghiệm về ẩm thực, giải trí hoặc thư giãn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.