Những quan niệm của Người Việt về ô tô chưa chắc đúng
Thanh niên ra đường bây giờ thấy ai đi ô tô thì auto là “nhà giàu”, đi xe máy auto là “nhà nghèo” chưa chắc đâu vì có thể xe đó họ thuê, mượn thì sao, hoặc họ đi làm xa 20-50km hay về quê cố vay mượn mua được chiếc xe để an toàn cho gia đình, nhiều đôi vợ chồng trẻ mới cưới vẫn đang đi thuê nhà nhưng cũng sở hữu 1 chiếc xe hơi trả góp, do thói quen chi tiêu thôi, tôi thì vẫn đánh giá cao những người dám sở hữu xe hơi. Còn những người đi xe máy cũng nhiều thành phần, có người có 2-3 ô tô nhưng đi gần loanh quanh trên phố họ vẫn thích đi xe máy, nhiều ông chủ khách sạn hàng trăm tỷ vẫn có thói quen đi xe máy ăn sáng cà phê, hoặc nhiều bạn đi xe máy thừa tiền mua ô tô nhưng nhà phố thiếu chỗ gửi nên không mua, hoặc nhu cầu chưa bức thiết. Để người trung lưu mua 1 chiếc ô tô không khó lắm, nhưng để đổi chiếc xe này sang loại xe sang thì có thể mấy đời người cũng chẳng bao giờ đủ tiền, tuy nhiên cứ có ô tô đi thì người dân nông thôn đánh giá giàu ngang nhau.
Các bạn chọn bạn đời cứ săm soi xem chiếc xe đang đi của người yêu có đăng ký bản chính hay bản sao Ngân hàng? Quan niệm mua ô tô trả góp là tài chính yếu, không đủ tiền, cái này rất là sai vì theo khảo sát của các Đại lý ô tô cứ 10 người mua thì 7-8 người trả góp ngân hàng, vì họ dùng vốn lưu động để kinh doanh sinh lời chứ không đầu tư hết cho chiếc xe, trừ những chiếc xe quá 10 năm sử dụng không thể vay được thì không ai trả góp. Đừng lấy chuyện trả góp để đánh giá đối tác, vì những người mua trả góp chính là cá nhân năng động, có đầu óc kinh doanh, họ mua bằng tiền làm ra không phải thừa kế sẵn có.
Trên nhiều mạng xã hội nhiều người vẫn cho rằng Xe Nhật tiết kiệm xăng, còn xe Mỹ và Đức thì ngốn xăng, cái này rất sai vì phiến diện, do nước ta cách đây 10 năm chỉ có một số ít dòng xe được sản xuất hoặc nhập về nên mọi người mới nghĩ vậy, xe Đức và Mỹ hay Nhật đều có những dòng cao cấp máy V6, V8 tốn xăng còn những dòng bình dân máy I4 thì không tốn nhiên liệu.
Nhiều bạn cho rằng đi xe bán tải là không lịch sự, chỉ là dân công trình, xe lịch sự phải 4-7 chỗ, trên nhiều diễn đàn các mem thường gọi “thằng đi bán tải”, “ông đi xe 4 chỗ” cái này cũng không có cơ sở nào cả, khác nào coi tất cả những người săm (tatoo) là xã hội đen. Nước ta đã hoà nhập các nền văn hoá, vì vậy “thích thì mình làm” chẳng phải copy giống ai, chẳng theo trào lưu cũng là một phong cách riêng, nữ tỷ phú có 38 tỷ đô vẫn đi bán tải Ford F150 thì sao.
Các hãng xe hay quảng cáo SUV vành xe lớn rất hấp dẫn người mua, nhiều bạn đổi bằng được vành (la zăng) lớn nhìn xe cho “ngầu” tuy nhiên mọi người không nhìn ra nhược điểm của những chiếc SUV vành lớn lốp càng mỏng sẽ hay bị vỡ lốp hoặc vỡ vành khi đi vào đường xấu nhiều ổ gà ổ voi, chính những chiếc vành nhỏ có lốp dày trông không đẹp mắt thì đi địa hình xấu rất ngon.
Nhiều bạn khi lựa chọn mua xe cho rằng mua xe 2 cầu thì nhiều lúc phải dùng đến do nước ta địa hình đồi núi, thực ra ở Việt Nam 95% người sử dụng ô tô hầu như chưa bao giờ dùng đến 2 cầu và cũng không biết cách dùng trong trường hợp nào do đường xá hiện nay khá tốt, khi đường đã xấu mắc kẹt thì 2 cầu cũng không hơn 1 cầu là mấy đâu, đều phải gọi cứu hộ thôi. Còn bạn yêu thích Offroad thì ngoài 2 cầu ra phải độ rất nhiều trang bị nữa: bảo vệ gầm, cản trước sau, đèn, tời, kích hơi, giảm sóc… mới có thể tham gia các cung đường đặc biệt và bạn cũng sẽ phải cân nhắc xem có gan mang xe đi phá không?
Hầu như ai cũng nghĩ khi xảy ra tai nạn va quệt trên đường, mình đi đúng sẽ gọi CSGT đến sẽ được đi ngay, còn người đi sai chắc chắn bị giữ xe, điều đó là sai lầm, nếu bạn không thương lượng được với bên sai thì dù đúng sai CSGT sẽ giữ xe cả hai bên 15-20 ngày rồi mới phân xử đúng sai, bạn sẽ không có xe để đi hàng ngày và rất tốn kém nộp phạt để lấy xe ra đấy.
Còn rất nhiều quan niệm chưa đúng về ô tô nữa chúng tôi sẽ liệt kê trong phần 2. Chúc các bạn thượng lộ bình an!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.