Nỗ lực ứng dụng khoa học trong xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
Một đề án nhân văn
Tiếp chúng tôi vào buổi chiều muộn, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Chủ nhiệm đề án, chia sẻ: “Mong muốn xác định được nơi yên nghỉ và danh tính của HCLS luôn là nỗi trăn trở, khắc khoải của hàng trăm nghìn gia đình thân nhân liệt sĩ. Và chúng tôi cũng có chung nỗi niềm đó. Từ khi bắt tay vào nghiên cứu đề án, có những hôm nhóm chúng tôi làm việc xuyên đêm với mong muốn sớm xác lập được một quy trình đồng nhất nhằm tiến hành nhanh chóng, hiệu quả việc xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin. Thời gian và thực tiễn của công tác "đền ơn đáp nghĩa" thôi thúc chúng tôi, không cho phép chúng tôi chậm trễ...”.
Sau hàng chục năm nỗ lực ngược xuôi tìm kiếm, ông Đinh Ngọc Duy (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) biết tin phần mộ em trai mình là liệt sĩ Đinh Ngọc Toanh được cất bốc về khu E, Nghĩa trang Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Tuy nhiên, khi cất bốc, nhiều HCLS thiếu thông tin nên không thể phân biệt được danh tính. Năm 2019, gia đình đã tìm đến Viện Pháp y Quân đội, một trong 3 đơn vị được giao nhiệm vụ giám định danh tính HCLS. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra cho đơn vị là từ trước tới nay, toàn bộ dữ liệu thông tin liệt sĩ không được tích hợp thành một bộ dữ liệu dùng chung, do 3 cơ quan chuyên môn đã tự xây dựng những quy trình riêng biệt. Trước thực tế đó, viện đã xác lập một quy trình đồng nhất nhằm thực hiện việc xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin được nhanh chóng, hiệu quả. Sau những nỗ lực nghiên cứu, trích xuất thông tin, tới tận mộ phần để khớp nối dữ liệu, kết quả giám định ADN đã xác định chính xác danh tính phần mộ của liệt sĩ Đinh Ngọc Toanh giữa hàng trăm ngôi mộ chưa biết tên. Đó là một trong những nỗ lực rất lớn của Viện Pháp y Quân đội.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 850.000 mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có hơn 600.000 mộ liệt sĩ thiếu một phần thông tin, hơn 220.000 mộ liệt sĩ thiếu hoàn toàn thông tin và gần 350 mộ liệt sĩ tập thể. Với dữ liệu thông tin liệt sĩ được lưu trữ vô cùng lớn, đề án “Quy trình xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin” đã ra đời với 2 mục tiêu chính là: Xây dựng bộ quy trình xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin và xây dựng bộ phần mềm quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu của quy trình này. Có thể nói, đề án vừa bảo đảm việc “quy trình hóa” các khâu một cách chặt chẽ, đồng bộ, vừa tạo sự thống nhất trong việc vận hành cơ sở dữ liệu tại các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Quyết tâm hoàn thành hai mục tiêu trên, lãnh đạo Cục Quân y đã nêu rõ nhiệm vụ chính của đề án gồm 4 nội dung khoa học là: Nghiên cứu xây dựng quy trình thu thập và xử lý dữ liệu “thông tin về liệt sĩ” còn thiếu thông tin; Nghiên cứu xây dựng quy trình khai quật và giám định hình thái hài cốt, quy trình thu mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân trong xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin; Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích ADN trong xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin; Nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng dữ liệu nhận dạng và bộ phần mềm quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu của quy trình xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin.
Có thể nói, 4 nội dung khoa học trong đề án vừa bảo đảm tính đặc thù khoa học của mỗi chuyên ngành, đồng thời “quy trình hóa” các khâu một cách chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao trong việc giám định danh tính HCLS còn thiếu thông tin, các quy trình được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Sau khi ban hành, các quy trình sẽ là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc đồng nhất tại tất cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Nhóm nghiên cứu đề tài thảo luận cùng chuyên gia về phân tích ADN mẫu xét nghiệm.
Tạo cơ sở pháp lý ứng dụng thống nhất trên toàn quốc
Đồng chí Trung tá Nguyễn Tất Thọ, nghiên cứu viên của Viện Pháp y Quân đội, thành viên nhóm thực hiện đề án, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất từ trước đến nay là mỗi cơ quan chuyên môn đã tự xây dựng cho mình những quy trình riêng, hiện tại một số dữ liệu về liệt sĩ cần xác định danh tính (thông tin, trình tự ADN...) không thể đưa vào thành một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung. Chính vì thế cán bộ, nhân viên của Cục Quân y đã nỗ lực sáng tạo, bằng mọi giá phải nghiên cứu triển khai ứng dụng được đề tài này.
Sau gần một năm nỗ lực làm việc, mọi cố gắng của Ban chủ nhiệm đề án đã được đền đáp: Bộ quy trình xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin gồm 12 quy trình chuyên môn, nghiệp vụ đã được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu còn xây dựng kèm thêm bộ phần mềm quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu cho quy trình này. Kết quả đáng ghi nhận là quá trình thực nghiệm đề án đã khớp nối dữ liệu trình tự AND, xác định được danh tính của 34/91 HCLS thuộc Trung đoàn 25, Quân đoàn 3 hiện đang được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc.
Sự ưu việt của đề án được đánh giá sẽ mang lại những giá trị khoa học lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, là cơ sở pháp lý cho việc hoạch định và thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách trong lĩnh vực giám định xác định danh tính HCLS, góp phần tác động, làm chuyển biến nhận thức của xã hội về việc xác định danh tính HCLS; là chuẩn mực mang tính khoa học để các lực lượng tham gia phối hợp hành động, bảo đảm tính thống nhất về kỹ thuật, về quản lý và đạt độ chính xác như mong muốn. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng triển khai những nội dung tiếp theo trong Đề án 150 của Chính phủ.
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên cho biết: Từ những giá trị thiết thực đó, Ban chủ nhiệm đề án đang tích cực đề xuất Bộ Quốc phòng chỉ đạo, triển khai chủ trương để sớm ban hành quy trình, nhằm tạo hành lang pháp lý ứng dụng thống nhất và hiệu quả trên toàn quốc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.