Đại tá Hồ Sơn Đài ra mắt sách ‘Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam’
Tác phẩm ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt Báo Quân giải phóng (1/11/1963 – 1/11/2023). Với độ dày hơn 400 trang, tác phẩm chia thành 4 chương gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Chương I - giai đoạn 1963-1965, chương II - giai đoạn 1966-1968, chương III - giai đoạn 1969-1972, chương IV - giai đoạn 1973-1975. Ngoài ra, cuối tác phẩm còn thể hiện phần “Ký ức người trong cuộc” với nội dung giới thiệu một số hồi ức, danh sách các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Báo Quân giải phóng khi thành lập cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ.
Tác phẩm được tác giả thực hiện trong khoảng 30 tháng.
Tham dự buổi ra mắt sách, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng chia sẻ: “Khi tiếp nhận được quyển sách này và đọc sơ lược qua, tôi có hỏi thăm PGS. TS. Hồ Sơn Đài vì sao đến hôm nay mới ra mắt quyển sách? Sau đó, tôi được biết, sau khi nghỉ hưu, tác giả mới có thể tập trung công sức thời gian đi tìm hiểu các nguồn tài liệu, các nhân chứng sống, chính các phóng viên của Báo Quân giải phóng thời đó... chỉn chu mọi thứ để có được quyển sách khoảng 400 trang. Tác phẩm bao hàm một khối lượng tư liệu rất đồ sộ với tình yêu, tình cảm của tác giả dành do tờ báo. Tôi tin rằng, quyển sách này sẽ trở thành một tư liệu cho những thế hệ người làm báo trẻ nối tiếp trong hành trang với chặng đường Báo chí cách mạng Việt Nam...”.
Trong hôm nay, ông Trần Trọng Dũng sẽ gửi quyển sách “Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1943 – 1975)” về thư viện của Hội Nhà báo Việt Nam lưu trữ và làm tư liệu.
Qua 400 trang sách, PGS.TS Đại tá Hồ Sơn Đài đã tái hiện quá trình ra đời của Báo từ số đầu tiên ngày 1/11/1963 đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, báo dừng lại ở số 338, ra ngày 15/10/1975. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết được một bài báo và chuyển tay bài báo ấy về tòa soạn đã khó, việc in ấn ra tờ báo để phát hành đến từng trung đội Quân giải phóng trên toàn Miền càng khó hơn.
Tác giả, các nhân chứng sống của Báo Quân giải phóng giao lưu cùng khán giả.
PGS.TS Đại tá Hồ Sơn Đài chia sẻ về lý do viết nên tác phẩm: “Tôi đã đọc nhiều về lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam, tìm hiểu các nguồn lưu trữ tài liệu trong và ngoài quân đội, trung tâm lưu trữ quốc gia thì vẫn chưa có một quyển sách nào viết về Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đó khơi rợi cho tôi những trăn trở và những cựu Nhà báo, phóng viên, biên tập viên của tờ báo ngày ấy không còn nhiều và đang ít theo năm tháng. Nên tôi đã quyết tâm phục dựng lại đơn vị này, góp phần tái hiện đầy đủ hơn bức tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Qua đó tôn vinh và ghi nhớ, cảm ơn các thế hệ phóng viên, biên tập viên của tờ báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.”.
Tác giả dành hơn 2 năm để tìm hiểu tư liệu tại các trung tâm lưu trữ, trên các báo điện tử, gặp trực tiếp các nhân chứng sống. Mọi tư liệu được gom góp, tổng hợp và xử lý chỉnh chu nhất để hoàn thành quyển sách.
PGS.TS Đại tá Hồ Sơn Đài xúc động cho biết: “Gần một nửa số cán bộ của tờ báo ngày ấy đã mất, số còn lại nhỏ đã trên 70 tuổi, lớn đã hơn 90 tuổi. Trong số các nhân vật tôi gặp, có 3 người đã mất vi quyển sách chưa được hoàn thành…”.
Tham gia công tác tại Báo quân giải phóng từ năm 1966 - 1975, ông Nguyễn Đình Thịnh (sinh 1940, quê Hà Nội) cho biết: “Năm tháng đó, do nhu cầu cách mạng nên nhiều giáo viên như tôi được luân chuyển vào Nam phục vụ nhiệm vụ làm báo tại Báo Quân giải phóng. Khi đó, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ gì, bằng mọi giá dù như thế nào, những người chiến sĩ như chúng tôi cũng phải cố gắng hoàn thành…”.
Ông Nguyễn Đình Thịnh thông tin, đảm nhận nhiệm vụ là phóng viên vòng ngoài, ông đến tận các chiến trường, trực tiếp tham gia và chứng kiến các chiến sĩ ta chiến đấu. “Họ chiến đấu như thế nào, anh dũng lập công ra sao thì bản thân mình là người thu tư liệu, về viết bài. Ngày đó chỉ mỗi bút bi giấy học trò cỡ nhỏ thôi phải vừa ghi chép và viết thành bài, chuyển về tòa soạn một cách nhanh nhất. Nhiều trường hợp không có cơ hội gửi bài về do bị địch thủ tiêu, hi sinh tại chiến trường…” - Ông Thịnh chia sẻ.
“Báo chí trong chiến tranh gặp muôn vàng khó khăn, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ...) – Ông Nguyễn Đình Thịnh cho biết.
Bà Trần Thị Vịnh (sinh 1941, quê Bắc Ninh) là một trong 2 nữ phóng viên, biên tập viên duy nhất của Báo Quân giải phóng chia sẻ: “Trong khoảng thời gian báo Quân giải phóng hoạt động thì có 2 phóng viên nữ duy nhất bao gồm tôi và chị Hồ Thị Phương Thịnh (sinh năm 1942, Hà Tây nay Hà Nội). Cả hai đều là bạn học phổ thông, vào chiến trường phục vụ tờ báo cùng một ngày. Ngày đó, chúng tôi cũng là chiến sĩ, vào chiến trường được dạy sử dụng các vũ khí quân dụng bộ binh như lựu đạn, dao găm, súng tiểu liên... Mọi thứ rất vất vả nhưng chúng tôi luôn cố gắng vừa chiến đấu vừa hoàn thành nhiệm vụ của tờ báo...".
Sau 48 năm, bà Trần Thị Vịnh vẫn nhớ như in những ký ức về khoảng thời gian công tác tại Báo Quân giải phóng.
Trong gần 12 năm hoạt động, báo Quân giải phóng đã xuất bản được 338 số, đủ tất cả các chuyên mục: xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, tổ tiên ta đánh giặc, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa… Trong 338 số ấy, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo đã công bố hàng nghìn tin bài phản ánh mọi hoạt động của quân và dân miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975. Báo Quân giải phóng đã hoàn thành một nhiệm vụ vẻ vang, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.