Pháp luật chống tham nhũng ở một số nước Châu Á
2017-01-04 10:11:41
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Từ ngày 9 - 11/12/2003, tại Mê-ri-đa (Mexico), Liên hiệp quốc (LHQ) đã tổ chức lễ ký công ước LHQ về chống tham nhũng. Tại buổi lễ, đã có 95 nước tham gia ký công ước, trong đó có Việt Nam. Việc ký công ước này đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng ở Việt Nam và khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và khu vực về lĩnh vực này. Nhân dịp xuân Đinh Dậu, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc pháp luật chống tham nhũng ở một số nước châu Á như: Singapore, Inđônêxia, Ấn Độ, Nhật Bản.
Ảnh minh họa |
1. Chống tham nhũng ở Singapore.
Ngày 17/6/1960, Đạo luật chống tham nhũng của Singapore được ban hành, đây là Đạo luật hết sức quan trọng phục vụ đắc lực cho các cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. Luật chống tham nhũng điều chỉnh những vấn đề rất quan trọng như quy định về tiền tham nhũng; quyền hạn của Chủ tịch và điều tra viên cơ quan điều tra tham nhũng; quyền hạn của ủy viên công tố, của tòa án; quy định các tội phạm tham nhũng cụ thể và những hình phạt tương ứng; trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của những người có liên quan và của các đương sự... .
Để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xác định tội phạm tham nhũng, Điều 2 luật này quy định tiền tham nhũng bao gồm:
- Tiền hay mọi hình thức quà biếu, tiền vay mượn, tiền thưởng, tiền hoa hồng, các đảm bảo có giá trị tài sản, lợi tức của tài sản dưới hình thức động sản hay bất động sản;
- Chức vụ, công việc, hay hợp đồng;
- Mọi hình thức trả tiền, thanh toán hay miễn trả nợ, miễn thực hiện nghĩa vụ hay các khoản thanh toán khác;
- Mọi hình thức dịch vụ, giúp đỡ hay tạo điều kiện, kể cả việc đảm bảo không bị hình phạt, không bị kỷ luật hoặc không phải chịu trách nhiệm hình sự hay không phải thực hiện các nghĩa vụ chính thức khác;
- Mọi hình thức cung phụng, thực hiện hay hứa hẹn sẽ cung cấp về một khoản tiền nào đó như quy định trên.
Ngoài các quy định về tội tham nhũng trong Bộ luật hình sự, Luật chống tham nhũng còn quy định một số hành vi tham nhũng và hình phạt đối với các tội tham nhũng cụ thể. Đặc biệt trong Điều 5 quy định hành vi đòi hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ và hình thức phạt tiền có thể lên đến 100.000 đô la singapore hoặc phạt tù không quá 5 năm hoặc phải chịu cả hai hình thức phạt đó.
Nhân viên cơ quan có chức năng chống tham nhũng nếu phạm tội hối lộ, hoặc người đưa hối lộ cho nhân viên cơ quan chống tham nhũng cũng sẽ chịu hình phạt với mức tương đương như quy định trên.
Căn cứ vào tính chất, đối tượng phạm tội, Điều 7, Điều 8 quy định trong trường hợp người phạm tội liên quan đến hợp đồng hay một đề nghị với một bên là Chính phủ hay cơ quan thuộc Chính phủ hoặc đưa và nhận hối lộ đối với người làm việc cho Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ hay cơ quan công quyền thì hình phạt dành cho kẻ phạm tội lên đến 100.000 đô la singapore hoặc không quá 7 năm tù hoặc phải chịu cả hai hình phạt trên.
Điều 9 Luật chống tham nhũng còn quy định một số trường hợp phạm tội tham nhũng không cần xác định rõ động cơ, mục đích phạm tội hoặc không cần xác định hậu quả xảy ra hoặc kẻ phạm tội có thực hiện được hành vi phạm tội hay không.
Điều 11, 12 quy định các hành vi phạm tội hối lộ đại biểu Quốc hội và hối lộ nhân viên nhà nước với hình phạt 100.000 đô la singapore, 7 năm tù hoặc phải chịu cả hai hình phạt này.
Nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của cơ quan điều tra tham nhũng, tại Điều 3 luật này quy định Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, các trợ lý củc Chủ tịch, các điều tra viên chuyên ngành cơ quan điều tra tham nhũng.
Chủ tịch, điều tra viên được pháp luật quy định có nhiều quyền hạn để tiến hành các hoạt động điều tra, ngăn chặn tham nhũng. Điều 15,16,17,18 Luật chống tham nhũng quy định: Chủ tịch hay điều tra viên cơ quan điều tra tham nhũng có quyền:
+ Bắt và khám xét không cần lệnh của công tố nếu có căn cứ cho rằng một người đã phạm tội trong các tội được quy định tại Luật chống tham nhũng.
+ Tiến hành điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không cần có sự phê chuẩn của công tố đối với các tội tham nhũng được quy định tại Điều 165 hay Điều 213, 214, 215 của Bộ luật hình sự.
+ Theo lệnh của công tố, có quyền kiểm tra tài khoản ngân hàng, ngân hàng cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu và tài khoản khác gửi ở ngân hàng và có quyền điều tra việc mở tài khoản sản xuất kinh doanh của bất cứ người nào nếu có căn cứ cho rằng đã phạm các tội quy định tại các Điều 161 hoặc từ Điều 213 đến 215 Bộ luật hình sự.
Điều 22 quy định trong quá trình điều tra, xét thấy cần thu thập thêm chứng cứ, Tòa án hoặc Chủ tịch cơ quan điều tra tham nhũng có thể ra quyết định bắt, khám xét, tạm giữ tài liệu, kê biên tài sản của đối tượng bị xem xét.
Ngoài ra, Luật chống tham nhũng còn quy định cho các cá nhân, cơ quan liên quan có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin tài liệu cần thiết cho việc điều tra. trong trường hợp người nào đó khước từ việc xem xét, yêu cầu, cản trở, hành hung người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt đến 10.000 đô la singapore hoặc phạt tù không quá 1 năm hoặc phải chịu cả hai hình phạt này. Người nào cố tình cung cấp những thông tin sai sự thật sẽ phải chịu hình phạt như quy định trên.
2. Chống tham nhũng ở In-đô-nê-xi-a
Trước đây, In-đô-nê-xi-a là thuộc địa của Niuzelan và mãi cho đến năm 1945 mới tiến hành giành được độc lập, tự chủ. Chính sách cai trị của thực dân là nguyên nhân sâu xa của các tệ nạn xã hội. Vì vậy trong chế độ cũ, tệ nạn tham nhũng ở In-đô-nê-xi-a phát triển tràn lan. Năm 1970, Tổng thống Suharto đã cho thành lập Ủy ban đặc biệt về chống tham nhũng. Theo báo cáo của Ủy ban này, tham nhũng tập trung nhiều ở những nhân vật đứng đầu các hãng kinh doanh dầu khí và các ngành công nghiệp mới phát triển.
Ở In-đô-nê-xi-a tham nhũng được nhìn nhận ở khía cạnh hối lộ. Tội này có ở các công chức nhà nước và đặc biệt hơn có cả ở các viên chức nước ngoài hợp tác liên doanh với In-đô-nê-xi-a.
Tội hối lộ được quy định trong Bộ luật hình sự, đó là Đạo luật số 3 ban hành năm 1971 về vấn đề đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và Đạo luật số 11 năm 1980 về chống hối lộ. Theo quy định của các luật này thì người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều được xác định là tội phạm.
Theo quy định của Đạo luật số 11 năm 1980 thì người đưa hoặc hứa sẽ đưa một vật gì đó cho một người với ý định để người này làm cho mình một việc hoặc không làm một việc gì đó có liên quan tới chức trách nhiệm vụ mà người đó được giao thì sẽ bị coi là đã phạm vào tội tham nhũng và sẽ bị phạt tù tới 5 năm, bị phạt tiền tới 15 triệu rupi hoặc cả hai hình phạt này.
Viên chức nhà nước mà nhận quà hoặc nhận một sự ưu đãi nào đó để làm hoặc không làm một việc có liên quan tới chức trách nhiệm vụ của mình sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt 15 triệu rupi hoặc cả hai hình phạt này.
Khoản 4 của đạo luật này quy định người nước ngoài phạm tội hối lộ cũng bị áp dụng hình phạt như người In-đô-nê-xi-a.
3. Chống tham nhũng ở Ấn Độ
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành luật chống tham nhũng, nhưng tệ nạn xấu xa này không hề thuyên giảm trong đời sống thương mại của Ấn Độ. Và ở đó họ coi tham nhũng chỉ có ở các cơ quan nhà nước.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành luật chống tham nhũng, nhưng tệ nạn xấu xa này không hề thuyên giảm trong đời sống thương mại của Ấn Độ. Và ở đó họ coi tham nhũng chỉ có ở các cơ quan nhà nước.
Tội hối lộ phát sinh và có liên quan đến hai loại người, đó là người đưa hối lộ và người nhận hối lộ.
Đã từ lâu, Ấn Độ có ý định nhổ tận rễ tệ nạn tham nhũng trong các công chức nhà nước. Hối lộ và các tội tham nhũng được quy định trong Bộ luật hình sự. Đến năm 1988, Bộ luật hình sự được sửa đổi và đã quy định rõ các công chức nhà nước mà nhận tiền hối lộ sau đó dùng ảnh hưởng chức năng, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi thiên vị thì sẽ bị coi là phạm tội. Tương tự như vậy, người đưa tiền hối lộ nhằm mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn để làm một việc mưu lợi cho bản thân cũng bị coi là phạm tội.
Quà biếu dưới hình thức là thưởng nhưng có động cơ nhằm mua chuộc các công chức để họ hành động hoặc không hành động có lợi cho mình cũng là phạm tội. Kẻ tiếp tay hay xúi giục hối lộ cũng bị coi là phạm tội.
Những tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ sẽ bị phạt tù ít nhất từ 6 tháng đến 5 năm, hoặc bị phạt tiền hoặc chịu cả hai hình phạt này. Người nào mà sở hữu tài sản bất hợp pháp từ tham nhũng mà biết được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản này mà vẫn sử dụng thì phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
4. Chống tham nhũng ở Nhật Bản
Trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản xảy ra khá nhiều vụ tham nhũng với quy mô lớn như vụ tham nhũng ở hãng hàng không Nhật Bản (năm 1976), vụ nhận hối lộ của cựu Thủ tướng Tanaka (năm 1976), vụ scandal ở sở chứng khoán Tokyo mà tham gia có 76 quan chức, 44 nghị sĩ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng có liên quan.
Trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản xảy ra khá nhiều vụ tham nhũng với quy mô lớn như vụ tham nhũng ở hãng hàng không Nhật Bản (năm 1976), vụ nhận hối lộ của cựu Thủ tướng Tanaka (năm 1976), vụ scandal ở sở chứng khoán Tokyo mà tham gia có 76 quan chức, 44 nghị sĩ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng có liên quan.
Bộ luật hình sự Nhật Bản được thông qua năm 1907 đã quy định: Khi một chính khách hay một công chức lợi dụng cương vị của mình để nhận một khoản lợi ích, đề nghị hay thỏa thuận nhận bất cứ khoản tiền hay tài sản nào để thực hiện một công việc nào đó trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình để làm lợi cho người đã đưa tiền thì bị coi là thực hiện hành vi nhận hối lộ.
Quan chức hay công chức khi lợi dụng cương vị của mình để chuyển vật hối lộ cho người thứ 3 hoặc đề nghị một việc tương tự thì cũng bị coi là thực hiện hành vi hối lộ.
Người đưa, nhận hay thỏa thuận đưa và nhận hối lộ đều phải chịu hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, còn tài sản hối lộ sẽ bị tịch thu và sung vào công quỹ.
Luật hình sự Nhật Bản chỉ quy định tội tham nhũng và xử phạt đối với các quan chức Nhật Bản chứ chưa có quy định đối với việc xử lý quan chức nước ngoài phạm tội tham nhũng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đ.H (tổng hợp)