Pháp luật được “đong đưa” như thế nào?
Thứ nhất, dư luận đều thấy việc tháo dỡ biệt phủ này đã được gia hạn nhiều lần, dù rằng, những lần ra quyết định phá dỡ đều cho thấy thái độ rất kiên quyết của cơ quan chức năng.
Thứ hai, điều khó chấp nhận hơn cả là những lý do đưa ra để tạm dừng. Trong đó, để gia hạn thêm thời gian phá dỡ, có lần lý do đưa ra là: quyết định thời gian phá dỡ lần trước chỉ “gây sức ép” với thân chủ là chính!? Chuyện thật như đùa với luật.
Và lần gia hạn cuối cùng của thành phố cho đại gia này là ngày 30.11.2015. Nhưng khi chưa hết hạn, ngày 28.11, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn lại ra văn bản tạm dừng phá dỡ để chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ!!
Đến đây dư luận buộc phải đặt những câu hỏi:
Một là, là những nhà quản lý thành phố trực thuộc trung ương, lẽ nào họ không biết việc xử lý một công trình xây dựng không phép thuộc thẩm quyền của ai? Phải chăng từ trước đến nay, cứ có đơn khiếu nại lên cấp trên là thành phố này lại dừng để chờ?
Hai là, ông Phó chủ tịch TP ký với thẩm quyền của mình hay được lãnh đạo thành ủy, UBND TP chỉ đạo. Câu hỏi này cần đặt ra để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, dù rằng với tư cách gì đi nữa, văn bản mà Phó chủ tịch TP ký đã đi ngược lại nghị quyết của HĐND thành phố: Cuối tháng 8 phải tháo dỡ công trình này. Nghị quyết của HĐND TP hay văn bản của UBND có giá trị pháp lý cao hơn?
Ba là, dư luận vẫn không thể hình dung, đại gia này có sức mạnh khủng khiếp gì mà việc phá dỡ công trình này liên tục được gia hạn như vậy?
Cuối cùng, chắc chắn một điều, phải phá đi một công trình đẹp, quy mô lớn với trị giá lên tới cả trăm tỉ đồng, ai cũng đau lòng. Bởi nói cho cùng, đó là công sức, tiền của của xã hội. Do đó, điều cần thiết lúc này là các cơ quan chức năng không được phép để xảy ra hiện tượng “biệt phủ” này.
Muốn vậy, một trong những hành động rất cần làm của lãnh đạo TP Đà Nẵng là, phải xử lý thật nghiêm (kể cả hình sự) những cá nhân, cơ quan đã để cho biệt phủ dựng lên ở con đèo rất nổi tiếng này. Không chỉ vậy, mà cả ngay những người làm chậm trễ quá trình xử lý công trình này cũng rất cần xem xét trách nhiệm. Điều này rất cần thiết để chứng minh: Pháp luật là thượng tôn. Không thể để pháp luật “đong đưa” theo ý thích của một số người thực thi pháp luật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.