Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc người có công với cách mạng
Mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch trên cơ sở hiện trạng, đảm bảo phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp, đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, tạo thuận lợi để người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần; là cơ sở để xây dựng lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về ưu đãi người có công đảm bảo khách quan, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Về định hướng phát triển, hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: 70 cơ sở công lập với quy mô khoảng 7.400 giường.
Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam.
Cụ thể, theo phân cấp quản lý, các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được chia thành: Cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với các mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng do cấp tỉnh quản lý.
Theo mô hình hoạt động, các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được phân bố theo 03 mô hình: Mô hình điều dưỡng người có công; mô hình nuôi dưỡng người có công; mô hình nuôi dưỡng kết hợp điều dưỡng người có công.
Theo quy mô, chức năng phục vụ, trong các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng có 10 cơ sở có tính chất vùng, thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ điều dưỡng, nuôi dưỡng ở phạm vi vùng.
Hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với 70 cơ sở được phân bổ theo các vùng kinh tế - xã hội: Vùng trung du và miền núi phía Bắc có 14 cơ sở tại 13 địa phương; Vùng đồng bằng sông Hồng có 20 cơ sở tại 11 địa phương; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 18 cơ sở tại 14 địa phương; Vùng Tây Nguyên có 03 cơ sở tại 03 địa phương; Vùng Đông Nam Bộ có 05 cơ sở tại 03 địa phương; Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 10 cơ sở do địa phương quản lý.
Đến năm 2025, hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng có khoảng 2.300 cán bộ, nhân viên và đến năm 2030, dự kiến có khoảng 2.500 cán bộ nhân viên.
Về chất lượng: Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2025, có ít nhất 30% được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội. Đến năm 2030, có ít nhất 60% đội ngũ cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, ít nhất 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.