Phí bảo trì chung cư: Chuyện khó như đi đòi nợ!
Việc chủ đầu tư xù phí bảo trì chung cư đang diễn ra phổ biến trong quá trình đầu tư xây dựng. Ảnh: TL
Hàng trăm tỷ rơi vào túi ai?
Chuyện chủ đầu tư chây ì không trả lại phí bảo trì chung cư nghiễm nhiên đã trở thành câu chuyện thường ngày khi dư luận liên tục phanh phui hàng loạt các chủ đầu tư có ý định xù tiền phí bảo trì, mà nổi cộm là “ông lớn” Keengnam. Điều đáng bàn là việc xù phí bảo trì chung cư không chỉ diễn ra ở một số chủ đầu tư mà nó diễn ra rộng rãi, phổ biến ở nhiều nơi, nhiều toà chung cư và tuyệt nhiên, không tuân thủ theo bất cứ một nguyên tắc hay quy định pháp luật nào.
Việc người dân mua nhà phải nộp lại 2% cho chủ đầu tư tưởng chừng chỉ là con số nhỏ nhưng khi số nhiều cộng lại, tiền phí bảo trì bỗng trở thành con số kếch xù, khiến nhiều người phải giật mình, sốt ruột. Chỉ làm phép tình đơn giản với hơn 900 căn hộ cao cấp có giá trung bình trên dưới 60 triệu đồng/m2 tại chung cư Keangnam cũng có thể ước tính được số tiền bảo trì lên tới trên 100 tỷ đồng. Vậy, số tiền này không được hoàn trả thì sẽ rơi vào tay ai? Trong khi, việc công bố các chi phí bảo trì của các chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, rõ ràng.
Có thể nhận rõ nỗi cực nhọc, gian khó của các hộ dân sau nhiều lần người dân gửi đơn kiến nghị. Song, mức tiền được hoàn trả cũng chẳng đáng là bao.
Đồng cảnh ngộ với các hộ dân sống tại toà Keangnam, hàng loạt chung cư khác trên địa bàn TP Hà Nội như Sky City, Tổ hợp chung cư NO5 ở Trung Hòa - Nhân Chính… cũng rơi vào tình trạng khổ như đi đòi nợ. Điều khó hiểu là việc trả lại phí bảo trì chung cư chỉ diễn ra khi có sự đấu tranh, đòi quyền lợi của người dân còn phía chủ đầu tư lại bỏ ngoài tai mặc dù pháp luật đã có những quy định rất cụ thể, thậm chí sẽ cưỡng chế những chủ đầu tư có ý định lảng tránh hoặc chây ì không hoàn trả lại mức phí này. Vậy đâu là nguyên do? Phải chăng pháp luật chưa nghiêm hay ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư hiện còn quá yếu kém?
Pháp luật khó xử lý triệt để
Để quản lý mức phí của chủ đầu tư, hiện Bộ Xây dựng đang cho tiếp thu lấy ý kiến về dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư. Theo đó, tại Điều 36 của Dự thảo đã quy định: Chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư. Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên, để đảm bảo cho việc sử dụng số tiền này đúng mục đích.
Đại diện phía Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo dự thảo, Ban Quản trị sau khi được UBND quận ban hành quyết định công nhận, có trách nhiệm lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì tòa nhà tại ngân hàng theo đúng quy định pháp luật. Chủ tài khoản sau đó sẽ phải đăng ký con dấu và việc giữ tài khoản sẽ do một người hoặc do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Điều này sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong quản lý sử dụng phí bảo trì chung cư.
Để đảm bảo tính thống nhất theo Luật Nhà ở, Chính phủ vừa cho ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Nghị định gồm 9 Chương với 88 Điều, quy định cụ thể các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…
Theo đó, Điều 37 quy định thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Cụ thể, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra. Nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này…
Như vậy, các chủ đầu tư có ý định kiên quyết không trả lại mức phí bảo trì chung cư sẽ bị cưỡng chế, thu hồi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời, cần thiết phải có sự vào cuộc cũng như cách làm quyết liệt của các cấp, các ngành. Bởi nếu chỉ ngồi chờ đến khi pháp luật mới này được thực thi thì không biết, còn có bao nhiêu “chúa chổm” lộ diện, tạo gánh nặng, khó khăn cho dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.