Quảng Ninh: Khánh thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tuyến đường đẹp nhất Việt Nam
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và hai TP Hạ Long - Cẩm phả cắt băng khánh thành tuyến đường
Dự án Đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tư năm 2018, với chiều dài toàn tuyến là 18,7km, điểm đầu tuyến là điểm cuối đường Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long và điểm cuối tuyến là ngã 3 cảng Km6 Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Ở giai đoạn 1, quy mô mặt đường 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm Chủ đầu tư.
Giai đoạn 2 của Dự án gồm các hạng mục đầu tư xây dựng bổ sung 2 làn xe, với mục tiêu hoàn thiện mặt đường quy mô 6 làn xe đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan hai bên tuyến đường; thi công từ Quý 4/2022, có tổng mức đầu tư 846,2 tỷ đồng được giao cho hai địa phương thực hiện; trong đó, đoạn qua địa bàn thành phố Hạ Long có chiều dài 8,1km, tổng mức đầu tư 321,3 tỷ đồng; đoạn qua địa bàn thành phố Cẩm Phả có chiều dài 10,7km, tổng mức đầu tư 524,9 tỷ đồng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy phát biểu tại buổi lễ
Trong quá trình triển khai, dự án phải thi công trong điều kiện hết sức khó khăn về địa chất, địa hình, thủy văn hết sức phức tạp; công trường thi công nằm trên cung đường giao thông đang hoạt động với lưu lượng phương tiện lớn; mục tiêu trong tổ chức thi công là giảm thiểu tối đa tác động đến cảnh quan khu vực, đặc biệt cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long... Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu đã áp dụng, triển khai nhiều biện pháp thi công phù hợp, huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị, đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đang hoạt động, giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá, mái ta luy...
Sau 8 tháng thi công, dự án đã hoàn thành, cùng với tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, trở thành trục cảnh quan đồng bộ 6 làn xe kéo dài từ cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) đến trung tâm TP Cẩm Phả dài hơn 30km. Hai bên tuyến là núi đá, cảnh quan rừng ngập mặn, biển và các khu đô thị hiện đại, đi qua nhiều công trình kiến trúc đẹp như: Bảo tàng, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... Tuyến đường còn kết nối 2 di sản vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới và vịnh Bái Tử Long - Di sản ASEAN; tạo bước đột phá về không gian phát triển KT-XH của 2 thành phố trung tâm của tỉnh là Hạ Long và Cẩm Phả; giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 18; trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt của tỉnh Quảng Ninh, gắn với bảo tồn, di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, hệ thống rừng ngập mặn, núi đá vôi đặc sắc. Cùng với đó, mở ra cơ hội mới trong phát triển du lịch, thương mại.
Tại Lễ khánh thành, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao sự cỗ gắng, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, sớm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và du khách. Đồng thời khẳng định, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuyến đường bao biển vừa mang tính chất đảm bảo nhu cầu giao thông, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng của tỉnh Quảng Ninh; đáp ứng nhu cầu vận tải nội vùng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ có năng lực lớn, an toàn, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh. Dự án hoàn thành, thông xe đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng lớn của nhân dân, du khách; làm tăng tính hấp dẫn, ấn tượng đẹp đối với khách du lịch khi đến các điểm tham quan, du lịch nghỉ dưỡng dọc tuyến.
Nhằm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ các quy hoạch, đầu tư, xây dựng quỹ đất 2 bến đường theo đúng định hướng của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, cần chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, bảo tồn hệ sinh thái trọng điểm, tăng cường kiểm soát, quản lý, bảo vệ, củng cố khu vực rừng ngập mặn hiện có tại các vị trí tiếp giáp tuyến đường. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; tăng cường quản lý, hạn chế tối đa việc can thiệp, tác động, san gạt làm phá vỡ địa hình, cảnh quan tự nhiên, làm suy giảm diện tích rừng, đồi núi khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; hạn chế tối đa việc lấn biển, mặt nước phát triển đô thị; chủ động nghiên cứu, khai thác có hiệu quả quỹ đất dọc tuyến, khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thực hiện rà soát các quy hoạch, điều chỉnh, thu hồi các quy hoạch có thời hạn, không phù hợp với tình hình mới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.