Tháng 3 Âm Lịch: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Đức Quốc Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy Nam Định. (Ảnh: Nguồn Internet)
Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh), là tên gọi chung quần thể 21 di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh và các vị thần có công với đất nước. Ðây là quần thể di tích được kiến thiết tôn tạo giữa một khu vực địa lý có nhiều dấu vết của người tiền sử, với những di vật văn hóa thời kỳ đồ đá. Phủ Dầy là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian thuần Việt đã xuất hiện và tồn tại gần 4 thế kỷ nay. Những chuyện thần thánh, cầu đảo, những truyền thuyết huyền bí và linh ứng từ mấy trăm năm nay đã thu hút nhiều người đến lễ Mẫu mỗi năm.
Theo các tài liệu lịch sử đã được kiểm chứng, truyền thuyết về Mẫu được lan truyền từ thế kỷ 16 và được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thuật lại như sau: “Thánh Mẫu là công chúa con Ngọc Hoàng xuống trần đầu thai vào một gia đình họ Trần Lê ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, lấy chồng họ Trần ở cùng thôn. Vì vậy hiện nay làng Tiên Hương còn có nhà thờ tổ (còn gọi là Phủ Nội) đã được xây dựng từ mấy trăm năm trước, thờ các vị tiên tổ họ Trần Lê. Trong Phủ Nội còn có bản gia phả ghi rõ Mẫu được sinh ra tại thôn này có cha là ông Lê Thái Công, mẹ là Trần Thị Phúc. Tại thôn Tiên Hương còn có di tích Lăng Mẫu, được coi là nơi chôn cất xác phàm của Mẫu cùng các bậc tiên tổ của dòng họ Trần Lê.”
Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) - Trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Nguồn Internet)
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng ở Phủ Dầy là lớn nhất và độc đáo hơn cả. Lễ hội kéo dài nhiều ngày và có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng, một nghi lễ diễn xướng mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh huyền bí làm nên nét đặc sắc và sức sống mãnh liệt cho loại hình tín ngưỡng đặc biệt này.
Thủ nhang Phủ Dầy: Trần Thị Kim Huệ thực hiện nghi lễ Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Nguồn Internet)
Phủ Dầy - Vụ Bản - Nam Định - trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, theo các nhà nghiên cứu về đạo Mẫu, trong di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Mẫu Thượng Thiên, vị đệ nhất Thánh Mẫu có quyền năng cai quản bầu trời, làm chủ các thế lực siêu nhiên như mây mưa, gió bão, sấm chớp… chính là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bậc “mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.
Ở Việt Nam, đạo Mẫu nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng có ở nhiều nơi, nhưng Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó Phủ Dầy là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này. Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là một quần thể kiến trúc nổi tiếng liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong tổng số 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy có ba công trình liên quan chặt chẽ tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Chính Tiên Hương , phủ Vân Cát và lăng Mẫu.
Nói như các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”. Điều đó cho thấy Phủ Dầy chính là trung tâm của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Năm nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Tỉnh Nam Định về phòng chống dịch Corona dừng tổ chức các Lễ Hội. Tuy nhiên, các con nhang đệ tử và khách thập phương ở khắp mọi miền đất nước vẫn tưởng nhớ, thành kính hướng về Đức Quốc Mẫu Đệ Nhất Thiên tiên. Đồng thời, nó cũng chính là lòng tin của con người vào sự linh thiêng của các vị Thánh Mẫu và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong tâm thức của người Việt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.