Thanh niên cụt tay vượt nghèo học chữ, ước mơ làm thầy giáo
Cậu mong ước khi học xong có thể quay về bản dạy học cho các em nhỏ và giúp đỡ cộng đồng. Vũ Trung Bay, sinh năm 2000 người dân tộc Mông bẩm sinh đã mất bàn tay phải.
Cậu là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Dù bố mẹ luôn mong các con học hành để thoát nghèo, nhưng trong mấy anh em, chỉ có Bay học đến cao đẳng. Thu nhập của gia đình Bay phụ thuộc vào những nương ngô, sắn trên đồi cao, gặp lúc mất mùa ăn không đủ no, chạy ăn từng bữa. Bay không có bàn tay phải từ lúc mới sinh. Nhà nghèo, lại không được lành lặn như bạn bè, nên từ bé bố Bay đã động viên con phải chịu khó học hỏi, để không phải làm nông vất vả.
Bay ước mơ trở thành thầy giáo, dạy học cho trẻ em khó khăn ở bản (Ảnh: Tiền Phong)
Con đường chinh phục kiến thức của Bay gặp nhiều khó khăn, chông gai. Tại Hà Khùa, trẻ con đến trường rồi bỏ là chuyện thường. Bản thân Bay khi còn bé đã rất nhiều lần muốn bỏ học, bởi con đường đến lớp học quá gian nan. Năm cấp 1, 2 điểm trường còn gần nhà, đến năm cấp 3 trường học cách xa nhà 7 km đường núi. Để đến lớp mỗi ngày em phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ.
Thương con đi học xa, bố mẹ Bay và nhiều phụ huynh khác xúm vào dựng cho các con một túp lều bằng tre, nứa, vách liếp, mái lợp fibro xi măng gần trường học để ở tạm. Lán của Bay có 5 bạn, mỗi bạn mang đến một hòm quần áo, sách vở, góp gạo thổi cơm chung để cùng “nuôi” con chữ.
Cả lớp cấp 3 chỉ có một mình Bay tốt nghiệp. Bay trở thành niềm tự hào của cả rẻo cao Hà Khúa khi là người Mông đầu tiên đỗ vào Trường Cao đẳng Sơn La. Trong quá trình học tập, Bay luôn nỗ lực hết mình và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trong các năm học, riêng năm học 2018 - 2019 cậu đạt học sinh giỏi toàn diện. Bay còn luôn năng nổ,nhiệt tình trong các phong trào của trường, lớp, được bạn bè và các thầy cô yêu quý. Bay tham gia cuộc thi nghiệp vụ Sư phạm do khoa Đào tạo giáo viên tổ chức, đã giành giải Nhất giảng môn Toán.
Cậu mong muốn làm thầy giáo để dạy trẻ con Mông biết yêu quê hương, biết làm giàu cho bản làng. Tương lai, Bay mong muốn làm những điều có ích cho cộng đồng, bản làng mình. Bay mong muốn tạo ra cơ hội tiếp cận tri thức dễ dàng hơn cho nhiều trẻ em người Mông.
Cậu sinh viên là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam bình chọn.
Cũng khuyết tật như Bay, chị Nguyễn Thị Nữ (sinh năm 1992, sống ở huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) bẩm sinh không có bàn tay phải và bàn chân phải. Thế nhưng, từ năm học lớp 1 đến lớp 12, Nữ chăm chỉ học và vẽ rất đẹp. Nữ thích vẽ và có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi.
Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên Nữ chọn học Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long khoa Mỹ thuật trong 3 năm và dự định sau đó sẽ liên thông lên đại học.Tốt nghiệp trường cao đẳng năm 2016, Nữ được nhận vào giảng dạy ở trường THCS Thanh Lân, huyện Cô Tô.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.