Thanh niên khuyết tật biến cây mọc hoang thành tinh dầu, thu về tiền triệu
Trần Ngọc Thắng (SN 1994), tại thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bẩm sinh bị dị tật ở chân, anh không đi lại được như bao người khác nên chỉ học hết cấp 2.
Cách đây vài năm, gia đình sắm được chiếc máy cày cải tiến để cày ruộng và chở hàng, anh Tráng đã tự mình học hỏi rồi nhanh chóng làm quen với máy móc. Chỉ một thời gian, sau khi được ba hướng dẫn anh có thể điều khiển chiếc máy cày chở nông sản cho gia đình và những người trong vùng.
Đồi tràm tự nhiên tại quê nhà (Ảnh: Dân trí)
Năm 2018, sau khi học hỏi được bí quyết chiết xuất tinh dầu tràm, cùng với việc kết nối được nơi tiêu thụ, anh Tráng thuyết phục gia đình để mượn tiền và bắt tay vào xây dựng cơ sở chế biến.
Từ số vốn 40 triệu đồng được hỗ trợ từ Đoàn thanh niên xã và sự giúp đỡ của gia đình, Tráng đã xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu, xây lò nấu, đầu tư nồi và bắt tay lập nghiệp. Một thời gian sau, cơ sở chế biến tinh dầu được hình thành với nguồn vốn khoảng 80 triệu đồng.
Anh Tráng điều chế tinh dầu tràm (Ảnh: Dân trí)
Anh Tráng cho biết, những năm trước, vùng đồi cát sau làng mọc rất nhiều cây tràm tự nhiên, chỉ cần thuê người bứt lá tràm về nấu chứ không cần chăm bón hay đầu tư bất cứ thứ gì. Ban đầu, do kinh nghiệm còn hạn chế nên lượng tinh dầu chiết xuất ra không đạt như ý muốn. Sau vài mẻ dầu thất bại, anh Tráng rút ra kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình nấu, nhờ đó, dầu tràm chiết xuất ra có chất lượng hơn.
"Năm đầu, lãi thu được từ bán tinh dầu tràm tôi sử dụng để hoàn thiện tiếp cơ sở chế biến. Qua năm tiếp theo, lợi nhuận tăng lên nhưng chưa đáng kể, do chi phí khá cao. Tuy vậy, tôi cảm thấy rất vui sướng vì trước đây chỉ sống dựa vào ba mẹ nhưng nay bản thân mình tạo lập được công việc phù hợp, mang lại nguồn thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình", anh Tráng cho hay.
Theo chàng trai trẻ, để chiết xuất ra tinh dầu tràm phải trải qua nhiều công đoạn, sau khi cắt lá về, phải vệ sinh rồi cho vào nồi nấu. Thông thường, một mẻ dầu tràm phải nấu trong 6 giờ đồng hồ. Điểm quan trọng nhất của việc nấu tinh dầu là điều tiết ngọn lửa cho phù hợp, lửa phải đều, không được quá lớn.
Sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm, việc nấu tinh dầu tràm của anh Tráng cũng trở nên thuận lợi hơn. Có những lúc, anh phải thuê hơn 10 nhân công đi cắt lá về mới đủ nguyên liệu nấu tinh dầu. Trong quá trình nấu, anh còn nhận được sự hỗ trợ tối đa của ba mẹ.
"Nhờ chất lượng tinh dầu đảm bảo nên chiết xuất ra bao nhiêu được tiêu thụ hết đến đó. Tùy vào số lượng nguyên liệu và hàm lượng nên mỗi mẻ chiết ra được từ 1-1,5 lít tinh dầu tràm nguyên chất, với giá bán từ 800 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/lít. Cách đây 2 năm, cơ sở của tôi thu được lợi nhuận từ tinh dầu đạt gần 100 triệu đồng/năm", anh Tráng chia sẻ.
Để có thể chủ động nguồn nguyên liệu lá tràm phục vụ cho nghề chế biến tinh dầu, gia đình anh Tráng đã khoanh lại một khu vực đồi cát có nhiều cây tràm để chăm sóc. Anh Tráng cũng trồng thêm cây tràm để duy trì việc chế biến tinh dầu lâu dài.
Được biết, ngoài chiết xuất tinh dầu tràm, anh Tráng vẫn duy trì việc chạy xe chở hàng cho người dân trong khu vực để đa dạng nguồn thu nhập. Anh Tráng cho rằng, hiện nay có nhiều người cũng làm nghề chiết xuất tinh dầu nên anh chưa có ý định mở rộng quy mô. Do đó, nguồn thu nhập từ nghề chiết xuất tinh dầu cũng ít hơn trước, chỉ đạt từ 5-6 triệu đồng mỗi tháng.
Tương tự anh Tráng, anh Lê Văn Tuấn (38 tuổi), ở Quảng Bình là tấm gương người khuyết tật vượt khó. Bị bệnh u máu, ức khoẻ yếu và luôn đau ốm nhưng chàng trai này có nghị lực đáng khâm phục.
Anh Tuấn kiếm tiền triệu từ cỏ cú mật (Ảnh: Thanh niên)
Không đủ điều kiện học đại học, anh Tuấn chuyển hướng sáng tác thơ văn và ấp ủ dự định phục hồi nguồn nguyên liệu hiếm có từ xa xưa. Nhận thấy vùng quê mình nhiều cỏ cú mật, một loại cây "kẻ thù" nhà nông nhưng lại có công dụng tốt cho sức khoẻ, anh bắt tay vào nhân giống.
Loại cỏ cú mật mà anh Tuấn trồng là loại củ màu huyết thẫm, lá dài không lông măng, rễ đâm sâu hơn 1m dưới đất.
Sau 3 năm cải tạo, số lượng cây đã tăng lên nhiều. Năm 2020, trong khuôn viên vườn rộng 800m2, anh thu được 3 tạ củ cây cú mật, bán ra thị trường từ 300- 700.000 đồng/kg, thu được 30 triệu đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.