Thành phố Hạ Long: Hội thảo khoa học Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị các vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản; giúp cho TP Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về các vấn đề nêu trên. Từ đó làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Quang cảnh Hội thảo
“Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của Thành phố Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là chủ đề của chương trình Hội thảo khoa học được Thành phố Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức vào sáng nay 26/12. Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đến dự; đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; Vũ Thị Mai Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP chủ trì. Chương trình có sự tham dự của gần 50 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực quản lý kinh tế, di sản, kiến trúc quy hoạch, môi trường, công nghệ và du lịch của Việt Nam.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long phát biểu khai mạc
Trong lời phát biểu khai mạc, đồng chí Bí thư Thành ủy Hạ Long nhấn mạnh, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của Tỉnh, một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, và trên 95 di tích lịch sử văn hóa, thời gian qua dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái nhiều kết quả tích cực. Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày đề án: “Cần trao quyền cho TP Hạ Long theo cơ chế “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”.
Để vươn mình thành công và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, bên cạnh những thuận lợi, thành phố Hạ Long cũng nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư, tốc độ đô thị hóa nhanh, các vấn đề về sự cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, sự kết nối hài hòa giữa đô thị và di sản... Do đó, mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của Thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long.
Đánh giá cao về các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản hiện nay, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững kinh tế địa phương Việt Nam - ASEAN - Hội hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN phát biểu tham luận với nội dung “Không gian thành phố Hạ Long mở rộng - nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng và quốc gia, toàn cầu”.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững kinh tế địa phương Việt Nam - ASEAN - Hội hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN phát biểu tham luận với nội dung “Không gian thành phố Hạ Long mở rộng - nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng và quốc gia, toàn cầu”
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng: Trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản Vịnh Hạ Long hiện nay rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long một cách bền vững.
Với quan điểm cần có tầm nhìn về các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội khẳng định: Trong tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu bế mạc hội nghị, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi mục xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá sáng tạo và với những kết quả đã đạt được cùng những kinh nghiệm được đại diện các bộ, ban, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu của Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp… chia sẻ, gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị tại 03 phiên thảo luận của hội thảo liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản tại hội thảo sẽ giúp cho thành phố Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau như định vị thành phố trở thành đô thị di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu, phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố hoạch định chiến lược phát triển, đưa vào mục tiêu, định hướng quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025 - 2030 để triển khai thực hiện, tạo sự đột phá trong nhiệm kỳ mới dựa trên các động lực, phương thức sản xuất mới, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong giai đoạn mới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Bài viết được thực hiện theo hoạt động phối hợp, hợp tác tuyên truyền, quảng cáo.