Thi ViOlympic 2016-2017: Câu hỏi mỗi ngày một khó, giáo viên cũng nhăn nhó?
2016-10-16 12:44:48
0 Bình luận
“Sân chơi này không dành cho học sinh ở những vùng khó khăn, phụ huynh học sinh không có điều kiện mời gia sư đến phụ đạo thêm cho con, giáo viên bị cấm dạy thêm, đề thi thì khó”, một giáo viên tiểu học cho hay
Học sinh tham gia thi ViOlympic 2015 - 2016 |
ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên Internet (Giải toán bằng tiếng Việt và Giải toán bằng tiếng Anh) do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức.
Mang ý nghĩa là một sân chơi, khuyến khích và nuôi dưỡng đam mê cho học sinh với một số môn học, cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Được biết, 2016 – 2017 là lần thứ 8 tổ chức, cuộc thi ViOlympic đã trở nên quen thuộc với hầu hết học sinh thuộc các tỉnh thành trên cả nước.
Những ngày qua mới là những vòng đầu tiên của kì thi ViOlympic, theo đánh giá của một số giáo viên, hệ thống câu hỏi của kỳ thi ViOlympic năm nay, nhất là câu hỏi dành cho khối học sinh tiểu học, vô cùng khó.
Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên tiểu học tại huyện Bát Xát (Lào Cai) cho hay: “Mình nghĩ ViOlympic là một sân chơi cho tất cả các em học sinh đam mê môn toán, chính vì thế không nên ra đề quá khó và đánh đố học sinh. Thực sự với đề thi như năm nay thì nhiều câu hỏi đến bản thân thầy cô giáo còn bó tay chứ không nói đến học sinh.
Chúng ta luôn nói, Violympic là một sân chơi. Đã là sân chơi thì nên tạo cho thí sinh một cảm giác thoải mái thực sự thay vì các em “toát mồ hôi” cũng không giải được đề thi. Hầu hết học sinh của cả nước đều “tự nguyện” tham gia sân chơi này thì ban tổ chức cũng nên tính toán tới mặt bằng kiến thức của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không có điều kiện tới các lò luyện thi như học sinh của huyện Bát Xát chúng tôi.
Ban tổ chức không nên ra đề quá khó theo kiểu đánh đố, mà đề thi nên dễ hơn để nhiều đối tượng cùng tham gia được. Nhiều khi, đề khó, các em không làm được nên bản thân các em cũng nản”.
Nhận xét của giáo viên về đề thi ViOlympic năm nay |
Đồng quan điểm, một giáo viên tiểu học tại Kon Tum cho hay: “ Nếu chỉ dạy chương trình ở SGK thôi thì đảm bảo 100% học sinh không giải được toán trên mạng. Mà tiểu học thì bị cấm không được dạy thêm học thêm. Không biết ở các nơi khác thì thế nào chứ bản thân giáo viên tiểu học như chúng tôi cũng áp lực lắm.
Nếu không có học sinh đạt giải hoặc đạt ít giải là bị đánh giá công tác quản lý, rồi đánh giá giáo viên... Thực ra, làm giáo viên mà tham gia bồi dưỡng cho học sinh giỏi cũng hay nhưng nhiều khi bản thân mình thấy cơ chế và áp lực đôi lúc mệt mỏi quá. Nhiều tuần, dù thừa tiết nhưng chúng tôi vẫn tham gia bồi dưỡng cho các em thi dù chẳng có đồng thù lao nào.
Thế nhưng, khi thấy những câu hỏi quá khó, các em “đầu hàng” chúng tôi cũng thấy xót xa. Mình cũng đã nhiều năm hướng dẫn ôn cho học sinh thi ViOlympic nhưng thú thật, năm nay khi hướng dẫn học sinh giải mình thấy mức độ khó của năm nay tăng lên nhiều so với năm trước.
Mình cảm tưởng, sân chơi này không dành cho học sinh ở những vùng khó khăn, phụ huynh học sinh không mời gia sư đến phụ đạo thêm cho con, giáo viên bị cấm dạy thêm, trên lớp tranh thủ được chút nào thì ôn cho các em chút đó, đề thi thì khó. Thử hỏi, đây có còn là sân chơi? ”.
Nhận xét của giáo viên về đề thi ViOlympic năm nay |
“ Đề thi Violympic quá khó, mình nhiều năm dạy ôn cho học sinh giải toán trên mạng nhưng thấy đề năm nay thực sự “hóc”. Có những bài quá đánh đố học sinh, giáo viên đọc còn không hiểu thì học sinh làm sao làm được? Đó là chưa kể còn những bài sai đáp án, lỗi kỹ thuật. Là sân chơi nhưng giáo viên bọn mình bị “ép” chỉ tiêu” và trong đó có một cuộc đua ngầm giữa các lớp với nhau, các trường, các huyện và các tỉnh với nhau”, một giáo viên xin giấu tên tại Nam Định cho hay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Infonet.vn