Tiêu chí phổ biến phim theo độ tuổi: ‘Tấm khiên’ bảo vệ người xem
2017-01-07 16:08:25
0 Bình luận
Theo các nhà phát hành phim, bảng phân loại phim theo độ tuổi sẽ bảo vệ khán giả trước những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi mình, còn các nhà làm phim có cơ hội tiếp cận đúng đối tượng phục vụ.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) áp dụng quy định phân loại phim theo độ tuổi.
Theo đó, thay vì chỉ có 2 mức phân loại “cho mọi đối tượng” và “cấm khán giả dưới 16 tuổi”, phim ra rạp từ đầu năm 2017 sẽ có 4 mức phân loại khác nhau theo độ tuổi.
Tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi được căn cứ vào: Chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, cảnh khoả thân, cảnh quan hệ tình dục, mức độ sử dụng ma tuý, chất gây nghiện…
Bản tiêu chí phân loại phim có 4 loại nhãn. Cụ thể, phim dán nhãn P là phim được phổ biến rộng rãi; nhãn C13 là phim cấm khán giả dưới 13 tuổi; nhãn C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi; phim dán nhãn C18 sẽ cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Trong cuộc trao đổi với các công ty phát hành phổ biến phim do Cục Điện ảnh tổ chức mới đây, các nhà phát hành nói chung đều cho rằng không có vấn đề gì lớn khi áp dụng bảng tiêu chí phân loại phim mới này.
Đại diện của nhà phát hành Galaxy khẳng định bảng phân loại phim này là cơ hội cho tất cả mọi người. Với khán giả, họ được bảo vệ trước những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi. Trong khi đó, các nhà làm phim cũng có cơ hội để tiếp cận đúng đối tượng phục vụ giả của mình.
Đại diện của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Công ty BHD Star Cineple (BHD), hệ thống rạp chiếu phim CGV Cinemas (CGV)... cũng có cùng quan điểm khi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, có lợi cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.
Băn khoăn về tâm lý của người xem
Thực hiện bảng tiêu chí phân loại phim mới, các rạp chiếu phim sẽ phải đối mặt với tâm lý “càng cấm càng thích xem” của một bộ phận khán giả trẻ.
Báo Văn hóa dẫn lời ông Nguyễn Danh Dương (Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia) cho biết đây là nét tâm lý khá phổ biến, chẳng hạn, khán giả 13 tuổi lại thích xem phim dành cho người 16 tuổi; 16 tuổi lại thích xem phim dành cho 18 tuổi.
Thậm chí có trường hợp cả gia đình cùng đến để xem một bộ phim nhưng do con cái chưa đủ tuổi để xem phim đó, cha mẹ lại ra sức tác động để con cái họ được vào xem. Điều này khiến nhân viên rạp chiếu phim rất khó xử.
Một khó khăn khác được các nhà phát hành đề cập là làm thế nào để nhận diện chính xác khán giả ở độ tuổi dưới 13 và dưới 16.
Theo đại diện Lotte Cinema, với khán giả trên 16 tuổi thì có thể kiểm tra chứng minh thư. Trong trường hợp có phụ huynh bảo lãnh thì có thể... linh động cho khán giả nhỏ tuổi vào xem phim dành cho người lớn hay không, đại diện Lotte Cinema đặt câu hỏi.
Hiến kế giải quyết vấn đề này, đại diện của BHD cho rằng phải kiểm tra thẻ học sinh để xác định các khán giả dưới 16 và dưới 13.
Trao đổi với các đại biểu, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng việc “linh động” trong trường hợp có phụ huynh bảo lãnh vẫn là sai quy định. Vì vậy, cần phải tuyên truyền để phụ huynh và các khán giả hiểu rằng việc phân loại phim, cấm khán giả nhỏ tuổi xem các phim không phù hợp là tốt cho sự phát triển của các em. Nếu chúng ta kiên quyết và kiên nhẫn thì dần dần khán giả sẽ quen với việc này.
Phim C18 được giữ nguyên gốc hay không?
Các phim C18 có được quyền giữ nguyên bản gốc hay không là câu hỏi được đại diện Galaxy và Lotte Cinema... đặt ra với lãnh đạo Cục Điện ảnh tại buổi làm việc. Đây cũng là vấn đề đã được một vài nhà làm phim Việt Nam đặt ra.
Về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan khẳng định ngay cả khi được xếp vào nhóm phim C18 nhưng nếu bộ phim có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ không phù hợp với Việt Nam thì Hội đồng thẩm định phim vẫn sẽ cắt bỏ.
Bà Ngô Phương Lan nói Luật Điện ảnh quy định rõ ràng về nội dung bị cấm như: Chống phá Nhà nước, kích động thù hận dân tộc, kích động bạo lực, tình dục… Bởi vậy, các phim C18 nếu có những nội dung nói trên sẽ bị cắt.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết Hội đồng thẩm định phim của Bộ VHTT&DL nhiệm kỳ mới (gồm đại diện các nhà chuyên môn; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…) sẽ chịu trách nhiệm phân loại phim theo 4 độ tuổi ngoài nhiệm vụ thẩm định phim.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn