Tín dụng: Dòng vốn chủ lưu của nền kinh tế
Dòng vốn chủ lưu
Từ chỗ bao cấp tín dụng, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, hầu như không có điều kiện tín dụng… sau 35 năm, hoạt động tín dụng đã trưởng thành cả về quy mô và các quy chuẩn kiểm soát chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro. Đến nay, tín dụng vẫn là dòng vốn chủ lưu của toàn bộ nền kinh tế, là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng nguồn tiền để cho vay. Ảnh Trọng Triết
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2022 tăng trưởng tín dụng đạt 14,16%. Đây là tốc độ tăng trưởng khá so với những năm gần đây, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 chỉ là 12%, năm 2020 là 12,13%. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho mọi đối tượng/thành phần kinh tế.
Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ như cho vay lâm, thuỷ sản; cho vay thu mua lúa gạo; cho vay phát triển nhà ở xã hội…
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, hiện nay các ngân hàng cũng đang tích cực đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;..
Dù ghi nhận những đóng góp của dòng vốn tín dụng vào thành tựu tăng trưởng của nền kinh tế trong hàng chục năm qua, song không nên có tâm lý coi tín dụng là chìa khoá của tăng trưởng và là giải pháp cho mọi vấn đề của nền kinh tế. Điều này dẫn đến tâm lý phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và làm trì hoãn các nỗ lực nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu và các kênh huy động vốn khác.
Tuy nhiên, thực tế khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần có “một cơ sở hạ tầng tài chính tốt” để vượt qua 4 khó khăn: thông tin bất cân xứng, động lực cho vay, chi phí giao dịch và cơ chế rời thị trường… Ba trong số 4 khó khăn nêu trên có thể được giải quyết nếu các bên cho vay được tiếp cận thông tin về bên vay một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Đáng chú ý, hiện chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng. Khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng. Có 6 lý do dẫn đến thực trạng trên.
Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính tốt, bao gồm hệ thống về giao dịch bảo đảm, hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản.
Thứ hai, các bên đi vay thiếu tài sản bảo đảm. Thông thường, các bên đi vay không có nhà cửa hay đất đai mà chỉ có các khoản phải thu hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các loại tài sản là động sản khác.
Thứ ba, thị trường còn thiếu các dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Thứ tư, các định chế tài chính còn chưa đa dạng để có thể có cả các TCTD ngân hàng và các TCTD phi ngân hàng hoạt động trên thị trường.
Thứ năm, các bên đi vay thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính; phương án kinh doanh còn chưa có tính thực thi; các doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa có thông tin về tín dụng và doanh thu còn thấp.
Thứ sáu, bên cho vay thiếu thông tin về doanh nghiệp.
Kinh nghiệm ở các thị trường cho vay chuẩn mực trên thế giới, bên cho vay sử dụng 10 - 20 nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3 ngoài báo cáo tín dụng. Ở các thị trường non trẻ hơn, bên cho vay sử dụng 2 - 3 nguồn của bên thứ ba. Các bên cho vay ở Việt Nam cũng đang thực hiện tương tự. Do đó, cần phát triển một không gian lớn hơn cho “dữ liệu thay thế ngoài báo cáo tín dụng”, một thị trường dành cho các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3.
Như vậy, khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ không thể xảy ra một cách độc lập. Thị trường tín dụng cần có “một cơ sở hạ tầng tài chính tốt” để vượt qua 4 khó khăn: thông tin bất cân xứng; động lực cho vay (làm thế nào để khiến người vay trả nợ?); chi phí giao dịch và cơ chế rời thị trường.
Theo trên, bên cạnh những nội dung như hệ thống về giao dịch bảo đảm, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản thì hệ thống báo cáo tín dụng (CRS) tốt sẽ giúp bên cho vay có được bản dữ liệu tín dụng chính xác, kịp thời, đầy đủ, và phù hợp về bên vay, qua đó giúp giảm tình trạng bất cân xứng thông tin, tạo động lực trả nợ vay, giảm chi phí giao dịch, và kiểm soát rủi ro về các khoản nợ quá hạn.
Ngoài hệ thống báo cáo tín dụng thì thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu là một công cụ giúp phát triển tài chính bao trùm và là nền tảng cơ bản cho hoạt động và phát triển của ngành tài chính số.
Hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng
Cùng với sự tăng trưởng về quy mô tín dụng, hành lang pháp lý và hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn rủi ro tín dụng ngày càng kiên cố và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng các tiêu chuẩn về giới hạn an toàn cho TCTD như tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi không quá 85%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn không quá 34%. Những TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ bị hạn chế trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng…
Tại Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một/một nhóm khách hàng. Theo đó, tổng dư nợ mà các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có thể cấp cho một khách hàng từ mức 15% vốn tự có như hiện tại sẽ giảm xuống còn 10%; với một khách hàng và người có liên quan giảm từ 25% xuống còn 15% (bao gồm cả tín dụng lẫn trái phiếu). Tương tự, giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Quy định này được thiết kế nhằm hạn chế tình trạng rủi ro từ tập trung tín dụng đã gây ra những hệ lụy không tốt đến thị trường tài chính trong nước thời gian vừa qua./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.