Tin tức miền Tây 14/3: Cao điểm ứng phó hạn mặn
Đoàn công tác Tỉnh uỷ Lào Cai thăm quan các điểm du lịch tiềm năng của Hậu Giang.
Mới đây, Đoàn công tác Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã đến thăm quan một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Mùa Xuân, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: Báo Hậu Giang
Đoàn đã đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Ngắm toàn cảnh khu bảo tồn từ tháp canh và tìm hiểu điều kiện tự nhiên, giá trị và tiềm năng của khu. Tham quan, khám phá nét đẹp sinh thái của Khu du lịch Mùa Xuân (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp) và thăm, thắp hương tại Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang (phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ). Đây là những điểm du lịch đặc trưng, giàu tiềm năng, đã và đang được Hậu Giang quan tâm, đầu tư để phát triển du lịch của tỉnh.
Những năm qua, du lịch Hậu Giang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Khách du lịch đến Hậu Giang tăng bình quân hàng năm; một số dự án về du lịch đã và đang được triển khai; các dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành bước đầu phát triển.
Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kết nối với các tour, tuyến du lịch của các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, Hậu Giang có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, lồng trong chương trình du lịch tổng hợp, như tham quan du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục bảo vệ môi trường; vui chơi, giải trí trên sông và nghỉ ngơi dân dã…
Cùng với đó, Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử - cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Đó là các di tích như: Di tích chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng Tầm Vu; Đền thờ Bác Hồ; Khu căn cứ Tỉnh ủy; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu…
Miền Tây vào đợt cao điểm ứng phó hạn mặn
Thời điểm này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bước vào cao điểm của mùa hạn, mặn. Theo dự báo của các ngành chức năng thì trong tháng 3-2023 hạn, mặn tăng trong các đợt triều cường; vì vậy chính quyền địa phương, người dân cần khẩn trương các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt...
Nông dân ĐBSCL chủ động nguồn nước tưới tiêu ứng phó hạn mặn.
Ghi nhận tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân xuống giống hơn 12.600ha. Hiện đa phần lúa trong giai đoạn trổ bông, chín… Tại một số cống ngăn mặn của huyện như cống Đại An, Hàm Giang, Vàm Buôn… nhiều ngày qua độ mặn ở phía ngoài lên cao từ 4‰ đến hơn 8‰, nên các cống vận hành đều được đóng kín không cho tràn vào bên trong, vì vậy đồng lúa vẫn lên tươi tốt. “Về cơ bản năm nay nước mặn xâm nhập trễ hơn các năm trước khoảng 20-25 ngày; đồng thời không diễn biến phức tạp vào đầu vụ, cộng với sự chủ động ứng phó của cơ quan chuyên môn và người dân, do đó đến giờ này không bị thiệt hại.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho hay: Hai yếu tố thượng lưu quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie. Tại trạm Kratie vào đầu tháng 3-2023, mực nước ở mức 7,59m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm của mùa khô từ năm 2015-2016 đến 2021-2022 là 0,52m đến 1,14m. Còn tại Biển Hồ việc xả nước, dung tích còn khoảng 3,74 tỉ m3, cao hơn dung tích trung bình nhiều năm từ mùa khô 2015-2016 đến 2021-2022 lần lượt là 0,34 tỉ m3 đến 1,30 tỉ m3. Tại Tân Châu và Châu Đốc mực nước vào đầu tháng 3-2023 đạt lần lượt là 1,30m và 1,50m; dự báo xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ tăng trong những ngày tới…
Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
Ban Chỉ đạo Công tác gia đình, tỉnh Kiên Giang vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Thời gian tập trung cao điểm các hoạt động từ ngày 10/3 đến ngày 25/3/2023.
Nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 sẽ được tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”. Nội dung tập trung tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc; chủ đề và thông điệp của Liên Hiệp Quốc; chủ đề, khẩu hiệu riêng và hoạt động của Việt Nam nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc...
Các đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với đơn vị, địa phương như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề trên báo hình, báo in, báo nói, báo điện tử. Tuyên truyền cổ động trực quan…
Ngoài ra, khuyến khích tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi, liên hoan, hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về chủ đề hạnh phúc (cá nhân, gia đình, cộng đồng, nghề nghiệp…); triển lãm tranh, ảnh, sách chủ đề về hạnh phúc. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 gắn với các sự kiện của ngành, địa phương, các ngày kỷ niệm trong tháng 3/2023 như ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023…
Đặc biệt là ưu tiên tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên tinh thần yêu thương và chia sẻ; vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Huy động tư nhân tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo
Theo thông tin từ Báo Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang huy động và thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung đã đạt được nhiều thành công, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực (ANLT) quốc gia và có đóng góp tích cực cho ANLT trên thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng như do ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất đầu vào tăng, giá cả đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Đồng thời, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo có nguy cơ không bền vững do liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng còn chưa chặt chẽ. Việc đầu tư cho chế biến sâu và khai thác các phụ phẩm từ quá trình sản xuất lúa gạo cũng còn hạn chế, lúa gạo còn chủ yếu xuất khẩu dạng thô, sản phẩm thiếu thương hiệu… nên chưa mang lại giá trị gia tăng nhiều, sản phẩm có sức cạnh tranh chưa cao. Trong khi có sự cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu gạo và người tiêu dùng trên toàn cầu đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm, đòi hỏi sản xuất phải thân thiện với môi trường.
Trà Vinh đăng cai Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ
Theo thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Trà Vinh ngày 14/3, theo kế hoạch, Liên hoan sẽ diễn ra trong 7 ngày từ ngày 1/4 đến ngày 7/4/2023 tại Trường Đại học Trà Vinh, với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ công lập và đơn vị nghệ thuật xã hội hóa.
Các cô gái Khmer ĐBSCL trong điệu múa truyền thống.
Các tác phẩm tham dự Liên hoan có chủ đề đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; Lên án cái xấu, cái ác, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ trong tác phẩm.
Tác phẩm được đơn vị dàn dựng, biểu diễn phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xây dựng tình đoàn kết dân tộc, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ca ngợi đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ bảo vệ và phát triển đất nước. Mỗi tác phẩm đăng ký tham dự Liên hoan có thời lượng từ 90 đến 130 phút.
Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ là một hoạt động mang tính nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam Bộ với mục đích bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có Dù kê, để đào tạo một đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa, góp phần vun bồi những hạt mầm mới, thúc đẩy sự phát triển của bộ môn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer.
Đây cũng là dịp để các đơn vị, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.
Tại liên hoan lần này, tỉnh Trà Vinh có 4 đơn vị tham gia: Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; Đội Nghệ thuật Khmer Raksmây, ấp Bào Môn, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải; Đội Nghệ thuật Khmer Trường Đại học Trà Vinh; Đội Văn nghệ Chùa Xoài Xiêm Mới, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.