Tin tức miền Tây 28/4: Chào mừng ngày 30/4 và Giỗ tổ Hùng Vương
ĐBSCL tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày 30/4 và Giỗ tổ Hùng Vương
Ngày 28/4, nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3, các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Người dân Vĩnh Long tổ chức gói bánh tét nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh" VOV
Như tại TP. Cần Thơ đã diễn ra họp mặt kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tại buổi họp mặt, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975; cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ nhận thức sâu sắc những thành quả hôm nay, đã được xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao thế hệ đồng bào, đồng chí trên cả nước.
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Tham dự lễ viếng có hàng trăm cán bộ công nhân viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Cùng với đó, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Tại buổi lễ, Ban tế tự Đình Long Thanh thực hiện nghi thức cúng tế các Vua Hùng; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dâng hương, dâng hoa các Vua Hùng. Phần hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng như: trưng bày, giới thiệu sách và triển lãm tư liệu hình ảnh về thời kỳ Hùng Vương; chương trình giáo dục tìm hiểu về “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu hình ảnh” kết hợp trò chơi dân gian, gồm: đập nồi đất, thổi bong bóng, đi cầu nổi, đi cò chẹp; truyền dạy gói bánh chưng; chương trình giao lưu văn nghệ chủ đề “Khát vọng hùng cường”; tuyên truyền cổ động trực quan.
Chủ tịch Sóc Trăng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ký chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc.
Một góc TP Sóc Trăng.
Trong văn bản này, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ghi nhận tình trạng một số sở ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc. Vì tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, nên không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thầm quyền.
Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển sang các sở ngành, cơ quan khác. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở ngành, cơ quan, địa phương. Hậu quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Minh chứng rõ nhất là Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX 2022, Sóc Trăng xếp hạng 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 31 bậc so với 2021; xếp thứ 10/13 so các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự, Chỉ số Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS 2022, tỉnh Sóc Trăng xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm 23 bậc so với 2021 và xếp thứ 6/13 so với các tỉnh cùng khu vực.
Từ thực tế đó, người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ tịch các địa phương trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý. Phải quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình UBND và Chủ tịch UBND tỉnh các công việc thuộc thẩm quyền của giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan và chủ tịch huyện…
UBND TP Cần Thơ họp thường kỳ tháng 4
Chiều 28/4, ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì phiên họp thường kỳ UBND thành phố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2023.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Báo Cần Thơ
Trong tháng 4, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,01% so với tháng trước và tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, IIP 4 tháng đầu năm tăng 4,81% so cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,1% so với tháng trước. Chỉ số giá bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 9.977,48 tỉ đồng, tăng 3,57% so với tháng trước và tăng 6,75% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 38.860 tỉ đồng, đạt gần 40% kế hoạch năm, tăng 14,17% so với cùng kỳ. Các hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng cao, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 732,499 triệu USD, đạt gần 35% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước thực hiện 182,337 triệu USD, đạt trên 35% kế hoạch, tăng 13,12% so với cùng kỳ. Về đầu tư xây dựng cơ bản, đến ngày 24-4, thành phố giải ngân kế hoạch các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.142,41 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 23,2% kế hoạch.
Trong 4 tháng đầu năm, thành phố cũng cấp mới đăng ký kinh doanh cho 561 doanh nghiệp, đạt 28,05% kế hoạch năm, với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỉ đồng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, vụ lúa đông xuân 2022-2023 với sản lượng thu hoạch 562.066 tấn, tăng khá cao so cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch được tổ chức trong không khí đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhiệm vụ năm học 2022-2023 được triển khai đúng theo kế hoạch. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách được triển khai chu đáo, hiệu quả…
Diễn biến mới vụ "hỗn chiến" ở cảng biển An Thới, TP Phú Quốc
Ngày 28/4, ông Lê Quang Duy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Namas An Thới (gọi tắt là Công ty Namas) - đã liên hệ với phóng viên Báo Người Lao Động, nói về vụ xô xát giữa nhóm bảo vệ của công ty với người dân địa phương, xảy ra tại cảng biển An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào chiều 26/4.
Cảnh hỗn chiến tại cảng biển An Thới chiều 26/4. Ảnh: Người Lao Động.
Theo ông Duy, cảng biển An Thới đã dừng hoạt động khai thác chính thức, không có thu phí trong cảng gần 3 năm nay để chờ Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu giá tìm nhà thầu mới.
Ngày 19/4, Liên doanh Công ty CP Cảng Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste được giao quyền khai thác 41 năm sau khi trúng đấu giá gần 952 tỉ đồng. Sau đó, đã ủy quyền cho Công ty Namas khai thác kinh doanh cảng biển An Thới.
Theo hợp đồng, ngày 27/4, Công ty Namas tiếp quản mặt bằng. Chiều 26-4, Công ty Namas đã thuê lực lượng bảo vệ của Công ty Bảo vệ Lucky bảo vệ tại cảng biển và đã xảy ra xô xát, đánh nhau với các hộ dân kinh doanh khu vực cảng biển làm 3 người bị thương.
Lãnh đạo Công ty Namas cho biết khi vụ việc xảy ra, công ty đã kịp thời thăm hỏi người bị thương và sẽ khắc phục hậu quả sau thời gian nghỉ lễ. Đồng thời, công ty tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an địa phương điều tra vụ việc.
Về thông tin Namas áp giá dịch vụ tại cảng tăng cao so với trước, theo ông Duy là có sự hiểu nhầm. "Cảng biển An Thới đã được Cục Hàng hải thông báo chính thức dừng hoạt động từ năm 2021 đến nay nên không có việc thu phí. Còn mức giá mà Công ty Namas dự kiến thu 60 triệu đồng/tháng là áp dụng với mặt bằng lớn. Nhà đầu tư thuê sẽ cải tạo và chia sẻ không gian, có thể cho các tiểu thương thuê lại" - ông Duy giải thích
Trước đó, do không đồng ý với các điều khoản của bên khai thác, hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ tại cảng An Thới đã kéo tới nhà điều hành để phản đối và xảy ra xô xát với lực lượng bảo vệ. Cuộc xô xát khiến nhiều người bị thương.
Liên quan vụ việc, Công an TP Phú Quốc đã triệu tập 17 người phía công ty bảo vệ để lấy lời khai, xử lý theo quy định pháp luật.
Người dân đổ về quê nghỉ lễ, cầu Rạch Miễu lại ùn ứ
Chiều 28/4, người dân từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đổ xô về quê nghỉ lễ, hành trình ngang qua tỉnh Bến Tre nên lượng phương tiện lưu thông qua Quốc lộ 60, khu vực cầu Rạch Miễu (nối hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre) tăng cao, dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng ở cả hai hướng.
Ùn ứ giao thông tại cầu Rạch Miễu. Ảnh: TTXVN
Theo ghi nhận của phóng viên, từ khoảng 14 giờ đến 15 giờ 30 ngày 28/4, lưu lượng xe lưu thông theo hướng tỉnh Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu để về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng tăng cao. Do vậy, đã xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng khu vực gần cầu Rạch Miễu ở cả hai hướng. Cụ thể, phía tỉnh Bến Tre đi Tiền Giang ùn ứ từ đầu cầu đến trạm dừng chân Thanh Long 3, thị trấn Châu Thành; phía Tiền Giang xe ùn ứ kéo dài đến siêu thị Go, thành phố Mỹ Tho.
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát giao thông hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang liên tục phối hợp điều tiết lưu thông một chiều trên cầu Rạch Miễu để giải phóng lượng xe từ phía Tiền Giang ngày càng đông. Đến 17 giờ ngày 28/4, tình trạng ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu vẫn chưa giảm.
Theo đại diện Công ty trách nhiễm hữu hạn BOT cầu Rạch Miễu, đơn vị đã hai lần dừng thu phí các làn 2, 4, 6 hướng Bến Tre đi Tiền Giang theo yêu cầu của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre. Thời gian dừng thu phí trong khoảng 15 phút để nhanh chóng giải phóng lưu lượng xe.
Theo dự báo, khi bước vào các ngày nghỉ lễ chính thức, tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu sẽ tiếp tục diễn ra. Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.