Tỉnh Quảng Bình hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt
Tính đến 5 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh đã có hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt, 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển…
Sáng 29/10, ông Trần Thắng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Tham dự có các đại diện trong Ban Thường vụ tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban chỉ huy PTDS tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Thắng phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã thông tin nhanh về tình hình mưa lũ, mực nước tại các sông trên địa bàn và nhận định tình hình trong thời gian tới; văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban chỉ huy PTDS tỉnh thông tin nhanh về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó với mưa lũ trên toàn tỉnh.
Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân tại các vùng bị cô lập, chia cắt, không tiếp cận được; tổ chức di dời, sơ tán người dân tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, sạt lở bờ sông, khu vực hạ du các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; trực vận hành các hồ chứa bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du và sẵn sàng xử lý các tình huống; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại.
Nhiều hộ dân ở huyện Lệ Thủy bị ngập lụt
Theo ghi nhận nhanh của phóng viên chúng tôi, mưa lũ đã làm cho 1 người chết tại huyện Lệ Thủy và 1 người mất tích tại huyện Quảng Ninh; hơn 230ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Toàn tỉnh đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu. Trong đó, huyện Lệ Thủy di dời 99 hộ với 373 nhân khẩu; huyện Bố Trạch di dời 13 hộ, 53 nhân khẩu; huyện Quảng Ninh di dời 1.105 hộ, 3.125 nhân khẩu; huyện Tuyên Hóa di dời 2 hộ, 9 nhân khẩu; TP. Đồng Hới di dời 30 hộ, 121 nhân khẩu. Ngoài ra, các địa phương cũng sơ tán tại chỗ 9.123 hộ, trong đó, huyện Lệ Thủy 8.018 hộ, huyện Quảng Ninh 1.105 hộ…
Mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh
Tình hình mưa lũ ở các tỉnh Miền Trung và phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để chủ động các phương án ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” và an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cần lưu ý các biện pháp bảo đảm an toàn sau mưa lũ, không để người dân có tâm lý chủ quan dẫn đến thiệt hại không đáng có. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần khẩn trương rà soát, nắm bắt điều kiện sinh hoạt, ăn ở của các gia đình bị ngập lụt để có phương án hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đời sống cho nhân dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.