TP.HCM trả 10 triệu đồng/tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chiều 2/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cùng Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi cùng chủ trì phiên họp.
Tại buổi họp báo chiều 2/11, ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh thông tin thêm tới báo chí về việc chi tiền "mua tin" phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Theo đó, vào ngày 26/10/2023, Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải vừa thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hồ Chí Minh ký ban hành Quy định số 1629/QĐ-TU, về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin và đảm bảo sự an toàn cho người cấp tin, đại diện Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh thông tin, điều 3 Quy định số 1629-QĐ/TU có quy định nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ngoài ra, tại điều 5 Quy định số 1629-QĐ/TU cũng đã xác định người cung cấp thông tin có các quyền được “đảm bảo giữ bí mật tuyệt” đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin. Ngoài ra, để đảm bảo bí mật thông tin của Người cung cấp thông tin toàn bộ hồ sơ, thủ tục chỉ trả sẽ được thực hiện theo chế độ mật; chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền xem những hồ sơ...
Ông Trần Quốc Trung cho biết: “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh được thành lập cuối năm 2022, nên việc ban hành Quy định 1629/QĐ-TU thời điểm này là một bước để hoàn thiện các quy trình hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Ông Trần Quốc Trung thông tin thêm, cơ chế “mua tin” khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh. Theo quy định người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ (họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh). Đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.
Liên quan đến mức chi tối đa 10.000.000 đồng/tin, ông Trung cho biết: “Nội dung này thực hiện theo Hướng dẫn số 53- HD/VPTW ngày 16/7/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về một số điểm về chế độ mật phí đối với Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy; Công văn số 900-CV/BNCTW ngày 5/5/2014 của Ban Nội chính Trung ương về nghiệp vụ mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Cũng chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít hoặc đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không?”.
Trước đó, vào ngày 31/10/20232, Thường trực Thành ủy đã có chia sẻ “cán bộ, đảng viên, nhân dân cung cấp thông tin với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chính. Nên mức chi trả là hình thức để khuyến khích nhân dân thông tin, còn mục tiêu cao nhất, chung nhất vẫn là làm sao đạt hiệu quả về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.