Trang phục đẹp từ cô thợ may với đôi tay không ngón
Chị Thủy cắt may với đôi tay không ngón trong chương trình Trạm yêu thương có chủ đề “Giấc mơ từ vải vụn”.
Năm lên 2 tuổi, do tai nạn pháo bay lạc và bị sơ cứu sai cách nên cô bé Thủy (sinh năm 1977 ở Hải Phòng, hiện cư trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh) vĩnh viễn mất đi những ngón tay cùng khuôn mặt biến dạng. "Nỗi tự ti về một thân hình không có ngón tay, ngón chân, khuôn mặt dị dạng xấu xí khiến tôi phải thôi học dù trong lòng tiếc nuối vô cùng. Khi tôi lớn lên, bố đã khuyên nên đi học một nghề để nuôi sống được bản thân. Tôi đã bắt đầu quyết tâm theo đuổi nghề may", chị Thủy chia sẻ về hoàn cảnh của mình.
Điều buồn nhất là khi đã lựa chọn một nghề để theo đuổi, chị Thủy lại bị từ chối. Thợ may không nhận, họ còn nói những lời vô cùng đau lòng: "Người bình thường còn không học may được, còn đôi tay em thế này không học được đâu".
"Những lúc như vậy, bố luôn ở bênh cạnh an ủi và động viên tôi. Bố tôi xin vải vụn ở các hiệu may về cho con tập khâu. Đầu tiên là xỏ kim rồi sau đó khâu từng mảnh vải một. Tay rất mỏi và đau, nhưng mình không bỏ cuộc", chị Thủy tâm sự.
Chỉ sau một tháng mày mò sách vở, chị Thủy đã có sản phẩm đầu tay và sau 3 tháng kiên trì học hỏi, chị đã có thể tự nhận may cho quần áo cho khách. Tiệm may cô Thủy đặc biệt luôn tấp nập người ra vào bởi sự khéo léo trên từng đường cắt may, trang phục dành cho người lớn hay trẻ con đều được làm tỉ mỉ và cẩn thận. Giờ đây, với hơn 17 năm theo nghề, chị đã có một lượng khách cho riêng ở Hà Tĩnh, thậm chí có cả những khách phương xa như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh.
Công việc may vá đã tạo nên cuộc sống hạnh phúc, nghề nghiệp ổn định và một tương lai cho chị Thủy. Thế nhưng, với chị không có hành trình nào suôn sẻ cả, phải vấp ngã nhiều mới cho mình kinh nghiệm.
"Mình phải học tập không ngừng và liên tục cập nhật mẫu mới. Có những người tả theo mẫu của họ để mình may theo. Đôi khi phải tự may cho bản thân xem lên dáng như thế nào rồi mới quyết định may cho khách. Có những đêm không ngủ vì chưa tìm được mẫu như khách yêu cầu", chị Thủy tâm sự.
Công việc bận rộn là thế, chị Thủy còn mở lớp dạy cắt may cho những người muốn học nghề và những người có hoàn cảnh đặc biệt như mình. Vì trước đây, để theo đuổi nghề may chị đã phải tự tìm tòi vô cùng vất vả và từng bị nghi ngờ về khả năng may vá.
Trên bước đường của chị Thủy, luôn có sự đồng hành của chồng, cũng là một người khuyết tật. Anh là Nguyễn Văn Bá, sinh năm 1973, quê ở Hà Tĩnh. Anh Bá từng là quân nhân chuyên nghiệp. Thế nhưng, năm 1999, anh gặp phải một tai nạn khủng khiếp, mạng sống giữ được nhưng đôi chân thì vĩnh viễn không thể đi lại. Anh bị mất đến 95% sức lao động sau tai nạn, phải ngồi xe lăn.
Dù cả hai không lành lặn, nhưng anh Bá luôn dành những lời thân thương nhất, tự hào nhất khi kể về vợ mình. Và anh cho rằng sự khuyết thiếu của cả hai sẽ được lấp đầy bằng sự quan tâm và tình yêu thương mà anh chị luôn dành cho nhau suốt thời gian qua.
Chia sẻ về dự định của mình trong tương lai, chị Đỗ Thị Thu Thủy cho biết, chị sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ làm thợ may và tiếp tục dạy nghề cho những người có đam mê may vá giống như mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.