Trên 257.000 giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn
Ảnh minh họa
Cụ thể, dự thảo Tờ trình ghi rõ: Theo lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên và độ tuổi giáo viên (quy định tại dự thảo Nghị định) phải thực hiện nâng trình độ chuẩn theo phương án đề xuất của dự thảo Nghị định thì tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất số liệu ngày 15/12/2019) là: 257.506 người.
Trong đó GV mầm non: 89.607 người (công lập 40.158 người, ngoài công lập 49.449 người), giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 114.972 người, ngoài công lập 1847 người), giáo viên THCS: 51.053 người (công lập 50.752 người, ngoài công lập 301 người).
Cũng theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030 thì trung bình mỗi năm cả nước sẽ tuyển sinh để đào tạo 25.705 người (mầm non 8.960 người, tiểu học 11.684 người, THCS 5.105 người). Trung bình mỗi tỉnh/thành phố 01 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, trung học cơ sở 81 người).
Hiện tại, cả nước có 15 trường ĐH sư phạm, 30 trường CĐ sư phạm và 67 cơ sở CĐ, ĐH có đào tạo giáo viên sẽ tham gia thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên. Trong đó, chủ chốt là các trường ĐH sư phạm và CĐ sư phạm (các trường CĐ, CĐ sư phạm chỉ đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên mầm non).
Việc đào tạo nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên đã được các cơ sở đào tạo giáo viên và các địa phương thực hiện trong nhiều năm qua. Chương trình, tài liệu, giáo trình đào tạo tiếp tục được xây dựng, bổ sung, cập nhật để phù hợp với yêu cầu mới, đặc biệt là phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Hình thức, phương thức đào tạo linh hoạt và có hướng mở để tạo điều kiện cho giáo viên vừa làm, vừa học.
Giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương Bậc 5 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam được cấp bằng cao đẳng sư phạm; tương đương với Bậc 6 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam được cấp bằng đại học sư phạm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.