VCB tiếp tục thoái thác trách nhiệm?
Hội sở chính của NH Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải (Hà Nội)- Nơi chị Đào Thu Trang nhiều lần trực tiếp gửi đơn khiếu nại về vụ viêc bị mất 100 triệu đồng trong tài khoản |
Sau khi Hòa Nhập đăng bài: “VCB không thể chối bỏ trách nhiệm!” (đăng ngày 14/7/2019), ngày 12/8/2019, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được công văn số 1935/VCB-QHCC đề ngày 22/7/2019 do ông Nguyễn Hữu Kiên- Phó Trưởng phòng Quan hệ Công chúng ký phúc đáp. Nội dung công văn, ông Kiên cho rằng: “Vietcombank khẳng định luôn thực hiện mọi biện pháp cần thiết, sẵn sàng và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng”.
Nội dung công văn này, ông Kiên thừa nhận những hành vi phạm tội của loại “tội phạm công nghệ cao” này thường áp dụng để lừa đảo khách hàng “là một thủ đoạn không mới, đã xuất hiện nhiều năm nay. Các ngân hàng, trong đó có Vietcombank, đã liên tục thông tin đến khách hàng qua trang web và các phương tiện truyền thông, qua tin nhắn gửi tới email của các khách hàng cũng như xây dựng các đoạn phim mô tả trực quan về những cảnh báo rủi ro và hướng dẫn giao dịch an toàn nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh”
Văn bản của đại diện VCB trả lời Tạp chí điện tử Hòa Nhập cho rằng, đây là một thủ đoạn không mới đã xuất hiện nhiều năm nay. Đã có bao nhiêu khách hàng của VCB bị “mất tiền oan” như bà Trang? |
Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Đào Thu Trang, theo đơn trình bày và được bà khẳng định lại nhiều lần với phóng viên Hòa Nhập là: “Tôi thực hiện thao tác trên bằng điện thoại và không hề nhận được tin nhắn thông báo mã OTP và tin nhắn thông báo biến động số dư trong tải khoản từ 2 giao dịch chuyển tiền đi mà kẻ gian thực hiện”.
Bà Trang cho biết, sau nhiều lần trực tiếp gửi đơn khiếu nại đến Hội sở Ngân hàng Vietcombank Trung ương (tại 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 15/8/2019, bà Trang mới nhận được văn bản phúc đáp của VCB nhưng do bà Lê Mai Nga- Phó Giám đốc Chi nhánh Thành Công (có địa chỉ tại Lô 3, OO4.1CC, Hoàng Đạo Thúy, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) ký. Theo bà Trang, nội dung văn bản trả lời này của đại diện Ngân hàng VCB, một lần nữa đẩy bà vào tâm trạng thất vọng vì phía ngân hàng đã đổ lỗi hoàn toàn cho việc để kẻ gian rút ruột 100 triệu đồng trong tài khoản gửi tại tổ chức tín dụng này là tại khách hàng.
Văn bản của VCB trả lời khiếu nại đối với bà Trang, thêm 1 lần nữa khẳng định phía ngân hàng đã làm hết trách nhiệm |
Trong đơn gửi Hòa Nhập mới đây, bà Trang khẳng định: “Tôi không nhận được tin nhắn thông báo mã OTP và biến động số dư đối với 2 giao dịch nêu trên nhưng trong văn bản phúc đáp của bà Nga, đại diện VCB. Trong văn bản trả lời khiếu nại, bà Nga nói rằng, theo dữ liệu ghi nhận trên hệ thống Viettel, số điện thoại của tôi (096.3900...) đã nhận được đầy đủ các tin nhắn là không đúng sự thật. Nếu như vậy thì tại sao VCB không gửi kèm văn bản trả lời của Viettel cho tôi?”
Ai là khách hàng của các NH nói chung, trong đó có VCB, đều hiểu và biết một quy định rằng: Nếu khách hàng muốn thay đổi số điện thoại nhận tin nhắn thông báo mã OTP hay tin nhắn thông báo biến động số dư trong tài khoản thuộc sở hữu của mình, đều phải đến trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng, nơi mình đã mở tài khoản mới thực hiện được. Tại đây, khách hàng phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu để nhân viên ngân hàng xác nhận thì việc thay đổi trên mới hoàn thành. Vậy nếu Viettel có bằng chứng cho thấy đã thực hiện dịch vụ cung cấp mã OTP và báo tin nhắn biến động số dư trong tài khoản thì sao? Điều này có thể xảy ra nếu bà Trang nói dối hoặc phần mềm của Viettel bị lỗi.
Được biết, vụ việc đã được Công an TP Hà Nội giao cho Công an quận Hai Bà Trưng thụ lý điều tra theo đơn tố giác tội phạm của bà Đào Thu Trang. Tuy nhiên vụ việc điều tra của điều tra viên Công an quận Hai Bà Trưng tỏ ra rất chậm chạp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chuyển đơn khiếu nại của bà Trang cho Thanh tra Ngân hàng phối hợp với các Vụ chức năng để xác minh, làm rõ.
Từ vụ việc của bà Trang cho thấy, hệ thống bảo mật, an toàn tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng (trong đó có VCB) cần phải tăng cường hơn nữa. Không thể để khách hàng liên tục mất tiền oan khi niềm tin của họ không được chăm sóc, bảo vệ. Khi khách hàng bị mất tiền, họ lại rơi vào tình trạng “ngửa mặt kêu trời” như một số khách hàng đã gánh chịu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.