Vì sao Bộ Tài chính bác ưu đãi cho "đống sắt rỉ" nghìn tỷ?
2016-04-27 13:35:47
0 Bình luận
Bộ Tài chính không chấp thuận với hàng loạt ưu đãi được Bộ Công thương dự định dành cho Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên.
Máy móc đắp chiếu, han rỉ là cảnh thường thấy tại Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên |
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra câu trả lời dành cho Bộ Công thương về hàng loạt các ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu, xóa nợ lãi vay... được Bộ này đề xuất cho Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Theo đó, Bộ Tài Chính đã cương quyết nói "không" với những ưu đãi này.
Đối với đề xuất cho phép dự án được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo trị giá khoảng hơn 65 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho rằng, dự án này đã được hưởng ưu đãi trên trước đó (2005) vì vậy không được chấp thuận. Bộ Tài chính đề nghị dự án tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng bác đề xuất miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng do không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Bởi theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, DN nước ngoài phát sinh doanh thu từ việc thực hiện hợp đồng cung ứng, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế với phần doanh thu này.
Không chỉ vậy, đề xuất của Bộ Công thương liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc xóa nợ tiền lãi vay trong thời gian dừng thi công vào khoảng 386 tỷ đồng cũng như điều chỉnh thời gian cho vay cho Dự án cũng bị Bộ Tài chính với lý do cần thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn nợ công.
Được biết, sở dĩ các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tìm cách "giải cứu" cho dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên là bởi công trình này mặc dù đã triển khai được gần 10 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thành. Hiện tại, dự án đã thi công được 80% tiến độ nhưng đã bị dừng từ giữa năm 2012 do nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) rút về nước vì các vấn đề liên quan tới tài chính.
Theo tính toán của Tisco hồi tháng 3/2016, sau khi rà soát lại, nếu muốn khởi động lại dự án tổng mức đầu tư phải nâng lên thành hơn 9.000 tỷ đồng. Việc đội vốn đối với dự án này không phải là mới, bởi vào năm 2009, tổng vốn đầu tư đã bị nâng lên gấp hơn 2 lần từ 3.800 tỷ đồng thành hơn 8.100 tỷ đồng. Điều trùng hợp là thời điểm tăng vốn này cũng là kết quả sau một thời gian dừng thi công.
Tisco cũng đưa ra phương án khác khi cho rằng, dự án vẫn có thể triển khai hiệu quả ở mức hơn 7.800 tỷ đồng khi và chỉ khi được áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu, xóa lãi vay ... như với đề xuất ở trên của Bộ Công thương.
Không chỉ vậy, Tisco còn phải giải quyết các khoản bối thường có tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng cho MMC. Có thể kể đến như chi phí cho thời gian kéo dài kỹ thuật từ tháng 6/2012 cho đến khi dự án khởi động lại là 105 tỷ đồng hay chi phí bàn giao, bảo quản là hơn 86 tỷ đồng.
Ngoài ra còn hàng loạt khoản khác phải bỏ ra thêm trong quá trình thực hiện tiếp dự án như chi cho khắc phục xây dựng do kéo dài tiến độ, phát sinh dịch vụ, thuế giá trị gia tăng phần P trong gói thầu EPC số 1 ...
Trước thực trạng này, ngay đến Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đang đầu tư 1.000 tỉ vào dự án cho rằng, kể cả trường hợp được tăng tổng vốn đầu tư thì dự án này vẫn chưa đựng nhiều rủi ro và khó mang lại thành công như những gì Tisco dự đoán. Không những thế SCIC cũng có cùng quan điểm với Bộ Tài chính khi cho rằng những ưu đãi được xin cho dự án như miễn giảm thuế, giảm lãi vay ... là vượt khung quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy sau nhiều năm tạm dừng dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên đang có nguy cơ chở thành "đống sắt rỉ" nếu không được hưởng ưu đãi để tiếp tục. Tuy nhiên nếu tiếp tục "giải cứu" Nhà nước sẽ phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả hoàn vốn còn rất mịt mờ.
Nói về dự án này, TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải xem xét thận trọng hiệu quả của nhà máy sau khi hoàn thành, đặc biệt trong bối cảnh thép giá rẻ của Trung Quốc đang dư thừa hàng triệu tấn mỗi năm. Nếu không thấy hiệu quả cần bỏ đi ngay chứ không nên rót thêm vốn, thực tế đã chứng minh không có dự án nào kéo dài giai đoạn đầu tư mà mang lại kết quả tốt.
Bây giờ nếu dừng lại dự án này có thể sẽ mất phần lớn số tiền hơn 4.500 tỷ đồng đã bỏ ra nhưng cũng sẽ hạn chế nguy cơ mất nhiều hơn nữa nếu tiếp tục rót vốn, đặc biệt là trong tình cảnh ngân sách đang rất khó khăn, ông Thiên đưa ra cảnh báo.
TISCO là công ty thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó Tổng Công ty thép nắm giữ 42,11%, SCIC là 35,21%.
Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2007 với mục tiêu xây dựng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỉ đồng.
Hiện tại Tisco đã chi cho dự án này 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ.
Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2007 với mục tiêu xây dựng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỉ đồng.
Hiện tại Tisco đã chi cho dự án này 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo BXD