Vì sao Hà Nội giao dự án BT đổi 40ha 'đất vàng' cho doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động?
Đổi 40ha đất vàng lấy 3km đường
Ngày 7/6/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2790/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Đề xuất dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT.
Ngày 11/6/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố thông tin về dự án này.
Tuyến đường được xây dựng với chiều dài 2,85 km, mặt cắt ngang 30 m. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm nổi trong chỉ giới thực hiên dự án.
Mục tiêu xây dựng tuyến đường này nhằm kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới đường trong khu vực, kết nối các tuyến đường Vành đai 2; 2,5; 3..., góp phần giảm tải cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng, đường Vành đai 2, Vành đai 3… tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 - 2020. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.412 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Để đổi lại phần kinh phí xây dựng này, Hà Nội sẽ dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Khu đất này rộng 39,8 ha nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 (thuộc quy hoạch phân khu S4).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, quy mô và diện tích cụ thể của quỹ đất thanh toán dự án BT được xác định đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 17/6, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án này cho liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư.
Đáng chú ý, dự án được Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư khi chưa được mang ra đấu thầu công khai.
LOD, Bắc Việt là ai?
Công ty Cổ phần Phát triển Nhân lực LOD (trước đây là Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài - LOD) ra đời năm 1992 trong bối cảnh tiếp nhận lại Công ty Xuất khẩu thuyền viên thuộc Tổng công ty Tư vấn đầu tư và dịch vụ hợp tác quốc tế Giao thông Vận tải - Bưu điện.
LOD hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hoá, đào tạo lao động xuất khẩu, công nhân kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; xúc tiến, tư vấn du học, giới thiệu và cung ứng việc làm trong nước; dịch vụ du lịch nội địa và lữ hành quốc tế và các dịch vụ thương mại.
Ngoài ra, công ty này cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vật tư, vật liệu xây dựng phương tiện và thiết bị vận tải, kinh doanh vận tải hành khách,...
Ông Vũ Công Bình - Thạc sỹ quản trị kinh doanh là Chủ tịch HĐQT công ty kiêm hiệu Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD.
Theo giới thiệu trên website, trong lĩnh vực bất động sản, LOD là chủ đầu tư các dự án như Khách sạn Hạ Long Dream, Dự án Khu nhà ở quận Hoàng Mai, Tòa nhà văn phòng Trần Thái Tông, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD.
Trong năm 2015, công ty đã chuyển nhượng Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ LOD tại Hưng Yên cho Bộ Công An.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ban lãnh đạo LOD cho biết, giao dịch chuyển nhượng Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ LOD chưa hoàn tất, công ty chưa thu được tiền. Tổng giá trị giao dịch này là 162 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải chi như LOD sẽ phải lo thủ tục sang tên mới thu được tiền, sẽ bị bên mua giữ lại một phần giá trị giao dịch để bảo hành. Khoản thu này sẽ phải nộp thuế VAT 16 tỷ đồng chưa kể phải trả khoản nợ 7 tỷ đồng đã vay để xây dựng trường. Vấn đề này tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 cũng được ban lãnh đạo LOD nêu y nguyên nội dung như vậy với cổ đông.
Trước đó, năm 2014, LOD cũng chuyển nhượng Tòa nhà LOD (LOD Building) nằm trên đường Trần Thái Tông, một trong những tuyến phố phát triển thương mại và văn phòng cho thuê lớn nhất của Hà Nội - cho Tập đoàn Phúc Lộc.
Dự án này bị nhiều đơn thư phản ánh của người dân về việc xây dựng không phép gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân.
Do chưa đủ các điều kiện pháp lý về xây dựng, tự ý thay đổi kết cấu công trình, dự án LOD Building - 38 Trần Thái Tông bỏ hoang mới đây đã bị UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý.
Năm 2017, LOD đạt doanh thu hơn 93 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng. Năm 2017, công ty không thực hiện chia cổ tức.
Trong quá khứ, LOD từng là một doanh nghiệp có tiếng là hoạt động hiệu quả, mức cổ tức cao. Năm 2009, Công ty trả tỷ lệ cổ tức là 70%, năm 2010 là 50%, năm 2011 chỉ còn 15%.
Năm 2018, LOD xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu hơn 71 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng. Số lượng lao động xuất cảnh là 1.715 người, mức chia cổ tức từ 0 - 5%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, LOD cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản tại tòa nhà 924 Bạch Đằng, Hà Nội. Công ty cũng tiếp tục thủ tục xin cấp đất tại Văn Giang, Hưng Yên để thực hiện đầu tư xây dựng Trường cao đẳng LOD.
Công trình xây dựng số 924 Bạch Đằng là dự án Khu đào tạo và văn phòng làm việc II thuộc dự án Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD. Dự án nằm trên khu đất rộng 6.833m2 tại số 924 Bạch Đằng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mặc dù được xây dựng từ tháng 5/2017, nhưng đến tháng 12/2017, dự án này mới được TP Hà Nội cấp phép.
Đáng chú ý, LOD chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án giao thông như BT trước khi được TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân đến đường Vành đai 3.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt được thành lập vào tháng 10/2008. Dù khá tín tiếng song Bắc Việt lại có liên quan đến nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Năm 2011, Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt chính là đơn vị đã liên doanh với Công ty TNHH MTV Thống Nhất (thuộc sở hữu của UBND Hà Nội, nổi tiếng với thương hiệu Xe đạp Thống Nhất) làm chủ đầu tư Dự án Tổ hợp nhà liền kề Trung tâm thương mại và căn hộ, tọa lạc tại khu đất rộng 1,8 ha ở số 82 phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), có tên thương mại là Thống Nhất Complex.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt là ông Vũ Hùng Lân – Tổng giám đốc. Ông Lân sinh năm 1958, trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa.
Ông Vũ Hùng Lân cũng là Giám đốc và là người đại diện của chi nhánh Công ty TNHH Đại Hoàng Long tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Một chi tiết thú vị là Đại Hoàng Long và Bắc Việt chính là hai đơn vị cùng tham gia cuộc đua đấu giá mua cổ phần Công ty Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tây (HATACO). Với HATACO, đây là lần đầu tiên Hà Nội bán đấu giá một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Kết quả, Công ty Đại Hoàng Long đã trở thành người trúng đấu giá với số tiền bỏ ra là 5,22 tỷ đồng để nắm giữ công ty sở hữu hàng chục trạm vật tư kỹ thuật nông nghiệp trải rộng trên khắp các huyện địa phương của tỉnh Hà Tây (cũ). Và không thể không kể tới trụ sở chính của công ty tại mặt đường Tô Hiệu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.