Vợ chồng bán vịt nhận nuôi 7 trẻ môi côi
Vài tháng trở lại đây, căn nhà trọ cũ trên phố An Ninh (phường Quang Trung, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bỗng đầy ắp tiếng cười. Đây là tổ ấm mà anh Đỗ Văn Dương (SN 1989) và vợ là chị Kiều Thị Thu Lý (SN 1990) dựng lên khi đang nhận nuôi 7 trẻ mồ côi.
Chị Lý cho biết, các con đều là người Mông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng chị chỉ nhận nuôi các cháu cho đến khi các cháu học xong, khôn lớn. Chính vì vậy, vợ chồng chị Lý không chuyển giấy tờ để nhận hẳn các cháu làm con nuôi.
Về cơ duyên nhận nuôi 7 trẻ, anh Đỗ Văn Dương cho hay, vợ chồng anh vốn là những người kém may mắn. Bản thân anh đã mất mẹ, vợ anh còn thiệt thòi hơn khi mất cả bố và mẹ. Sau nhiều năm kết hôn, 2 người vẫn chưa có con nên khi nhận nuôi các cháu, anh chị đều coi như con ruột.
Vợ chồng anh Dương, chị Lý cùng các con đàn hát trong giờ chơi trước khi đi ngủ.
"Trong những chuyến đi thiện nguyện tặng áo ấm cho các cháu ở vùng cao, vợ chồng mình được nhìn thấy, nghe kể về hoàn cảnh của những đứa trẻ, đứa thì mất cha, đứa thì mất mẹ. Sau nhiều chuyến đi, nhiều năm suy nghĩ, đến năm 2016, vợ chồng tôi quyết định đón 2 cháu nhỏ ở Tuyên Quang về nuôi", anh Dương nhớ lại.
Hai cháu nhỏ được vợ chồng anh Dương đón về nuôi là anh em Thào.V.M (SN 2003) và Thào.A.S (SN 2004), ở huyện Na Hang. Hai cháu đã mất bố, mẹ đi bước nữa, để 2 con cho người chú nuôi dưỡng nhưng hoàn cảnh gia đình người chú cũng quá khó khăn. Vậy nên vợ chồng anh Dương quyết định đón 2 cháu về nuôi.
Khoảng một tháng sau, vợ chồng anh lại được cộng đồng người Mông giới thiệu 2 cháu là Giàng.A.T (SN 2003) và Giàng.A.L (SN 2005) ở Sơn La. Anh em T, L còn bố mẹ nhưng gia cảnh quá khốn khó, bố mẹ 2 bé không thể nuôi con nên vợ chồng anh Dương lại đón các con về nuôi ăn học.
Đến tháng 5/2021, vợ chồng anh Dương lại nhận nuôi thêm 4 trẻ nữa, là 2 cặp anh em ruột tại Sơn La và Thanh Hóa, từ 6-9 tuổi.
Anh Dương và chị Lý cùng dạy học thêm cho các con tại nhà.
"Khi mình đón 4 cháu mới về, các con rất bỡ ngỡ, có bé lần đầu tiên ra khỏi bản. Các bé về đây, khó khăn nhất là ngôn ngữ, nhiều khi con nói mình không hiểu và mình nói các con cũng không hiểu. Các bé trước đó mình nhận nuôi đều là người dân tộc Mông nên anh lớn nói chuyện được với em bé. Dạy các con về đồ dùng sinh hoạt ở trong nhà, sau đó vợ chồng mình dạy bọn trẻ về tiếng Kinh, đọc bảng chữ cái, rồi tập đọc, tập viết cùng với nhau", anh Dương nhớ lại.
Anh Dương vui vẻ kể chuyện, ban đầu đưa các con về, 4 anh em xếp 4 cái ghế ngồi ở cửa sổ ngắm ô tô. Khi nhìn những xe bồn chở bê tông, bọn trẻ hò nhau ra xem, thậm chí thấy những xe chở rác cũng hào hứng như vậy. Bọn trẻ vui thú như đến vùng đất mới, môi trường hoàn toàn khác lạ.
Hàng ngày chị Lý dẫn các con nhỏ tới trường.
Nói về hoàn cảnh gia đình, anh Dương cho biết, anh quê ở Kinh Môn (Hải Dương), còn vợ là người Hà Tây (nay là Hà Nội). Ở quê, vợ chồng anh làm nông nghiệp, trồng cây và làm trang trại, chăn nuôi lợn, gà. Khi lên TP Hải Dương, vợ chồng anh xoay sở làm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi đàn con nhỏ. Trong quá trình nhận nuôi bọn trẻ, một số người bạn cũng cùng chung tay hỗ trợ vợ chồng anh Dương.
Ở TP Hải Dương một thời gian, vợ chồng anh Dương bàn bạc với nhau, phải kiếm một công việc gì để vừa có thời gian chăm sóc các con, vừa đào tạo được cho những trẻ lớn về công việc này, cho các cháu tiếp cận với môi trường kinh doanh. Vậy nên vợ chồng anh đã mày mò tìm hiểu, làm vịt quay để bán.
"Khi đến đây, mình mở cửa hàng vịt quay và được rất đông đảo người dân đến mua ủng hộ, sau đó thấy ăn được, khách đã quay trở lại. Vợ chồng mình không có con nên mong muốn trong gia đình có những đứa trẻ để được chăm sóc, được ẵm bồng, yêu thương mỗi ngày. Điều này đã tạo thêm động lực cho vợ chồng mình chăm sóc các cháu", anh Dương nói.
Ông Hồng và cán bộ công an phường thăm hỏi, động viên các cháu nhỏ là con nuôi của vợ chồng chị Lý.
Còn theo chị Lý, khi đón các cháu về nuôi, vợ chồng chị dạy cho các con những công việc cụ thể, từ việc nhặt rau, rửa bát, nấu ăn... đều cho con cùng làm. Dần dần, bọn trẻ đều biết tự rửa bát, biết nấu ăn, cháu lớn còn biết phụ giúp vợ chồng anh Dương công việc hàng quán.
Chị Lý cho biết, khi mở cửa hàng vịt quay, vợ chồng chị còn mong muốn truyền lại nghề này cho con nào thích để sau này các con có thể tự kiếm sống ở bất kỳ nơi nào.
"Tổng cộng, vợ chồng mình đón 8 trẻ về nuôi, trong quá trình chăm sóc các con, một số anh chị em cũng hỗ trợ. Năm ngoái, một cháu đã xin phép trở về quê, nên hiện tại vợ chồng mình đang nuôi 7 cháu", chị Lý cho biết.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hồng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, tháng 4/2021, vợ chồng anh Dương đến thuê nhà ở địa bàn của phường Quang Trung. UBND phường đã giao cho các bộ phận như công an để kiểm tra, xác minh, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký nhân hộ khẩu thường trú, tạm trú.
"Ngoài ra, UBND phường còn giao cho bộ phận tư pháp làm các thủ tục chuyên môn. Bản thân tôi cũng đã làm việc với anh Dương và chị Lý để giải thích cho anh chị ấy về việc làm từ thiện, nhân đạo nhưng phải đảm bảo về tính pháp lý, đảm bảo quyền con người, cũng như quy định của pháp luật về nuôi trẻ nhỏ", ông Hồng nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.