Bài toán tình yêu của người thầy mặc áo lính

2018-04-11 16:28:23 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nhắc đến cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, chúng ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến bom đạn, hy sinh và mất mát. Thế nhưng giữa tháng năm khốc liệt ấy, vẫn có những câu chuyện tình yêu lãng mạn được ươm mầm, nảy nở, kiêu hãnh vươn lên. Đó là câu chuyện của thầy Lê Xuân Nhật và cô giáo Uông Thị Thang.

Lời tỏ tình còn bỏ ngỏ

Năm 1970, bà Uông Thị Thang lúc ấy là một cô sinh viên trẻ khoa Sinh học mới ra trường tới nhận công tác tại trường THCS Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Cũng chính tại đây, bà đã gặp thầy giáo Lê Xuân Nhật - thầy giáo dạy Toán hơn bà 9 tuổi, người mà bà không ngờ rằng chính là bạn đời kết tóc se tơ sau này của mình.

Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, ông Nhật đã đem lòng thầm thương trộm nhớ bà Thang nhưng lại ngại ngùng chẳng dám nói. Một ngày nọ, ông lấy hết can đảm viết lá thư tỏ tình với bà. Đúng phong cách của một thầy giáo dạy Toán, ông đưa ra một bài toán với hy vọng bà có thể giải cùng ông:

“Dựng một cung chứa góc mà mọi điểm TƯƠNG LAI trên cung ấy đều nhìn xuống đường thẳng HẠNH PHÚC. Nối hai điểm đã cho dưới MỘT MỤC ĐÍCH DUY NHẤT?
- Một bài toán quỹ tích khó xây dựng về mặt lý luận và thực tế?
- Em góp sức cùng anh giải bài toán này nhé???
- Chắc em hiểu? Mong em hết sức thông cảm cho anh."



Bức thư tỏ tình ngày ấy


Một buổi sáng đầu năm 1971, ông ngại ngùng trao bà lá thư bên cây cầu Sen cạnh trường. Trước nay bà vẫn ngưỡng mộ ông vì là một giáo viên giỏi, được nhiều người kính trọng. Nhưng về tình cảm, quả thực bà chưa nghĩ tới, “ông ấy thì đẹp trai, con người vốn lại hào hoa, được phái nữ để ý nhiều nên mình cũng có phần e dè, dù biết ông ấy 'đặt vấn đề' như thế đấy mà mình cứ làm lơ, không nhận lời cũng không từ chối” - Bà Thang bồi hồi nhớ lại.

Những bức thư tình từ trong lửa đạn

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, ông Nhật theo tiếng gọi của Tổ quốc “gác bút nghiên, lên đường ra chiến trận”. Trước ngày đi, ông chỉ chào hỏi bà vài câu ở trường, cũng không dám nhắn nhủ gì. Nhưng suốt những năm 1972 - 1973, ông Nhật vẫn biên thư gửi về cho bà Thang đều. Những lá thư gửi từ chiến trường được ông viết vào những lúc nghỉ.

“Kể từ ngày 18/3, anh chính thức thuộc quân giải phóng. Đơn vị anh kéo cờ giải phóng, đoàn người rập rập hành quân với khí thế chiến thắng. Lúc đó anh cảm thấy như cả đất nước hành quân, cả dân tộc lên đường [...] Anh đã làm đơn và viết tâm thư rất nhiều gửi bộ Quốc phòng, tình nguyện xin đi chiến đấu. Giờ này đây, ước mơ đã trở thành sự thực, vào bộ đội không có con đường nào khác là vào Nam đánh Mỹ, để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.”

Và những nhung nhớ:

“Xa càng nhớ càng thêm yêu tha thiết
Chân anh còn đi tiếp còn xa
Em yêu ơi hạnh phúc chờ ta”


Cũng có khi là lời giận hờn trách móc: “Nhiều lần anh định gặp em để nói nhiều chuyện, trao đổi nhiều vấn đề song anh thấy ngại ngần vô cùng, e rằng em không thông cảm, chẳng phải bây giờ mà cả thời gian anh còn công tác ở nhà cũng vậy... Ôi! Ai có thể hiểu nỗi lòng anh lúc này em? Chỉ có sự im lặng, im lặng đến ghê sợ của đêm trường tĩnh mịch này mới phản ảnh hết sự suy nghĩ của con người... Em... em có hiểu nổi tâm hồn anh lúc này như thế nào không?”

Những lúc bị thương nặng, ông vẫn cố trêu đùa để bà yên tâm:

“Theo anh nghĩ, muốn cho sức khỏe chóng hồi phục thì phải yên tâm an dưỡng, đầu óc thoải mái, không nghĩ ngợi liên miên, không để ngoại cảnh chi phối, luôn hồn nhiên yêu đời. Học thuyết Pác Lốp đã dạy chúng ta như vậy mà, có phải không em, nhà Lý luận Sinh vật học? Nói thế cho vui, em thông cảm nhé!”


Bà Thang lật giở những lá từ của chồng


Nhận được thư, bà cũng rất bất ngờ, không nghĩ ông lại là người tình cảm và sống nội tâm đến vậy. “Tôi cũng có viết thư hồi đáp nhưng chỉ hỏi thăm sức khỏe, hẹn ngày trở về chứ không thể hiện gì cả nên thư ngắn lắm chứ không dài như ông đâu” - bà Thang cười. Ấy thế mà ông vẫn kiên trì, mỗi lá thư như đong đầy những yêu nhớ của người nơi chiến tuyến gửi người ở hậu phương. Chính sự chân thành đã làm bà Thang cảm động. Suốt những năm tháng ông đi chiến đấu, người có tiền, có quyền, có địa vị xã hội đến ngỏ lời với bà không thiếu, nhưng bà vẫn quyết đợi ông trở về.

Quảng Trị 1972 - chiến trường khốc liệt bậc nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Chính ông Nhật đã sống qua mùa hè đỏ lửa năm ấy, đã can trường chiến đấu suốt 81 ngày đêm. Thầy giáo Lê Xuân Nhật đã trở thành chiến sĩ Lê Xuân Nhật. Cuộc chiến chưa kết thúc nhưng ông bị thương quá nặng nên được xuất ngũ trở về năm 1973. Khi được hỏi nguyện vọng của mình, ông nói muốn quay lại ngành cũ công tác.

“Ngày đầu tiên gặp lại, thấy ông ấy khác hoàn toàn, người gầy rộc đi”, chính lúc đó bà cảm nhận rõ rệt nhất sự tàn khốc của chiến tranh. Bà nhận lời cùng ông đi tìm lời giải cho bài toán năm nào, “Đúng ra là tôi thương ông ấy rồi mới yêu”. 

Ngày mai ấm nắng

Dù có nhiều người nói rằng ông đào hoa, khuyên ngăn nhưng bà vẫn tin tưởng vào nhân phẩm con người ông và nhận lời lấy ông. Đám cưới diễn ra giản dị với sự chứng kiến của họ hàng và đồng nghiệp cùng trường. Bà Thang còn nhớ như in ngày đầu về làm dâu, “căn phòng nhỏ của hai vợ chồng chỉ đủ kê cái giường, bên dưới là thùng gạo, một cái bàn viết với chừa lại một lối đi nhỏ nhỏ”.

“Năm ấy có cơn bão số 7 về, hàng xóm còn cứ bảo nhau chạy sang xem nhà cô Thang thế nào, không khéo đổ mất” - bà Thang xúc động.


Ông Nhật và bà Thang (ảnh chụp năm 2000)


Di chứng của chiến tranh khiến sức khỏe của ông Nhật yếu đi nhiều. Vết thương cũ ở phần mềm và đầu còn chưa lành. Sau đám cưới một tuần, cơn sốt rét tái phát, rồi từ đó cứ theo chu kỳ mỗi tháng một lần. “Da ông ấy cứ vàng rực lên, bao nhiêu chăn màn đều mang ra đắp. Nhớ nhất vẫn là phải lấy quả bí xanh khoét ruột, rồi đào giun đất rửa sạch cho vào đun cho chảy nước ra để cho ông uống” - bà Thang còn nhớ y nguyên. Ròng rã hai năm trời ông mới khỏi hẳn.

Cuộc sống sau hôn nhân của ông bà gặp rất nhiều khó khăn bởi đồng lương giáo viên ít ỏi. Bà phải mở thêm cửa hàng bách hóa, ông nhận lớp dạy thêm. Vất vả là thế nhưng suốt 40 năm chung sống, chưa bao giờ ông bà to tiếng, cãi vã.

Ông Lê Xuân Nhật mất đã 8 năm, nhưng mỗi khi giở lại những bức thư năm nào bà Thang không kìm được nước mắt. “Chỉ thương ông, lúc con cái thành đạt cả thì ông lại ra đi”, “cũng do hậu quả chiến tranh mà ông bị ảnh hưởng, suốt mấy năm cuối cùng ông chỉ nằm mà không nói được gì” - Bà Thang lặng lẽ lau những giọt nước mắt trên gò má đã điểm màu thời gian.

Bài toán năm xưa, ông bà đã cùng nắm tay nhau đi hết chặng đường 40 năm để tìm ra lời giải. Đó là tình yêu, là niềm tin và khát vọng về một tương lai hạnh phúc, về ngày mai ấm nắng như chính ông vẫn viết gửi bà:

“Thời gian không cho phép, hẹn gặp em anh sẽ nói chuyện nhiều về cuộc sống của "người lính chiến". Anh chỉ nói đơn giản cho em biết "Đời bộ đội là đỉnh cao của vinh quang, song nó cũng là tột cùng của gian khổ"…
Chúc ngày mai sẽ đẹp trời... ấm nắng
Anh: người quân nhân cách mạng
Em: người giáo viên nhân dân."


Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...