Đam mê với thú nuôi chim công, chim trĩ

2017-01-28 17:27:00 0 Bình luận
Vì đam mê, một cử nhân kinh tế đã nghiên cứu, nuôi và nhân giống 2 loài chim quý đang có nguy cơ tuyệt chủng cho đến khi chúng được đưa ra khỏi sách đỏ.

Anh Trần Nhữ Giáp đã nuôi và nhân giống 2 loài chim quý có nguy cơ tuyệt chủng.

Sau khi rời giảng đường đại học với tấm bằng cử nhân, anh Trần Nhữ Giáp vào làm việc cho một doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội. Tuy nhiên, do thu nhập không ổn định nên anh đã quyết định chuyển sang một hướng đi mới chuyên về chăn nuôi. Là một cử nhân kinh tế và chưa hề qua đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi nhưng anh Giáp lớn lên từ vùng đất Hà Nam vốn là vùng đất có truyền thống về nuôi trồng, vì vậy vốn kiến thức anh có được chủ yếu từ kinh nghiệm của gia đình truyền lại.

Bước ngoặt lớn của anh Trần Nhữ Giáp bắt đầu từ năm 2004, trong một lần có dịp lên Cao Bằng, thấy có người bẫy được 2 đôi chim trĩ, anh đã mua về nuôi. “Lúc đó thấy những con chim trĩ quá đẹp nên tôi muốn nuôi thôi chứ không có ý định gì”, anh Giáp kể lại.

Thời điểm đó, chim trĩ đang nằm trong sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng nên việc nuôi nhốt giống chim này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các rào cản về pháp lý. Tuy nhiên, với niềm đam mê của anh Giáp cùng điều kiện có sẵn về vườn nuôi, sau một thời gian ngắn, những con chim trĩ này đã đẻ trứng.



Nhận thấy việc nuôi và nhân giống chim quý này rất khả quan nên anh Giáp đã để chim trĩ ấp trứng, nhưng loạt trứng đầu tiên đã bị hỏng hết. Sau khi nghiên cứu kỹ thông tin trên mạng, anh Giáp phát hiện ra giống chim này không tự ấp nở mà thường đẻ nhờ vào các ổ gà rừng. Nhận biết được đặc điểm này, ở loạt trứng thứ 2, anh Giáp đã chỉnh sửa lại một số điều kiện tại các ổ gà ta đang nuôi và đưa trứng chim trĩ vào đó để ấp. Trong lần thử nghiệm này, anh Giáp rất vui mừng khi có khoảng 50% số trứng nở thành công. “Tôi cũng không nhớ rõ lần đó nở được bao nhiêu con nhưng khi đưa được chim trĩ con ra khỏi ổ gà, tôi có cảm giác rất khó tả”, anh Giáp chia sẻ.

Mặc dù thành công ngay lần đầu thử nghiệm, nhưng nhận thấy hiệu quả không cao khi những lần tiếp theo tỷ lệ ấp nở trứng thành công vẫn không vượt quá được 50%, anh Giáp rất trăn trở. Bên cạnh đó, việc sử dụng gà ta ấp trứng cũng gặp nhiều rủi ro khi nhiều con gà phát hiện ra không phải con của chúng đã mổ chết chim trĩ con ngay lúc mới nở. Để tránh rủi ro, anh Giáp đã mang những đợt trứng tiếp theo đi thuê ấp, nhưng tỷ lệ thành công vẫn không cao hơn, bởi thân nhiệt của chim trĩ cao hơn gà nên các máy ấp công nghiệp không phải là điều kiện lý tưởng để trứng chim trĩ nở thành công.

Trước vô vàn khó khăn, anh Giáp không nản lòng mà vẫn tiếp tục dành thời gian lên mạng tìm hiểu thêm các tài liệu về loài chim trĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc này chưa có mô hình nào nuôi thử nghiệm loài chim trĩ quý hiếm nên anh Giáp học được rất ít kiến thức. Tới giữa năm 2007, một lần tình cờ tìm thấy trên mạng thông tin ở nước ngoài đã nuôi thành công chim trĩ, anh Giáp vay mượn tiền đi sang Thái Lan học hỏi về mô hình nuôi chim cảnh. Sau hơn 1 tháng, anh trở về quê hương và quyết tâm nhân giống chim quý này.

Việc đầu tiên sau khi về nước, anh nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy ấp trứng cho chim trĩ. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên lứa trứng đầu tiên từ chiếc máy ấp do anh chế tạo đã hỏng gần hết. Không từ bỏ ý định, anh tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân của sự thất bại, và đến năm 2010, chiếc máy ấp của anh mới thực sự hoàn thiện, cho nở thành công gần như toàn bộ số trứng đưa vào ấp. “Đến thời điểm hiện tại, đưa bao nhiêu trứng vào ấp thì đều nở thành công”, anh Giáp khẳng định.

Từ đó đến nay, đã rất nhiều lứa chim trĩ được nhân giống thành công từ vườn chim của anh Giáp. Không chỉ có vậy, anh Giáp đã mang mô hình nuôi chim trĩ đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, và cho đến năm 2012, với số cá thể chim trĩ đang ngày càng phát triển trên khắp cả nước, giống chim quý này đã chính thức được đưa ra khỏi sách đỏ. “Theo công ước quốc tế, một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào có từ 20.000 cá thể trở lên thì loài vật đó sẽ không nằm trong số có nguy cơ tuyệt chủng”, anh Giáp phân tích.

Để đạt được thành công hiện tại, anh Trần Nhữ Giáp vẫn còn nhớ như in những ngày đầu lập nghiệp. Là người đi tiên phong nuôi những loài chim nằm trong sách đỏ nên anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như thủ tục xin cấp phép nuôi. “Thời kỳ đầu, chính quyền địa phương không cấp phép nuôi loài chim trĩ, tôi đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo”, anh Giáp chia sẻ.

Không dừng lại ở phạm vi hẹp, với mỗi loài nhân giống thành công, anh Giáp đều bàn giao về cho các hộ nuôi ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Ban đầu, một số trang trại có hạ tầng và nhân công đã được anh Giáp hỗ trợ đầu vào, đầu ra cũng như kinh nghiệm chăn nuôi. Thời gian sau, khi bắt đầu quen việc, những cơ sở này đều tách ra chăn nuôi và sản xuất độc lập. “Khi các hộ tách ra độc lập thì thu nhập của tôi sẽ giảm nhưng tôi rất mừng vì mô hình nhân giống chim quý được phát triển tại nhiều nơi”, ông chủ mô hình nhân giống chim quý nói.

Ngoài 2 loài chim quý trên, hiện nay, anh Giáp vẫn tiếp tục nghiên cứu và nuôi dưỡng nhiều loại chim quý khác tại trang trại như: Hồng hoàng (loại chim in trên mặt trống đồng cổ); Thiên nga đen; Vịt uyên ương…

Tiếp nối những thành công đó, anh liên tục mang nguồn gen đi trao đổi với các đơn vị khác để có được nhiều loại chim quý. Và hiện nay, trong khu trang trại của anh có số cá thể chim các loại đã lên đến vài nghìn con. Đơn cử như chim công, thời điểm khi bắt đầu nuôi, từ 4 cá thể trao đổi với Trung tâm Thực nghiệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, chỉ trong vòng hơn 1 năm, anh Giáp đã chính thức trở thành người Việt Nam đầu tiên nhân giống thành công loài chim này. Chia sẻ với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam về dự định sắp tới, anh Giáp cho biết: “Trong năm Đinh Dậu tới, tôi sẽ cố gắng sưu tầm và nhân giống thêm nhiều loại chim quý trên thế giới tại trang trại của mình”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00
Đang tải...