Bài toán tỷ giá bám sát diễn biến thị trường mạnh tay hơn

2018-08-10 14:11:10 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Tỷ giá vẫn đang là vấn đề “nóng” của nền kinh tế hiện nay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết vẫn đang điều hành tỷ giá theo diễn biến thị trường, nhưng trước những bất ổn trên thị trường tiền tệ toàn cầu, liệu có nên phá giá tiền đồng, nếu có thì nên ở mức nào và còn những giải pháp nào khác ngoài tỷ giá!

Điều chỉnh tăng giá bán USD đưa tỷ giá phù hợp với thị trường

Hai mươi ngày sau quyết định giảm mạnh giá USD bán ra (ngày 3/7/2018), NHNN đã quyết định tăng giá bán USD trở lại lên mức 23.273 VND/USD trong phiên giao dịch ngày 23/7/2018, và đà tăng tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch 24/7/2018 lên mức cao mới 23.284 VND/USD, tăng 1,015% so với giá niêm yết trước đó (tăng 11 đồng). Như vậy chỉ trong hai ngày điều chỉnh, giá bán ra của đồng bạc xanh đã tăng thêm 234 đồng. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc ngày 20/7/2018 đã tăng 0,9% tỷ giá USD/nhân dân tệ lên 6,7671, đồng thời bơm 74 tỷ USD cho các ngân hàng thông qua thị trường mở. Tốc độ mất giá của đồng tệ đang trở nên nhanh hơn và đã rơi xuống 6,82 tệ/USD ngày 24/7/2018.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Việc bất ngờ nâng giá bán của NHNN sau 20 ngày giữ ổn định ở mức thấp đã kích hoạt làn sóng tăng mạnh của tỷ giá trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Cụ thể, giá bán USD tại các NHTM cũng tăng chóng mặt kể từ ngày 23/7/2018, điển hình tại Vietcombank giá bán USD trong ngày 23/7/2018 đã điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,7% lên mức 23.260 VND/USD và đà tăng tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch ngày 24/7/2018 khi giá bán USD lên mức 23.290 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên giao dịch ngày trước đó. Tương tự Vietcombank, giá bán USD tại các NHTM khác cũng tăng rất mạnh, thống kê cho thấy, phần lớn các ngân hàng đều tiếp tục nâng giá mua bán USD thêm từ 10-50 VND/USD so với phiên giao dịch ngày 23/7/2018.

Sức nóng trên cũng lan sang thị trường tự do và đưa giá bán USD trên thị trường này tăng kỷ lục. Cụ thể, giá bán USD trong ngày 24/7/2018 tiếp tục lập kỷ lục mới ở mức 23.330 đồng ở chiều mua và 23.380 đồng ở chiều bán ra, tăng 70 đồng chiều mua vào và tăng 90 đồng ở chiều bán ra so với ngày 23/7/2018.

Lý giải quyết định tăng giá bán USD trở lại vào ngày 23/7/2018, NHNN cho biết, việc điều chỉnh này được đưa ra sau khi trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã dương trở lại. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà, sau khi NHNN niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 VND/USD (ngày 3/7), tỷ giá trên thị trường diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu quanh mức 23.040-23.050 VND/USD. Từ thời điểm đó đến nay, NHNN đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

“Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý kỳ vọng, NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của TCTD tốt hơn”, ông Hà cho biết, “Quyết định nâng giá bán USD vào ngày 23/7/2018 nhằm mục đích đưa tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý”.

Hành xử theo vận động của thị trường có lẽ là chưa đủ, NHNN cần tiếp tục và mạnh mẽ đi trước một bước để chủ động thiết lập vùng biến động trong tầm kiểm soát cho tỷ giá.

Yếu tố khó nắm bắt

Theo Cổng thông tin điện tử NHNN, đến ngày 31/5/2018, tổng vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng là 749.548 tỷ đồng. Trạng thái ngoại tệ tối đa mà các ngân hàng được phép nắm giữ là 20% vốn tự có, tương đương 149.909 tỷ đồng, tức 6,5 tỷ USD (tính theo tỷ giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN 23.050 VND/USD).

Trong 6 ngày từ 13 đến 20/7/2018 NHNN bán cho các ngân hàng tổng cộng 2,12 tỷ USD, bằng một phần ba tổng trạng thái ngoại hối tối đa của các TCTD. Quy định cho phép các ngân hàng không bắt buộc phải giữ trạng thái ngoại hối tối đa, mà chỉ cần đảm bảo trạng thái ngoại hối dương, từ 0,1% trở lên cũng là dương. Những ngân hàng trạng thái ngoại hối âm có quyền đăng ký mua ngoại tệ và được NHNN đáp ứng để đưa trạng thái trở lại dương. Còn dương ở mức nào thuộc quyết định của cơ quan quản lý. Về phía mình, trong điều kiện tỷ giá biến động, các ngân hàng luôn cố gắng để trạng thái ngoại hối dương tối đa.

Trạng thái ngoại hối thay đổi từng ngày, phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng. NHNN bán ra tới một phần ba trạng thái cho các ngân hàng, tức là nhu cầu đang rất mạnh. Có ngày NHNN bán tới 900 triệu USD. Nhìn lại nửa đầu năm, nhà điều hành mua vào 11,5 tỷ USD, trong đó có gần 5 tỷ USD của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco. Năm tỷ USD được đối tác mua Sabeco vay của nước ngoài của doanh nghiệp (vì thế vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp năm ngoái tăng vọt theo báo cáo của Bộ Tài chính). Đã vay thì sẽ có trả. Trừ 5 tỷ USD kể trên, số lượng ngoại tệ NHNN mua được khoảng 6,5 tỷ USD, đúng bằng tổng trạng thái ngoại hối của hệ thống. Nay một phần ba đã bán ra để trả lại thị trường. Hai phần ba còn lại có bán tiếp không? bán như thế nào? với giá nào và tiến độ ra sao? Phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu thị trường. Nếu xài hết phần còn lại, mà cung cầu vẫn chưa cân bằng, không loại trừ khả năng NHNN phải sử dụng đến phần ngoại tệ mua vào của năm ngoái.

Những lần trước “sóng” tỷ giá ngắn và nó thường bắt đầu từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Lần này nó bắt nguồn từ thị trường tự do và cầu thị trường tự do “leo thang” bền bỉ, dẫn đến tỷ giá ngân hàng chuyển động theo. Ngày 24/7/2018 giá mua/bán thị trường tự do tương ứng 23.400/23.440 VND/USD. Chỉ có thể nói rằng tỷ giá trên thị trường tự do đã “nhạy cảm” hơn.

Nguồn ngoại tệ trên thị trường tự do là tiền mặt. Tỷ giá thị trường tự do “chạy” chứng tỏ cầu đang vượt cung. Đối tượng mua ngoại tệ trên thị trường tự do là những người không thể mua được ngoại tệ ở ngân hàng. Trong số này có phần không nhỏ và không tính toán được số liệu chính xác là carry trade (hiểu nôm na là kinh doanh chêch lệch lãi suất tiền đồng và đôla Mỹ trong điều kiện tỷ giá ổn định). Những năm trước, VND chỉ mất giá khoảng 1%/năm so với USD, USD được chuyển vào Việt Nam, đổi ra tiền đồng, gửi tiết kiệm, hưởng lãi suất tiền đồng cao. Ngoại tệ từ bên ngoài chuyển vào Việt Nam qua ngân hàng bao nhiêu cũng được, nhưng chuyển ra thì không được (trừ chuyển tiền du học, định cư, cho thân nhân ở nước ngoài với số lượng hạn chế. Chẳng hạn bố mẹ gửi cho con, vợ chồng gửi cho nhau được tối đa 7.000 USD/người/năm). Tuy vậy, ngoại tệ bằng cách nào đó, qua nhiều ngả, vẫn ra khỏi Việt Nam. Trước carry trade chuyển vào, nay carry trade chuyển ra.

Carry trade chuyển ngoại tệ ra là một ẩn số của kinh tế ngầm, mà quy mô của nó không thể nắm bắt, chỉ có thể ước lượng. Các ngân hàng cho biết vừa qua đã nhập về một lượng ngoại tệ tiền mặt tương đối lớn, lên tới hàng tỷ USD, để phục vụ nhu cầu trong nước. Thông thường khi ngoại tệ mặt nhập về lớn như vậy, cầu ngoại tệ của dân cư và tổ chức kinh tế sẽ “nguội” nhanh chóng. Thực tế hiện tại không như vậy. Một số ngân hàng kể cả Vietcombank mới đây đã giảm lượng ngoại tệ bán cho người dân đi du lịch nước ngoài từ tối đa 5.000 USD xuống 100 USD/ngày. Thí dụ, bạn đi du lịch nước ngoài một tuần, ngân hàng bán cho bạn 700 USD. Muốn mua 5.000 USD đi du lịch tại một ngân hàng 100% vốn ngoại ở TP HCM thì người mua phải có tài khoản tiền đồng tại đây, còn mua trả bằng tiền mặt thì ngân hàng không bán. Người mua đề nghị mở tài khoản tiền đồng thì được nhân viên tại quầy trả lời “mất một tuần”. Cô khuyên khách hàng nên đến ngân hàng Việt Nam để mua.

Bài toán tỷ giá mạnh tay hơn

Bán ra ngoại tệ, chỉ 6 ngày NHNN hút về gần 40 nghìn tỷ đồng mà không phải chi một đồng nào trả lãi suất như phát hành tín phiếu. Ngay lập tức lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng “nhảy” lên 3,22%/năm, gấp bốn lần cách đó vài tuần. Bộ phận ngân quỹ và kinh doanh ngoại hối của hầu hết các ngân hàng dự báo lãi suất qua đêm tiền đồng liên ngân hàng sẽ còn tăng, có thể tới 4-5%/năm không chừng.

Giới tài chính và quan sát nhận xét việc NHNN nâng giá bán ngoại tệ là hợp lý để tạo dư địa cho tỷ giá liên ngân hàng “vùng vẫy”. Tỷ giá chuyển khoản niêm yết bán ra và tỷ giá liên ngân hàng hiện dao động quanh 23.250-23.290 VND/USD. Câu hỏi đặt ra là liệu ở vùng giá này thị trường có tự cân bằng được? Hay chỉ một thời gian ngắn nữa các ngân hàng lại đăng ký mua ngoại tệ theo giá bán mới của NHNN?

Ảnh minh họa

Giờ đây tỷ giá đã có bước ngoặt, đòi hỏi cơ quan quản lý mạnh tay hơn, chắc tay hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không diễn ra đơn độc. Nó đang kéo theo chiến tranh tiền tệ, nơi “chiến trường” quốc tế mà đồng Việt Nam không có tiếng nói trọng lượng do chưa chuyển đổi được. Sức ép lên tỷ giá của USD đối với VND là một áp lực nặng nề. Việc mất giá của đồng nhân dân tệ so với USD còn sát sườn hơn. Từ đầu năm đến nay VND giảm giá 2,57% so với USD (tỷ giá chính thức) và 3,03% (tỷ giá thị trường tự do) trong khi cùng thời gian đồng tệ mất giá 4,92%.

NHNN Trung ương Trung Quốc đã không can thiệp khi nhân dân tệ giảm giá bởi đây là công cụ đối phó hữu hiệu với việc Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế tiếp lên 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Họ thậm chí đang gián tiếp tạo điều kiện để đồng tệ giảm giá sâu hơn.

Trong bối cảnh trên, phương thức điều hành tỷ giá bám sát diễn biến thị trường quốc tế của NHNN có lẽ phải nhìn trước trông sau thông qua mở rộng biên độ dao động, tạo khoảng trống linh hoạt hơn để cung cầu tự cân bằng. Lúc này kỳ vọng tâm lý của thị trường vào tỷ giá vẫn lớn bất chấp sự can thiệp không hề nhỏ của NHNN. Nếu tiếp tục bán ra USD ở mức giá hiện tại, e rằng dự trữ ngoại hối có thể sẽ tụt giảm nhanh./.


Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
2024-04-18 11:46:40

Lời chia buồn

Nhận được tin Cụ La Đức Đan là thân phụ ông La Đức Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã tạ thế vào hồi 23h20’ ngày 17/04/2024 (tức ngày 9/3 năm Giáp Thìn), tại Lào Cai. Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới ông La Đức Hùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng và gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-04-18 11:29:00

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01
Đang tải...