Đầu tư công: Vai trò lớn nhưng hiệu quả chưa cao

2019-09-03 11:03:13 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Ở Việt Nam, đầu tư của khu vực Nhà nước hiện chiếm khoảng 40% tổng đầu tư của toàn xã hội, 60% còn lại là tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế vai trò của Nhà Nước luôn giữ một vị trí quan trọng trong mọi hoạt động của nền kinh tế.

Nguồn lực Nhà nước chiếm vị trí quan trọng

Đầu tư công là một trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng của bất cứ Nhà nước nào, đặc biệt có ý nghĩa đối với những quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi và phát triển kinh tế thị trường như Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định các mục tiêu và định hướng phát triển đầu tư công theo hướng nào, quy mô đến đâu là phù hợp, có đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thực tế hay không thì tùy thuộc rất lớn vào quyết định của các nhà hoạch định chính sách trong từng hoàn cảnh, từng thời điểm của mỗi quốc gia. Chính sách phát triển đầu tư công trong thời gian qua chủ yếu theo hướng đáp ứng các mục tiêu công cộng hơn là mục tiêu lợi nhuận Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua năm 2014 định nghĩa: Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư công bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư.

Nguồn vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư công bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước (NSNN): NSNN là hệ thống quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính của xã hội để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ nhà nước nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước. NSNN được hình thành từ các khoản thu thuế, phí và lệ phí. Trong đó thuế là: Khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị. Khoản thu này được xây dựng trên cơ sở trao đổi nghĩa vụ giữa công dân với Nhà nước.

Vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương và tín dụng Nhà nước: Vốn tín dụng Nhà nước là các khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được phát hành, ký kết nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của Pháp luật.

Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư. ODA là nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với điều kiện ưu đãi. ODA được hiểu là nguồn vốn dành cho các nước đang và kém phát triển được các cơ quan chính thức hoặc cơ quan thừa hành của Chính phủ hoặc các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ tài trợ.

Theo cách tiếp cận này, đầu tư công được coi là đầu tư của khu vực Nhà Nước hay mọi hoạt động sử dụng nguồn lực của nhà nước để đầu tư đều được coi là đầu tư công. Theo đó, đầu tư của Chính phủ và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được coi là đầu tư công. Theo quan niệm này, rất khó để giải thích được các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP… có phải là đầu tư công hay không.



Hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thì hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Cụ thể, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77%tổng mức đầu tư.

Còn dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thì phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ Nhật Bản từ 30% trở lên, nhà thầu chính phải là nhà thầu Nhật Bản.

Đáng lưu ý, dự án này còn đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng như thay đổi tỷ lệ thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10% xuống 5% và trong bảo hành từ 10% xuống 3%; thay đổi tỷ lệ giữ lại khi thanh toán từ 10% xuống 5%; cho phép nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ...

Báo cáo kiểm toán còn chỉ ra, tình trạng nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Riêng Bộ Giao thông Vận tải có tới 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD; dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương 275,61%); dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng (tương đương 172,2%).

Bên cạnh đó, còn tình trạng điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Đơn cử, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư...

Theo một số chuyên gia kinh tế thì đầu tư công là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Thời gian kể từ giai đoạn bắt đầu thực hiện đầu tư cho đến khi nhận được kết quả đem lại lợi ích kinh tế xã hội phải kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó hoạt động đầu tư thường chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện khách quan như thiên tai, dịch bệnh… những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, không thể vì lý do đó mà quản lý dự án yếu kém, buông lỏng quản lý hoạt động đầu tư dẫn đến nguồn chi phí khá lớn, nguồn vốn phải nằm ứ đọng trong suốt quá trình đầu tư và làm cho ngân sách Nhà Nước sẽ bị thiệt hại.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...