Cần kiểm soát tốt sản xuất để tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại

2019-10-03 09:02:17 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) vì chiêu trò gian lận xuất xứ của các nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Nếu không có biện pháp ngăn ngừa thị hệ lụy sẽ rất khủng khiếp.

Với việc mở cửa thị trường theo tiến trình hội nhập, các biện pháp PVTM được coi là công cụ hữu hiệu và phù hợp thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp (DN) nội địa đứng vững trước hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh từ hàng hóa giá rẻ nước ngoài.

Tuy nhiên, công cụ này vẫn chưa được các DN Việt Nam nhận thức một cách thấu đáo về bản chất, mục đích và cách thức áp dụng, dẫn tới việc sử dụng bị động và chưa hiệu quả, thiếu hợp lí trong tự vệ và PVTM tại “sân nhà”.


Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Nguồn: Internet


Kết quả khảo sát mới đây về mức độ hiểu biết của DN về PVTM đối với hàng hoá nước ngoài do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, rất ít DN Việt Nam sử dụng công cụ này. Theo đó, trong số các DN tham gia khảo sát, 15,09% không biết, 63,21% có nghe nói nhưng không biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu qua và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kĩ về PVTM.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát chỉ ra một thực trạng là DN Việt Nam vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để kiện còn rất hạn chế và đặc biệt, không có khả năng tập hợp bằng chứng. Theo đó, có tới 41% số DN được khảo sát cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện PVTM. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, điều này đã phản ánh một bức tranh đáng lo ngại về mức độ hiểu, biết, khả năng thực hiện các biện pháp phòng vệ của DN Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), bên cạnh việc nhận thức hạn chế về sử dụng các công cụ PVTM, đa số DN Việt Nam có tâm lí lo lắng chi phí liên quan tới việc kiện tụng đắt đỏ, phức tạp và nhất là nhiều khả năng thua kiện nên không muốn va chạm, khởi xướng kiện tụng.

Ở chiều ngược lại, nếu sự nhận thức và tính toán của các DN còn thiếu thấu đáo, kĩ lưỡng thì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ cũng sẽ khó mang lại kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, đã từng có những bài học đắt giá từ sự thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng trong tập hợp bằng chứng để khởi xướng phòng vệ của các DN, dẫn tới không những không đạt được mục tiêu mà còn mang lại hệ quả trái mong muốn. Vụ việc Việt Nam khởi xướng áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi xây dựng vào năm 2009 có thể coi là một trường hợp điển hình.

Sự việc bắt nguồn từ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu (NK) vào Việt Nam do Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG), vốn là 2 DN chiếm hơn 90% tổng sản lượng kính nổi sản xuất tại thị trường trong nước, đứng nguyên đơn.

Sau 7 tháng điều tra, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Nguyễn Phương Nam cho biết, tại kết luận cuối cùng, sự gia tăng NK sản phẩm kính nổi không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, vụ việc chấm dứt mà không có bất kì một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa NK. Theo ông Nam, đây là một bài học đắt giá cho các DN Việt Nam trong những động thái ứng xử liên quan tới việc kiện tụng và khởi xướng các biện pháp phòng vệ đối với nước ngoài.

Việc khởi xướng và áp dụng biện pháp phòng vệ là quyền lợi chính đáng được WTO cho phép nhằm giúp các quốc gia thành viên có công cụ để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng NK nước ngoài. Tuy nhiên, PVTM chỉ có thể mang lại hiệu quả tích cực nếu được sử dụng hợp lí, công bằng. Nếu các biện pháp này được sử dụng bởi những DN ở vị thế thống lĩnh thị trường, với những toan tính đi ngược lại tinh thần tự do thương mại sẽ cản trở sự cạnh tranh lành mạnh và áp đặt, duy trì sự độc quyền.

Minh chứng cho quan điểm trên là câu chuyện về sử dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng thép NK tại Việt Nam. Theo TS. Ngô Trí Long, việc đề xuất áp dụng biện pháp phòng vệ cần đi cùng với nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện đúng như cam kết của DN trong việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh, thích nghi, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất trong nước để đứng vững trong bối cảnh hội nhập, không phải là nhân cơ hội để nâng giá, tranh thủ kiếm lợi ngắn hạn.

Ở góc độ luật pháp, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống quy định liên quan. “Các văn bản pháp luật trong PVTM cần được đối chiếu, rà soát sao cho phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan… Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về PVTM Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, ông Thắng cho biết.

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, một số mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã bị một số thị trường công bố điều tra áp biện pháp PVTM nhằm chống tình trạng lẩn tránh, gian lận xuất xứ.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, các thị trường NK nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng đủ các điều kiện chuyển đổi đáng kể tại Việt Nam theo qui tắc xuất xứ, vì vậy tiến hành điều tra. Trong giai đoạn 2000-2016, đã có 15 vụ điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa XK của Việt Nam. Giai đoạn này, tính ra trung bình 1 vụ/năm. Tuy nhiên, đến năm 2017 và 2018, số lượng vụ việc tăng lên, mỗi năm đã có 3 vụ được tiến hành khởi xướng điều tra.

Theo số liệu thống kê của ngành Công Thương tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PVTM 7 tháng đầu năm và kế hoạch, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương cho biết từ đầu năm tới nay, Bộ đã xử lí 7 vụ việc PVTM khởi xướng với hàng XK của Việt Nam, đồng thời vẫn tiếp tục xử lí 7 vụ việc khởi xướng diễn ra từ năm 2018, xử lí 4 vụ việc rà soát, xử lí 3 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO.

Theo Bộ Công Thương, với tình hình hiện tại, thì xu hướng khởi kiện để điều tra sẽ được các thị trường gia tăng áp dụng. Bởi lẽ, Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư, cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM hiện nay đang gia tăng.

Tại hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhấn mạnh rằng, nếu không có các biện pháp tích cực để xử lí vấn đề lẩn tránh bấp hợp pháp biện pháp PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ thì có thể ảnh hưởng đến các DN, ngành hàng, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới “sức khỏe” cạnh tranh của cả nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, các mặt hàng đều có nguy cơ bị áp dụng các hình thức PVTM.

Để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, từ năm 2017 Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan có liên quan như hải quan, VCCI... để tăng cường kiểm tra, theo dõi. Phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Tích cực tuyên truyền phổ biến các qui định về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; thường xuyên nghiên cứu, thông tin cho DN những thay đổi pháp lí liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc như lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời XK sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men... Sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lí; đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra.


Thép là ngành hàng điển hình thường xuyên phải đối diện với những vụ kiện phòng vệ thương mại


Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 về ban hành Đề án “Tăng cường quản lí nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), cho biết, sau khi đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2094A/QĐ-BCT ngày 15/7/2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, ban hành Quyết định số 2092/QĐ-BCT ngày 12/7/2019 thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ hàng hóa; yêu cầu các Cục Quản lí thị trường tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh và gian lận xuất xứ...

Với hàng loạt các hành động như vậy mục tiêu hướng tới có thể ngăn chặn các hành vi lợi dụng danh nghĩa Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp PVTM của một số nhà đầu tư nước ngoài. Như phân tích của Bộ Công Thương, thời gian qua đã có hiện tượng khi bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp sản xuất một số nước chịu ảnh hưởng đã tìm cách tránh việc chuyển sản xuất sang một nước khác không bị áp PVTM. Tuy nhiên, do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, nên Việt Nam là một trong những địa chỉ được chọn lựa để dịch chuyển sản xuất. Việc tiếp nhận thêm đầu tư giúp cho nền kinh tế nhưng cũng tiền ẩn nhiều rủi ro./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...