Khơi thông tín dụng tăng trưởng bền vững

2019-03-17 19:42:56 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng là một trong những đích quan trọng mà ngành Ngân hàng tiến tới để đạt được những cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng tài chính quốc tế.

Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phải phát triển các định chế tài chính để có thể lấp đầy các khoảng trống trên thị trường tài chính. Điển hình như các công ty tài chính, các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và các tổ chức tài chính vi mô. Những định chế tài chính này đã được NHNN quan tâm phát triển để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, giảm vấn nạn tín dụng đen.


Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen


Từ tạo lực bẩy cho chuỗi giá trị nông nghiệp

Việc mở rộng cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014, trong đó có yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Sau khi có Nghị quyết, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN khảo sát các mô hình liên kết tại 8 địa phương để xây dựng chính sách cho vay thí điểm. Theo đó, NHNN đã ban hành hướng dẫn cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế cho vay đặc thù trong thời gian 2 năm. Đơn cử như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm ngắn hạn. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm ngân hàng có thể cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về việc chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định đã quy định chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay với mục tiêu thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Cụ thể, các DN, HTX, liên hiệp HTX tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa tới 80% giá trị của dự án. Trường hợp các DN đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, xóa nợ.

Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 trong đó có các điểm nổi bật nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ. Liên quan đến chuỗi liên kết có quy định quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong nông nghiệp. Điều này đã cho thấy sự quyết tâm của Nhà nước trong việc phát triển mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị tại Việt Nam.

Mô hình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị đã giải quyết bốn vấn đề lớn sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Thứ nhất, gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân và DN, chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như rủi ro, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai, giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, về việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn sản xuất do ngân hàng quản lý được dòng tiền. Thứ ba, các DN trong nước không phải lo nguồn nguyên liệu đầu vào, dành thời gian tìm kiếm thị trường, chủ động đàm phán với DN nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh giúp các DN của Việt Nam, có điều kiện phát triển ổn định, bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu. Thứ tư, đối với người nông dân yên tâm sản xuất vì nông sản đã có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định, có lãi.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp vấp phải một số khó khăn. Chuỗi giá trị nông nghiệp hiện vẫn chưa hoạt động hiệu quả, xứng tầm với vai trò của chuỗi. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 300 trong tổng số 700 chuỗi giá trị nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trình độ chế biến sâu còn hạn chế, đem lại giá trị gia tăng thấp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế hạn chế. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… nhưng thiếu cơ chế dự phòng xử lý rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi. Việc ký kết hợp đồng thay vì thoả thuận bằng miệng và cam kết thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, việc tuân thủ hợp đồng nông nghiệp của các đơn vị trong chuỗi giá trị còn bất cập, thường xuyên xuất hiện tình trạng “bẻ kèo”, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và DN. Điều này ảnh hưởng đến việc cấp vốn tín dụng của ngân hàng khi triển khai mô hình tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp.


Hình ảnh tại Hội nghị Chuyên đề “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại VN”


Trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp, HTX có vai trò như đơn vị liên kết với hộ nông dân và DN. Với vai trò mắt xích, liên kết trong chuỗi giá trị nhưng HTX lại gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay theo mô hình liên kết. Nguyên do hầu hết các HTX chưa có đất để canh tác mà sử dụng đất sản xuất của xã viên tham gia vào HTX nên không có tài sản riêng làm tài sản bảo đảm khoản vay. Đồng thời, công tác báo cáo thống kê của HTX chưa thể hiện được sự minh bạch thông qua việc xây dựng và lập báo cáo tài chính…

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc liên kết theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp cả về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, vốn, lãi suất, thị trường đầu ra… Các chính sách này được triển khai đồng bộ mới thu hút đơn vị trong chuỗi, nhất là các hộ dân tham gia. Riêng đối với DN, việc đầu tư đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất vào hoạt động nuôi trồng và chế biến nông nghiệp thường có chi phí lớn. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thuế ưu đãi đối với các DN triển khai thực hiện các mô hình chuỗi giá trị như: ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... khuyến khích các DN mở rộng đầu tư, đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất. Từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Công tác quy hoạch cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi giá trị. Do đó, việc hoàn thiện công tác quy hoạch vùng nuôi trồng và vùng sản xuất nông sản theo hướng rà soát và điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, dự báo thị trường của từng mặt hàng nông sản thương phẩm… là những việc cần làm trong thời gian tới. Các nhà máy, cơ sở chế biến phải có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của đơn vị phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, tình trạng mất cân đối cung cầu mới được giải quyết. Đồng thời, quy hoạch hiệu quả sẽ giúp hình thành nên vùng nuôi trồng và sản xuất ngành nông sản tập trung, nâng cao được sự gắn kết giữa các đơn vị trong chuỗi và hiệu quả hóa lợi ích từ cơ sở hạ tầng.

Nhà nước cũng cần có cơ chế bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng dễ tiếp cận hơn theo hướng xây dựng quy trình về chính sách, đối tượng, hệ thống giá bảo hiểm hợp lý theo hướng thiết kế chính sách, khung giá cần phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế khuyến khích các DN có tiềm lực tham gia lĩnh vực này bên cạnh các công ty bảo hiểm.

Cuối cùng, sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của chuỗi giá trị ngành nông sản và chất lượng nguồn vốn tín dụng được đưa vào chuỗi đó. Vai trò của chính quyền trong giám sát, hỗ trợ sẽ đưa mối liên kết giữa DN và các hộ dân tham gia liên kết chặt chẽ hơn, chống lại những tin đồn thất thiệt về nông sản Việt Nam, tăng quyền tự chủ giá bán trên thị trường. Từ đó, hiệu quả của nguồn vốn ngân hàng trong chuỗi giá trị sẽ đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Đến tín dụng hỗ trợ nhà xuất khẩu

Cuối tháng 1/2019, SHB tung ra sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu. Với sản phẩm này, ngân hàng sẽ nắm giữ bộ chứng từ xuất khẩu và thực hiện thu tiền từ bên thứ 3. Theo SHB, đây cũng là một hình thức cấp tín dụng, bởi ngân hàng sẽ thực hiện ứng tiền trước cho DN xuất khẩu thông qua việc mua lại bộ chứng từ xuất khẩu chưa đến hạn thanh toán của DN. Việc áp dụng tỷ lệ thanh toán 98% giá trị trên chứng từ và thời gian chiết khấu kéo dài 6 tháng sẽ là cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu kịp thời bổ sung vốn lưu động và tăng vòng quay vốn.

Không chỉ SHB, hiện nay hàng loạt NHTM như: HDBank, TPBank, VPBank… cũng đang áp dụng hình thức tài trợ DN xuất khẩu thông qua sản phẩm cho vay chiết khấu bộ chứng từ. Tại TPBank các DN xuất khẩu được ngân hàng áp dụng hình thức thế chấp lô hàng hình thành từ phương án mở L/C với tỷ lệ 95%. Bên cạnh đó, DN được ngân hàng hỗ trợ phát hành tất cả các loại L/C với tỷ lệ ký quỹ từ 0% - 15%.

Không chỉ vậy các DN chế biến hàng xuất khẩu từ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu còn được hỗ trợ thông qua giải pháp thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS) mà TPBank đang triển khai này và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía DN xuất nhập khẩu vì nó giúp DN thanh toán trước cho người thụ hưởng bằng ngoại tệ với lãi suất thấp mà vẫn được hưởng thời gian trả chậm tối đa lên tới 360 ngày, đồng thời giảm bớt sức ép về ngoại tệ và tiết kiệm chi phí cho DN. Riêng đối với DN thu mua nguyên liệu trong nước, TPBank hiện đang tung ra một gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất. Theo đó, các DN có thể vay vốn thấp hơn 1% so với mức lãi suất thông thường để thu mua hàng hóa chế biến xuất khẩu.

Ở HDBank, tình hình cũng diễn biến tương tự. Ngân hàng này ngoài việc tiếp tục triển khai các sản phẩm nhận đảm bảo bằng chứng thư xuất khẩu còn cam kết đưa ra một gói tín dụng trị giá 10.000 tỷ đồng. Với gói tín dụng này, HDBank áp dụng mức lãi suất thấp hơn 1% lãi suất thông thường và chấp nhận tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay tối đa 80% trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, để chia sẻ đặc thù kinh doanh của từng lĩnh vực ngành nghề, HDBank cũng xây dựng các chương trình xuất khẩu kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt. Trong đó, có những giải pháp tài chính dành riêng cho các DN ngành điều và ngành lúa gạo với khá nhiều ưu đãi.



Trong bối cảnh các NHTM đồng loạt đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tài chính xuất khẩu, ghi nhận từ chính các DN xuất khẩu tại nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày và nông thủy sản, hầu hết các ý kiến đều khá lạc quan với kế hoạch kinh doanh trong năm 2019.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, ngay trong những tháng đầu năm, lượng hàng trái cây xuất khẩu đi Mỹ của DN này đã đạt khoảng vài chục tấn. Nhờ sự tài trợ vốn từ các TCTD bên cạnh các giải pháp thanh toán thương mại, đơn vị đã có đủ nguồn lực hoàn thiện nhà máy dừa tươi tại Bến Tre với tổng công suất 25 triệu trái/năm. Nếu tình hình tiếp tục khả quan, kế hoạch tăng trưởng 2 con số trong năm 2019 của Vina T&T Group là hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó, ở lĩnh vực thủy sản hầu hết các DN cỡ lớn (như Vĩnh Hoàn, Cửu Long) đều nhận định rằng với sự ổn định dòng tiền và nguồn đơn hàng như hiện tại thì việc đạt mục tiêu kinh doanh 2019 sẽ dễ dàng. Thậm chí một số DN đang thua lỗ, từng phải tính đến các phương án thanh lý tài sản để trang trải các khoản nợ ngân hàng như Thủy sản An Giang, Thủy sản Hùng Vương… hiện nay cũng đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Các khoản chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá đã bắt đầu có xu hướng nhỏ dần trong bảng cân đối tài chính.

Ở lĩnh vực dệt may diễn biến cũng đang khá thuận lợi. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin rằng, kết thúc tháng 1/2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đã đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, hầu như không có DN nào chịu thiệt khi phải chịu hoán đổi chênh lệch tiền tệ. Theo phản ánh của các DN dệt may, hiện lãi suất vay USD ngắn hạn ở mức 2,8% - 4,7%/năm, vay dài hạn ở mức 4,5% - 6,0%/năm. Đây là mức chấp nhận được. Nhất là hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn đang thực hiện cho vay ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên liệu (với các DN có đủ nguồn ngoại tệ thu về từ đơn hàng xuất khẩu để trả nợ). Nhiều DN nhận định rằng, nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá VND/USD không quá biến động thì đa số các DN không phải quá lo lắng về chi phí lãi vay mà chỉ cần tập trung tranh thủ các đơn hàng là có thể đảm bảo kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...