Ngân hàng "chạy đua" tăng vốn

2019-03-15 09:17:28 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Năm 2019, áp lực tăng vốn rất lớn đối với các ngân hàng, khi mà Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020. Để giải quyết tình thế, một số ngân hàng chọn phương án giữ lại lợi nhuận.

Tỷ lệ CAR giảm mạnh

Thời điểm áp dụng Basel 2 (phương pháp tiêu chuẩn) cho các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được xác định từ năm 2020 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Trước mắt có 10 ngân hàng thí điểm gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MaritimeBank, Sacombank và VIB) có thể sẽ hoàn tất sớm hơn. Hiện tại, Vietcombank, VIB và OCB đã được NHNN chấp thuận việc áp dụng từ năm 2019. Các ngân hàng còn lại trong chương trình thí điểm Basel 2 kỳ vọng sẽ nộp đơn đăng ký áp dụng sớm trong năm 2019.

Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống ngân hàng đã giảm do khả năng tăng vốn tự có hạn chế, trong khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế rất cao. Đây là một thách thức đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng thương mại nhà nước phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

Theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước cuối tháng 11/2018 chỉ còn 9,33%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%.

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) thừa nhận, nếu không tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel 2, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng được. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là câu chuyện nợ xấu, mà là tăng vốn. Theo yêu cầu, mỗi năm khu vực ngân hàng cần bổ sung khoảng 3-4 tỷ USD vốn, nhưng thực tế mới chỉ đạt được một nửa số này. Đặc biệt ở khối ngân hàng nhà nước gồm: Agribank, BIDV, VietinBank đang tương đối khó khăn trong việc tăng vốn, nên Chính phủ cần đưa ra một lộ trình tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột của nền kinh tế, của chính sách công nghiệp hóa nói chung.


Áp dụng Basel II khiến ngân hàng ‘chạy đua’ tăng vốn. Ảnh minh họa

Theo ông Nghĩa, phương án cho phép giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ phù hợp, bởi đây là nền tảng quan trọng giúp cho ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, gia tăng khả năng sinh lời trong tương lai. “Hình thức này tạo sức ép đối với các cổ đông phải có trách nhiệm hơn đối với ngân hàng, nhưng về lâu dài, cổ đông sẽ là người được hưởng lợi”, ông Nghĩa chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết: “Việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là điều đặc biệt cấp bách”. Theo ông Thọ nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước.

Để giải quyết tình thế, một số ngân hàng đã chọn phương án giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu. VietinBank đã kiến nghị lên Thủ tướng phương án tăng vốn trước mắt là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nay đến năm 2020 thay vì buộc phải chia bằng tiền mặt như yêu cầu trước nay của Bộ Tài chính.

Thuận lợi hơn so với VietinBank, vào cuối tháng 1 vừa qua, Vietcombank đã hoàn tất việc tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ đồng bằng phương án bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư Mizuho (Nhật Bản) và 2,55% cổ phần cho nhà đầu tư GIC (Singapore).

Theo đó, nội dung tăng vốn sẽ tiếp tục được thông qua trong cuộc họp ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 tới. Có thể, Vietcombank tiếp tục thực hiện tăng vốn qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ do tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại vẫn còn dung lượng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ không bỏ lỡ phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tăng vốn không chỉ là vấn đề khó khăn đối với các ngân hàng quốc doanh, mà một số NHTM cổ phần cũng xin giữ lại lợi nhuận. Điển hình như VPBank vừa xin ý kiến cổ đông thông qua tổng lợi nhuận chưa phân phối của năm 2018 sau khi trích các quỹ hơn 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank. Dự kiến, phương án này sẽ được trình cổ đông trong ĐHCĐ sắp tới.

Theo một chuyên gia, trong thời gian tới, khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn cũng tăng lên mạnh, các ngân hàng bắt buộc phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Do đó, việc tăng vốn không chỉ đáp ứng quy định chuẩn Basel 2 mà còn là “giấy thông hành” để NHNN nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư bên ngoài, bởi đầu tư vào ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng cao thì lợi nhuận thu được cũng sẽ cao hơn.

Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết

Trong báo cáo đánh giá về ngân hàng Việt Nam vừa công bố, Hãng xếp hạng tín nhiệm Mood’s cho rằng, hầu hết ngân hàng Việt sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel 2, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Dù “sức khỏe” tài chính đã được cải thiện, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút các khoản đầu tư tư nhân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong việc tăng vốn năm 2019. Đặc biệt, với nhóm ngân hàng quốc doanh, tăng vốn đang là bài toán khó cần lời giải.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải đánh giá, mặc dù khả năng sinh lời và chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại. Chia sẻ quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ trở nên rất khốc liệt trong năm 2019 khi mà thời điểm phải áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN với quy định về tỷ lệ an toàn vốn khắt khe theo chuẩn Basel 2 đang đến gần. Nếu không đảm bảo đủ vốn, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng được tín dụng. Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở bởi với việc vốn điều lệ gần như không thay đổi trong hai năm qua, theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống TCTD, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM nhà nước cuối tháng 11/2018 chỉ còn 9,33%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%.

Trong nhóm này, đáng lo hơn là VietinBank khi mà hệ số CAR của ngân hàng này đang ở gần mức tối thiểu. Cũng chính bởi vậy mà theo Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ, từ tháng 9/2018 tới nay ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng. “Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước. Đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện thì nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cũng tăng lên mạnh. Từ đó, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng lớn tới nguồn thu NSNN do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là điều đặc biệt cấp bách”, ông Thọ nhấn mạnh.

Với BIDV thì vẫn còn cửa là tìm được đối tác chiến lược, tuy nhiên lãnh đạo BIDV cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất. Nếu thương vụ này thành công sớm sẽ đưa BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel 2. Còn chậm trễ, có thể ngân hàng này khó triển khai Basel 2 theo đúng lộ trình.

Agribank do chưa thực hiện cổ phần hóa, lại không được bổ sung vốn từ ngân sách nên hiện tại vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ ở mức 30.470 tỷ đồng. Sự dậm chân tại chỗ này đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 NHTM Nhà nước. Lãnh đạo Agribank kiến nghị nếu không được bổ sung vốn điều lệ, thời gian tới ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới khả năng mở rộng cấp tín dụng cho nền kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn. Giải quyết tình thế cho mình, cuối năm 2018, ngân hàng này cũng buộc phải phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. “Trong thời gian chờ đợi xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng, Agribank phát hành trái phiếu dài hạn, tăng vốn cấp II để chủ động cân đối đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN”, lãnh đạo Agribank cho hay.

Ở thế không còn nhiều lựa chọn như các ngân hàng khác, phương án khả thi nhất giúp VietinBank có tăng vốn là được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì luôn phải trả bằng tiền mặt. Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ kiến nghị, NHNN, Chính phủ chấp thuận phương án cho phép ngân hàng được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020. Đồng thời, cho phép VietinBank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình với phương án cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. “Hình thức trên tạo sức ép đối với các cổ đông có trách nhiệm hơn đối với ngân hàng thông qua việc tăng vốn cũng như lộ trình thực hiện Basel 2. Bởi đây là nền tảng quan trọng giúp cho ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, gia tăng khả năng sinh lời trong tương lai. Theo đó, người hưởng lợi chính là các cổ đông”, TS. Nghĩa nhìn nhận. Tuy nhiên, quyết sách này có thể sớm thông qua hay không còn phụ thuộc vào sự quyết liệt của Chính phủ cũng như việc các bộ, ngành sớm tìm được tiếng nói chung thì hành trình tăng vốn của hệ thống ngân hàng mới được hiện thực hóa.

Áp lực đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về vốn khi thời điểm áp dụng Basel 2 cận kề đang đè nặng các ngân hàng. Tăng vốn sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận tại các ĐHCĐ ngân hàng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho NHTM cổ phần Quốc dân (NCB). Tổng số lượng cổ phiếu chào bán trong đợt phát hành tới của NCB là 199,44 triệu đơn vị. Trong đó, ngân hàng chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu và phát hành cho cán bộ công nhân viên 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 1.994,4 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NCB hiện đạt 3.010,2 tỷ đồng, nếu đợt phát hành thành công sẽ nâng lên hơn 5.000 tỷ đồng.
  
Vào ngày 28/3 tới, NHTM cổ phần LienVietPostBank sẽ tiến hành ÐHCĐ thường niên năm 2019 tại TP.HCM. Ngoài các nội dung như báo cáo tình hình hoạt động năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận, LienVietPostBank sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và chuyển sang niêm yết trên HOSE.

Năm ngoái, ÐHCĐ LienVietPostBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 287 triệu cổ phiếu LPB cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, kế hoạch đã không thành công và đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của ngân hàng này mới chỉ ở mức 7.500 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 1.213 tỷ đồng, giảm 31,4% so với năm 2017, nhưng vượt mục tiêu đề ra (1.200 tỷ đồng).

Vietcombank cho biết sẽ tổ chức ÐHCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26/4. Một trong các nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp lần này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019. Cuối năm 2018, ngân hàng này đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cổ phần cho Ngân hàng Nhật Bản Mizuho và Quỹ GIC từ Singapore. Thương vụ này giúp Vietcombank huy động được 6.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phiếu đã phân phối chỉ bằng 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Ðối với việc tăng vốn năm 2019, có thể Vietcombank sẽ thực hiện tiếp đợt phát hành riêng lẻ hoặc sẽ trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank tính đến năm 2018 đạt 19.438,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không dễ.

Thực tế không chỉ Vietcombank mà nhiều ngân hàng có vốn nhà nước khác như VietinBank, BIDV đều luôn đề cập đến bài toán tăng vốn. Một trong các nội dung được đề xuất là cho phép các ngân hàng được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như các năm qua, song điều này không dễ thực hiện do yêu cầu thu cổ tức bằng tiền từ cơ quan nhà nước.

Thời điểm đáp ứng chuẩn về Basel 2 đang đến gần và lộ trình NHNN đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12-15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel 2. Theo đó, yêu cầu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống đẩy áp lực phải sớm tăng vốn của các ngân hàng ngày càng lớn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000-5.000 tỷ đồng.

Theo Hội đồng quản trị VietBank, ngân hàng đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu lên thị trường UPCoM và sẽ giao dịch cổ phiếu trên thị trường này trong vòng 1 năm sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ với mã cổ phiếu là VBB. VietBank vừa phát hành thêm 100,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trước khi chuẩn bị lên UPCoM.

Còn TPBank ngày 10/12/2018 đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ Ngân hàng dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng. Ðể tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bài toán thu hút vốn ngoại được nhiều ngân hàng tính tới, trong đó không ngoại trừ các ngân hàng gốc quốc doanh. Nam A Bank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có phương án hút thêm vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. BIDV cũng hé lộ kế hoạch chào bán 603 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank.
  
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTM cổ phần Phương Ðông (OCB) cho biết, OCB sẽ chốt bán cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2019. Cổ đông ngoại tại OCB hiện chỉ có VinaCapital (chiếm tỷ lệ 5% cổ phần). Hiện OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết.

Thực tế trong mùa ÐHCĐ 2019, các ngân hàng tiếp tục mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và hút thêm vốn ngoại, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel 2 đang cận kề. Tuy nhiên, trước điều kiện thị trường hiện nay, để huy động được nguồn vốn lớn không hẳn dễ dàng đối với các ngân hàng, nên nhiều ngân hàng có thể sẽ phải tính tới phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, năm 2020 sẽ là thời điểm tất cả các ngân hàng tại Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn Basel 2, đặc biệt là các quy định về vốn. Tuy nhiên, hiện mới có 3 ngân hàng hoàn tất triển khai và áp dụng chuẩn trên là Vietcombank, VIB và OCB.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cổ phần cho biết, kết quả kinh doanh khả quan năm qua sẽ là cơ sở để ngân hàng tăng mức cổ tức chi trả so với một năm trước đó. Tuy nhiên, cổ tức được chi trả vẫn chủ yếu bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2.

Theo thông tin từ ACB, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức 2018 ở mức 30% bằng cổ phiếu. Nhiều ngân hàng khác như MB, VPBank, OCB… cũng có kế hoạch trả cổ tức 2018 bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn. Với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Nam A Bank, VietBank, Viet Capital Bank, Kienlongbank, NCB, VietA Bank, BacA Bank…, vấn đề tăng vốn càng được quan tâm và phương thức chủ yếu vẫn là trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Lâu nay, tăng vốn điều lệ là vấn đề nan giải đối với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, vì nhiều nguyên nhân. Theo lãnh đạo VietinBank cho biết, tăng vốn đang là việc rất cấp bách đối với Ngân hàng, nên VietinBank đã xin phép NHNN được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020. Do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã tới mức tối thiểu từ tháng 9/2018 tới nay, nên ngân hàng này không thể tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2018, hoạt động tín dụng của VietinBank chỉ tăng trưởng 6,1%, riêng quý IV/2018 giảm hơn 26.000 tỷ đồng vì không tăng được vốn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến VietinBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 từ mức 10.800 tỷ đồng xuống 7.600 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, Vietinbank đạt 9.500 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng vấn đề cổ tức vẫn chưa được tiết lộ, mà phải đợi đến kỳ họp ĐHCĐ gần nhất.


BIDV vừa công bố phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng để tăng vốn hoạt động.


Còn Chủ tịch HĐQT BIDV, Phan Đức Tú đã đề nghị cơ quan quản lý tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất. Trước đó, BIDV đã được Chính phủ chấp thuận đề án phát hành 17,65% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc với tư cách là đối tác chiến lược để tăng thêm vốn, đáp ứng quy định về CAR. Về kế hoạch chia cổ tức, lãnh đạo nhà băng này cho biết chưa thể tiết lộ.

Còn Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, ngân hàng đã hoàn thành việc phát hành riêng lẻ cho GIC Private Limited - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd - một trong những định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản, thu về 6.200 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên 37.100 tỷ đồng, tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Chuẩn mực Basel 2.

Trên thực tế, tăng vốn là vấn đề cấp bách đối với các ngân hàng nói chung và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối nói riêng, trong đó việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là phương án khả dĩ. Tuy nhiên, do phương án này phụ thuộc vào NSNN nên cần được tính toán kỹ lưỡng. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, việc tăng vốn là quan trọng, song nguồn vốn tăng thêm cần phải minh bạch để tránh tình trạng sở hữu chéo tái tăng.

Định hướng chính sách là tạo cơ chế thông thoáng để các ngân hàng tăng được vốn, đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2 theo lộ trình. Tuy nhiên, tính đến nay, toàn hệ thống mới có 3 ngân hàng hoàn thiện việc triển khai và áp dụng chuẩn Basel 2, còn các NHTM khác đang gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn, trong khi thời hạn áp dụng đã ở trước mắt.

Theo một nguyên lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, để tăng vốn, mỗi năm hệ thống ngân hàng cần 4 tỷ USD, nhưng 2 năm qua mới thu xếp được hơn 2 tỷ USD.

Các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, vẫn đang “chật vật” trong việc tăng vốn. Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đưa ra một lộ trình tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột của nền kinh tế./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...