Ngân hàng sẵn sàng cho hệ sinh thái đa chiều

2019-10-24 09:35:36 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Tiên phong trong thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp (DN), hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đang thể hiện vai trò đầu mối trong chuyển đổi số trên thị trường tài chính hiện nay.

Hệ sinh thái đa chiều

Theo kế hoạch chuyển đổi số quốc gia mà Bộ Thông tin Truyền thông đã đặt ra lộ trình thực hiện, trong những sắp năm tới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển khoảng 50.000 DN công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) với 4 loại hình, tầng bậc để tạo dựng nền tảng, không gian số.

Cụ thể, bên cạnh nhóm 10-20 DN công nghệ lớn làm nghiên cứu phát triển và đầu tư hạ tầng ICT, các bộ, ngành, địa phương sẽ phát triển nhóm các DN công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gia công phần mềm để chuyển sang làm nền tảng thiết kế web (platforms), tập trung vào sản xuất sản phẩm số có thể đưa ngay vào thị trường. Các DN công nghệ khởi nghiệp, các mô hình đổi mới sáng tạo cũng sẽ được huy động để tập trung tư vấn, chuyển giao, áp dụng công nghệ số ở tất cả các lĩnh vực.


Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, Sacombank, ABBank và TPBank là 7 ngân hàng tiên phong chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa.


Với lộ trình số hóa như trên, hẳn nhiên hệ thống NHTM sẽ là những đầu mối kết nối tiên phong trong việc đưa các ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn. Bởi cho đến hiện tại, tài chính – ngân hàng (NH) là lĩnh vực mà quá trình số hóa đã có những bước tiến nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Hiện nay, hầu hết các TCTD đều đã bước qua giai đoạn thứ nhất là số hóa các quy trình nội bộ và các hoạt động, dịch vụ NH hiện hữu. Nhiều NHTM đã và đang tập trung vào giai đoạn 2 với việc phát triển các mô hình kinh doanh mới bằng cách mở rộng kênh giao tiếp, tiếp cận khách hàng.

Quan sát cho thấy những ứng dụng số chú trọng đến tương tác và kết nối sâu vào hệ thống quản trị dòng vốn DN mà các NH đang thực hiện như: MB App Business & eMB new, OCB Omni, BIDV iBank, VIB Virtual Account… hiện đã được hàng trăm ngàn DN tích hợp và sử dụng. Vì vậy, khi các DN ICT lớn như FPT, Viettel, VNPT… và các DN nhóm sản xuất phần mềm, ứng dụng đưa ra ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ thì con đường nhanh nhất để đưa các ứng dụng này vào vận hành trong nền kinh tế là thông qua nền tảng NH số có sẵn mà các NHTM đã chi tiền tỷ đầu tư.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng việc tích hợp không gian số giai đoạn thứ 3 của các NHTM sẽ có cơ hội bứt phá nhờ các liên kết đa chiều giữa DN ICT – NH – Fintech và DN sản xuất, kinh doanh. Khi đó, hệ sinh thái số cho phép khách hàng thực hiện nhiều loại giao dịch trên cùng một phần mềm ứng dụng sẽ phổ biến. Các NH, từ vai trò tài trợ tín dụng thuần túy sẽ chuyển dần sang làm kênh truyền dẫn, kết nối không gian số, vừa cung ứng dịch vụ tài chính vừa xây dựng, tận dụng dữ liệu đa chiều để triển khai các nghiệp vụ tư vấn quản lý tài chính và các nghiệp vụ NH đầu tư.

QR Code và cuộc đua của các NH

Chỉ cần một chiếc smartphone và qua thao tác quét QR Code, vài giây sau là người dùng đã có thể hoàn tất thanh toán mặt hàng tại cửa hàng hay mua hàng trực tuyến một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đây là tính năng nổi trội trong thanh toán bằng QR Code hiện đang được nhiều người dùng Việt Nam chọn lựa. Để đáp ứng nhu cầu người dùng, thời gian qua các NH cũng như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian tích cực phát triển loại hình thanh toán này.

Theo cập nhật mới nhất, tổng số các tổ chức tài chính tham gia vào mạng lưới thanh toán QR Code tại thị trường Việt Nam lên 24 NH và 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code. Toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Riêng trong quý I/2019 đã có thêm 3 NH triển khai thanh toán QR Pay là BacABank, MB và OCB.

Là một trong những NH đi tiên phong phát triển công nghệ này, ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc TPBank đánh giá, thanh toán tăng rất mạnh và đang trở thành xu hướng thanh toán mới. TPBank đã phát triển được trên 30.000 điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code. Linh hoạt, thuận tiện, dễ dàng sử dụng, khách hàng của TPBank chỉ cần tải QuickPay và quét mã QR là thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, ngoài ra có thể nạp tiền hay chuyển tiền rất đơn giản. Thậm chí, người dùng còn có thể nhờ người khác thanh toán hộ bằng cách chỉ cần cung cấp mã hóa đơn của mình hoặc đơn giản nhất là chụp ảnh mã QR Code được in trên hóa đơn và gửi cho người quen để thanh toán. Không chỉ tiện lợi, xét về độ bảo mật, việc sử dụng QR Code không chỉ giảm thiểu tối đa hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc tiền mặt qua 2 lớp bảo mật mà còn thuận tiện trong việc cài đặt.

Với tiện ích và an toàn trong thanh toán của QR Code cũng lý giải vì sao ngày càng nhiều người dân Việt Nam đã chọn lựa hình thức thanh toán này. Không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, các NHTM và công ty trung gian thanh toán thời gian qua đã phối hợp với các điểm bán lẻ hàng hóa dịch vụ để đưa QR Code vào thanh toán bằng các ứng dụng do mỗi tổ chức tự xây dựng và đăng ký với NHNN. Nhiều đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này như các hệ thống Ministop, FamilyMart, Lotte Mart, FPTShop, CGV, KidsPlaza, Phúc Long, Q-mart, Media Mart… Sự kết hợp trên đã giúp cho doanh số thanh toán của các NH tăng lên đáng kể. Lãnh đạo một NH tiết lộ, từ đầu năm đến nay tổng doanh số thanh toán qua phương thức này ước tính bình quân khoảng 200 - 300 tỷ đồng/tháng, tốc độ tăng trưởng trên 20%/tháng, hứa hẹn bổ sung một khoản kha khá vào lợi nhuận của NH. Theo vị này, các giao dịch thanh toán bằng QR Code chủ yếu thanh toán hóa đơn dịch vụ, nhà hàng, taxi, siêu thị, mua sắm online...

Không dừng lại liên kết với các đối tác tại Việt Nam, TPBank vừa ký kết liên thông thanh toán với UnionPay (UPI). Sự hợp tác này, theo ông Chiến, không chỉ giúp du khách dễ dàng thanh toán tại Việt Nam, còn các nhà bán lẻ Việt mở rộng khả năng bán hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận… “Liên kết với những đối tác như UPI, chúng tôi cũng hướng tới, trong tương lai, khách hàng của TPBank đi nước ngoài có thể sử dụng ứng dụng QuickPay để thanh toán bằng QR Code mà không cần thẻ hay tiền mặt”, ông Chiến chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương thức này tại Việt Nam theo giới chuyên môn vẫn là chưa có chuẩn chung về QR Code, gây khó khăn trong việc liên thông thanh toán. Do mỗi NH, tổ chức trung gian thanh toán đưa ra một mã QR Code nên không có sự liên thông thanh toán. Dẫn đến trường hợp khách hàng đang cài ứng dụng của ngân hàng X sẽ không thanh toán được sản phẩm được cài mã QR Code theo tiêu chuẩn của ngân hàng Y. Để giải quyết vấn đề trên, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thời gian tới NHNN thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị trường phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” và sẽ ban hành sớm nhất có thể.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chuẩn chung về mã QR Code rất quan trọng đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu thanh toán qua QR Code. Đây là cơ sở quan trọng để các NH mạnh dạn triển khai thanh toán qua QR Code. “Việc có một chuẩn chung về mã QR Code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau, hướng tới sự liên thông trong thanh toán là rất cần thiết, tiện lợi cho cả khách hàng và NH”, một chuyên gia NH nhận xét và gợi ý thêm giải pháp các NH này cần thông tin rộng rãi các sản phẩm thanh toán phi tiếp xúc đến DN và người tiêu dùng mới có thể thúc đẩy được hoạt động thanh toán bằng mã QR Code. Ngoài sự tham gia của các NH, ví điện tử trung gian cũng cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy DN áp dụng phương thức thanh toán QR Code.

Thanh toán mã QR Code tại Việt Nam dù mới ở bước đầu nhưng hiện tại Việt Nam đang đứng thứ 25 trong danh sách các quốc gia có người dân sở hữu điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới. Do đó, xu hướng thanh toán mã QR Code cũng sẽ bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt khi NHNN ban hành chuẩn chung.

Chủ động kết nối chuyển đổi số

Mới đây, liên minh chuyển đổi số Việt Nam đã chính thức ra mắt với 8 DN công nghệ thông tin lớn trong nước gồm: Viettel, VNPT, FPT, MoibiFone, CMC, BKAV, VNG và Misa. Hệ thống NHTM tuy không có đơn vị nào trực tiếp tham gia vào liên minh này, tuy nhiên từ 2-3 năm trở lại đây, vai trò kết nối hệ thống chuyển đổi số ở nhiều DN đã được các ngân hàng (NH) chủ động làm cầu nối.

Tại các NHTM như: VietinBank, MSB, VPBank… từ giữa năm 2018, các NH này đã chủ động phối hợp với Cty CP Misa để triển khai dịch vụ Kết nối NH điện tử (Misa Bank Hub) tích hợp vào hệ thống kế toán của DN. Việc tích hợp ứng dụng này đã giúp cho bộ phận kế toán của DN tiết kiệm được phần lớn thời gian giao dịch với các NH.


Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của TPBank


Đại diện Misa cho biết, thông qua kết nối với hệ thống các NHTM lớn, hiện đã có hàng trăm DN cài đặt và sử dụng ứng dụng Misa Bank Hub. Các nhân viên kế toán của DN theo đó không phải tốn nhiều công sức để thực hiện các giao dịch NH tại quầy như chuyển tiền, tra cứu số dư, lấy sổ phụ. “Ngay cả khi giao dịch Internet Banking, các DN có tích hợp Misa Bank Hub cũng chỉ cần thực hiện một lần trên một ứng dụng tích hợp mà không cần đi làm lại trên nhiều hệ thống phần mềm. Điều này giảm thiểu rủi ro sai sót và tiết kiệm khá lớn thời gian cho các nghiệp vụ tài chính tại DN”, đại diện Misa cho biết.

Ở các đơn vị đầu mới chuyển đổi số khác như Viettel, FPT, BKAV hoạt động hợp tác với các NHTM để triển khai các ứng dụng số hóa phục vụ quản lý tài chính DN trực tuyến cũng đang diễn ra tương tự. Hiện ứng dụng Bankplus của Viettel đã có 25 NHTM tham gia liên kết và sử dụng như một dịch vụ NH trên di động tiện lợi cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng DN. Khi kết nối dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền mặt, thanh toán các loại hóa đơn kể cả trong ngày nghỉ và không cần phải có kết nối Internet.

Phía Viettel thời gian qua cũng đã chủ động hợp tác toàn diện với hàng chục NHTM lớn như: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank… để triển khai các sản phẩm tích hợp kết nối hệ thống số hóa hỗ trợ DN. Chẳng hạn, với ứng dụng ViettelPay, hiện nay khách hàng của các NHTM như BIDV, VietinBank, BaoVietBank… đã có thể đăng ký mở sổ tiết kiệm, đăng ký khoản vay, gửi tiết kiệm online thông qua tài khoản thanh toán. Hiện ViettelPay cũng đã liên kết với hơn 30 NHTM để kết nối tài khoản khách hàng với hệ thống 200.000 máy ATM phục vụ rút tiền mặt của DN và người dân.

Ở phía FPT việc kết nối không gian số với các NHTM cũng không kém cạnh. Giữa năm 2018, hệ thống thông tin FPT (FPT IS) và VietinBank đã ký kết hợp tác toàn diện. Phía FPT trở thành nhà cung cấp công nghệ thông tin cho VietinBank để triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, gia tăng khả năng tích hợp kết nối khai thác trực tuyến khách hàng của hai bên. Tiếp đó, tập đoàn công nghệ thông tin này cũng đã phối hợp với Vietcombank thử nghiệm triển khai đề án chính phủ số, NH số tại tỉnh Quảng Ninh. Tập đoàn này cũng phối hợp trực tiếp với ShinhanBank tại Hàn Quốc để triển khai hệ thống NH số dành riêng cho các DN FDI có vốn Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...