Người đi mở đất làng Bua

2019-08-16 10:18:53 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Già làng A Dư nhớ lại ngày ấy sao mà lòng ông quặn lại, chỉ mỗi ước mong giản dị là có đủ cơm ăn mà mỗi lúc một xa vời. Hạt lúa sao như cứ biết chạy. Mới gặt lúa gùi về nhà chưa đầy tháng mà trong làng đã có nhiều người đói rồi, đói đến cồn cào gan ruột. Ông trầm tư: “Vẫn biết mỗi ngày buôn làng càng bị dắt sâu vào chỗ tối mà không ai nghĩ được lối ra. May mà từ khi có nông trường, có cán bộ Lợi, có cây cao su. Nhiều người cứ tưởng đó như là một giấc mơ…”
Bây giờ thì cả vùng rừng núi hoang vu ngày trước đã trở thành miền cao su xanh thẳm, đó là nông trường cao su Tân Hưng trù phú. Đi trong miên man giữa rừng cao su đang vào mùa thay lá, nhìn những thân cây đều tăm tắp, những tảng lá non xuộm vàng trong nắng mới, tôi đưa móng tay cứa nhẹ lên vết sẹo giữa thân cây, những dòng nhựa trắng li ti lập tức ứa ra…


Nguyễn Hữu Lợi ( bên trái) hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su

Nghĩ và lo cho “cái bụng” của Dân

Đây đúng là nông trường cao su Tân Hưng thuộc xã Ya Chim, thành phố Kon Tum rồi. Đêm đến, cả vùng này trước đây là rừng núi thì nay đã sáng bừng ánh điện. Tôi thả bộ trên con đường nhựa dẫn vào nông trường, bất chợt gặp già làng A Kyứt, người dân tộc Jơ Rai ở làng Bua, tôi chỉ tay vào một ngôi nhà hai tầng còn sáng điện, hỏi: - “ Thưa bác, nhà ai đó ạ?” - “ Phòng làm việc của thằng Lợi mà, đêm nào nó cũng ngồi đó đến khuya, chắc là lo chuyện làm ăn cho nông trường đó thôi…”

Người mà già làng A Kyứt nhắc đến là Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư chi bộ, Giám đốc nông trường cao su Tân Hưng thuộc Công ty cao su Kon Tum. Ngoài năm mươi tuổi nhưng đã hơn 20 năm anh gắn bó, bám làng, bám đất khai hoang xây dựng nông trường này từ những ngày gian khó. Quê anh ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hai mươi tuổi đi bộ đội vào Tây Nguyên trong quân số của Bộ tham mưu, Binh đoàn Tây Nguyên; rồi ra quân, chuyển ngành làm cao su cho đến bây giờ.

Ở công ty cao su Kon Tum hiện nay có 18 giám đốc nông trường và các đơn vị trực thuộc nhưng Nguyễn Hữu Lợi nổi lên như một cán bộ đầy nhiệt huyết, tận tâm vì công việc, được bà con các dân tộc thiểu số nơi đứng chân tin yêu, quý mến.

Tôi cùng tuổi với Lợi nhưng anh có vẻ cứng cỏi hơn rất nhiều, chính xác là tuổi Đinh Mùi. Gương mặt xạm đen và từng trải, ánh mắt cương nghị, nói năng nhỏ nhẹ đậm thanh âm xứ Nghệ nhưng tỏ ra đúng mực, quyết đoán. Lợi kể cho tôi nghe về những ngày gian khó đầu đời và buổi đầu dấn thân về vùng đất núi rừng này để xây dựng nông trường. Nhớ lại những ngày cơ cực của tuổi xuân khi chân ướt chân ráo từ quân đội chuyển sang làm cao su. Đấy là 2 năm anh phải trực tiếp đi đóng gạch trong đội sản xuất của công ty, rồi làm tổ trưởng tổ bảo vệ của cơ quan. Được thời gian, Lợi được điều về xã Ngọc Bay làm tổ trưởng tổ khai hoang mở đất. Và đến năm 1993, khi mọi người đều không mặn mà với cuộc sống khó khăn là khai hoang, dọn đất, phá rừng ở làng KLâu Ngo, xã Ya Chim để trồng cao su thì Nguyễn Hữu Lợi đã có mặt. Anh nhớ lại: “Mình xung phong thật ông ạ, vì ngày ấy không ai muốn nhận”. Đó là đầu năm 1999. Ông Kso Nơ, dân tộc Jơ Rai, nguyên trưởng làng KLâu Ngo kể: “Ngày ấy, may mà có thằng Lợi, nếu không thì nay chưa chắc đã có cái nông trường này đâu!”. Đúng rồi, vùng đất hoang vu rừng rú này bắt đầu cuộc sống gần như từ một con số không. Đây là vùng đất giáp ranh với xã Ia Phí của huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, là khu dân cư lâu đời của đồng bào dân tộc Jơ Rai.

Trong tâm thức của nhiều người ngày ấy, nhà cất lên chưa ấm hơi người, sốt rét đã hoành hành. Dân quanh vùng thì không có. Cán bộ, công nhân được đưa vào mở đất thì chán nản, vì vừa xa, vừa heo hút quá… Không ít người không cần một sự nghĩ suy, họ chọn câu trả lời đơn giản là tìm cách ra khỏi nơi này mà họ cho là vô vọng.

Được giao trách nhiệm đội trưởng khai hoang, Nguyễn Hữu Lợi cũng dặn vặt lắm, đã có lúc nghe như khẩu lệnh của một thế trận đang vỡ. Anh tâm sự: “Những ngày đầu gian khó ấy, có những đêm nằm một mình giữa thâm u của vùng núi rừng này, anh không sao chợp mắt được. Là đảng viên, đội trưởng và với tư cách là người lính, chả lẽ trong lúc khó khăn này mình lại tính chuyện lùi, từ chối nhiệm vụ Đảng giao hay sao? Phải tin rằng xung quanh mình còn có tổ chức Đảng với nhiều đồng chí trung kiên, trong đó có nhiều người lao động cần cù, đặc biệt là có lớp trẻ. Họ là những người tốt, nếu tin họ thì họ sẽ giúp mình. Đặc biệt, anh nghĩ đến công tác dân vận mà hơn hai năm trong quân ngũ anh đã tích lũy được.

Quả ngọt từ những gian nan

Theo Lợi, muốn thành công thì mình phải dựa vào dân. Thế là Nguyễn Hữu Lợi xắn tay vào việc, lân la tìm đến già làng, những người có uy tín trong cả làng Bua, làng KLâu Ngo, đây là hai làng ở cạnh nông trường với 100% là người dân tộc Jơ Rai. Lúc đầu không ai nghe khi được tuyên truyền về trồng cây cao su. Có người bảo: “Mình không tin, trồng cái cây đấy không đẻ ra lúa, ra bắp đâu”. Nhưng với sự quyết tâm của Lợi, anh đêm ngày không ngơi nghỉ, vận động bà con rồi tạm ứng tiền, trả tiền thỏa đáng cho bà con nếu ai tham gia phát cây, dọn cỏ, đào hố, khoanh lô… để trồng cao su.

Bằng những việc làm cụ thể có lợi nhất cho bà con buôn làng, Nguyễn Hữu Lợi đã dần chiếm trọn niềm tin và tình cảm của bà con các dân tộc tại chỗ. Ông A Kính, già làng làng Bua ôm lấy Lợi mãi không thôi: “Nó là con của buôn làng ta rồi, nó đã mang lại cuộc sống mới cho người làng Bua ta đó”. Thế là thành công ngoài mong đợi, từ một đội sản xuất chỉ có 190 ha cao su, đến nay, Tân Hưng đã trở thành nông trường với trên 700 ha đã cho khai thác. Năng suất cao nhất nhì so với toàn công ty, đạt câu lạc bộ 2 tấn/1ha. Với 105 cán bộ, công nhân viên, lương bình quân của công nhân nông trường hiện nay là trên 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt có hơn 230 hộ là người dân tộc Jơ Rai nhận khoán 243 ha cao su của nông trường, trong đó có 20 công nhân là người Jơ Rai ở làng Bua, làng KLâu Ngo và KLâu Ngo Zố. Những năm trước, nông trường cho 20 công nhân là dân tộc Jơ Rai vay mỗi người 6,5 triệu đồng không tính lãi và không trừ vào lương sau 10 năm để làm nhà ở. Nhiều gia đình Jơ Rai nhờ cây cao su mà đổi đời như Y Nhàn, Y Hrê đến Siu Din, A Khôn… đều có mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Cuộc sống đã vượt lên so quá điều tôi nghĩ - Y Nhàn khoe với chúng tôi - Có những năm nhà em được thưởng trên 30 triệu đồng do vượt khoán sản lượng của nông trường”.


Nguyễn Hữu Lợi ( bên trái) hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su

Tôi cùng Nguyễn Hữu Lợi đến thăm bà con làng Bua, làng KLâu Ngo, đi đến đâu, vào nhà ai, Lợi cũng được mọi người thật yêu quý, ùa ra tay bắt mặt mừng. Thôn trưởng A BLu nắm chặt lấy đôi tay chai sạn, sần sùi của Lợi rồi nhìn vào mắt tôi, ông nói: “Cái thằng Lợi này có công với làng mình nhiều lắm. Nó là con của buôn làng ta đó”. Trong men say của rượu cần, tôi được nghe bao điều dân làng nói về Lợi, bà con dân tộc thiểu số nơi đây quý Lợi thật. Nhà ai có việc to nhỏ gì đều có Lợi; những chuyện vui, chuyện buồn của buôn làng này ít khi vắng Lợi, người giám đốc nông trường tâm huyết và nghị lực. Còn A Dư, già làng Bua thì bồi hồi nhớ lại khi làng chưa có cao su, chưa có cán bộ Lợi về. Nhớ lại ngày ấy sao mà lòng ông quặn lại, chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn mà mỗi lúc một xa vời. Hạt lúa của làng sao như cứ biết chạy. Mới gặt lúa gùi về nhà chưa đầy tháng mà làng đã có nhiều người đói rồi, đói đến cồn cào gan ruột. Hạt lúa chạy về đâu? Nào là áo, quần, hạt muối, thậm chí bánh xà phòng, cái bánh, cái kẹo cho trẻ con cũng từ lúa mà ra. Mà hạt lúa thì mỗi lúc một gầy. Nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất… Ông trầm tư: “Vẫn biết mỗi ngày buôn làng càng bị dắt sâu vào chỗ tối mà không ai nghĩ được lối ra. May mà từ khi có nông trường, có cán bộ Lợi, có cây cao su. Nhiều người cứ tưởng đó như là một giấc mơ…”

Niềm tin về cuộc đổi đời

Bây giờ, nông trường cao su Tân Hưng đã trở thành một vùng quê trù phú. Đường nhựa thẳng tắp gần 30 cây số từ thành phố Kon Tum đã chạy thẳng vào đến cổng nông trường, đi thẳng tới làng Bua. Những ngôi nhà kiên cố của bà con dân tộc Jơ Rai, của công nhân người Kinh đã mọc lên, mái ngói hồng tươi,cây cao su, cây ăn trái sum suê, trĩu trịt… Nông trường đã có nhà trẻ, lớp mẫu giáo, có bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe công nhân. Đặc biệt đã gây dựng ở đây được một đội ngũ cán bộ được trưởng thành từ gian khổ, trung thành tuyệt đối với con đường mà mình đã chọn; dù có biến cố, thăng trầm mỗi khi giá cao su xuống thấp nhưng luôn son sắt, thủy chung với cây cao su mà mình đã gắn bó bao năm.

Ở đây, theo Phó Giám đốc nông trường Bùi Trung Sơn thì mỗi công trình, sản phẩm đều mang đậm dấu ấn về người Giám đốc - cựu chiến binh tận tụy, mẫu mực, sống hết mình vì cuộc sống của bà con dân tộc Jơ Rai. Nguyễn Hữu Lợi vẫn ngày đêm say mê lao động, vẫn ấp ủ trong mình bao niềm mong ước lớn, cho cuộc sống giàu có hơn của người dân nơi đây, chất lính và bầu nhiệt huyết ở trong anh vẫn luôn tròn đầy, ấm nóng. Vì làm được việc lại được lòng dân, có thời gian dài, Lợi còn kiêm luôn chức Giám đốc của hai nông trường lân cận là Ya Chim và Hòa Bình. Anh cũng đã được Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc công ty Cao su Kon Tum và cũng đã được nhận giải thưởng “Sao vàng cao su’ do Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tặng và mới đây là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh gắn với thi đua “ Dân vận khéo”.

Giữa đất trời Tây Nguyên nắng và gió, bất chợt chiếc lá cao su đang thay lá ùa vào tay mình, lòng bâng khuâng như đang cầm trên tay tiếng vọng thì thầm của đất thiêng qua màu sương khói tháng năm… mà nghĩ về kỳ tích của những người đi mở đất sao mà kỳ diệu quá!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00
Đang tải...