Chợ trời Tokyo
Nhưng
chợ trời ở Tokyo khác với những nơi khác là không có địa điểm cố định và không
thường xuyên, chợ chỉ họp vào ngày chủ nhật từ 8h sáng đến 15h chiều và được
thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không phải chủ
nhật nào cũng có chợ trời. Có khi 2, 3 ngày chủ nhật liên tiếp có phiên chợ trời
nhưng cũng có khi 2 hay 3 tuần mới có một phiên chợ trời. Mỗi kỳ chợ trời họp ở
một địa điểm khác nhau. Khu họp chợ trời được bố trí, sắp đặt chu đáo, an toàn,
hợp lý: có khoảng trống, lối đi thoải mái. Các sạp bày bán hàng đều trật tự
theo hàng, lối, lô, ô… theo sơ đồ bố trí từ trước. Bên cạnh còn có khu dành
riêng cho dịch vụ ăn uống, vệ sinh, y tế, thông tin liên lạc, cứu hỏa …
May
mắn, trong một kỳ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Sở hữu trí tuệ của khu vực
Châu Á - Thái Bình Dương ở Tokyo, tôi được bạn bè cùng lớp rủ đi chơi chợ trời.
Phiên chợ trời này được tổ chức ở một góc trống rộng chừng 15.000m2
của khu công viên Meiji trên đường Senjuin khá sầm uất về người, xe cộ, chủng
loại hàng hóa phong phú, đa dạng. Bởi có lẽ, đây là phiên chợ trời cuối năm, mọi
người đã cảm nhận được: ông già No-en đang đi gần tới nhà mình nên trong nhà có
gì hơi “chiếm chỗ” hay “lạc mốt” cần phải được thanh lý, họ cho chúng “đi ở” chợ
trời là hợp lý nhất. Những người có hàng hóa mang đến bán có thể đăng ký trước
với Ban tổ chức hoặc cứ đưa hàng hóa đến rồi thuê chỗ ngồi bán hàng. Nếu chỉ là
người bán hàng thì lệ phí vào khoảng cỡ một hoặc hai ngàn yên một chỗ, còn nếu
là ô tô “ngồi” thì lệ phí thuê là 3000 yên/chiếc. Hàng hóa bày bán của mỗi chủ
hàng cũng thật đa dạng, từ bộ đồ ăn, quần áo, ba lô, túi xách, giầy dép, sách
báo, tranh ảnh, đồ lưu niệm, bát chén, dao kéo…, có sạp còn có cả chiếc đèn dầu,
tranh cổ, con giống gắn trên núi non bộ, búp bê các cỡ… cho đến các mặt hàng
cao cấp như lò vi sóng, bộ dàn tếch, camera, vàng bạc, máy cưa, máy bào… Hầu
như rất ít sạp chỉ bán chuyên một chủng loại hàng hóa, bởi những loại hàng hóa
này đều là “cây nhà lá vườn”của các gia đình đã qua sử dụng hoặc chưa sử dụng
nhưng “lạc mốt”, “chiếm chỗ” cần phải giải phóng cho quang nhà, còn “thu hồi vốn”
chỉ là thứ yếu nên giá cả cũng không thống nhất và càng về chiều giá càng hạ.
Phần lớn những chủ sạp đều là những mậu dịch viên bất đắc dĩ không chuyên nên
việc trang trí, sắp đặt chẳng ai giống ai. Hàng hóa chứa trong xe ô tô, chủ
hàng tự lái xe tới chợ, vào chỗ thuê, mở cửa sau xe ra, chiếc xe đã trở thành sạp
bán hàng, tùy theo không gian phía trước sạp mà lôi hàng ra trưng bày. Tuy
nhiên, bên cạnh một số mậu dịch viên bất đắc dĩ, bán toàn cây nhà lá vườn thì
cũng có những chân gỗ, những mậu dịch viên bán chuyên nghiệp. Có thể họ là những
người đã tích lũy được một số kinh nghiệm, nghiệp vụ về chợ trời nên đứng ra
thu gom các sản phẩm lạc mốt, cần phải giải phóng của các bà con xung quanh
trong khối phố, chịu khó đi sưu tầm ở các bãi rác hoặc thầu hàng ế của chợ trời
để kinh doanh kiếm lời…
Về
giá, ngoài góc quầy hàng 100 yên chủ yếu bán các loại quần áo trẻ em các loại,
tốt, đẹp, to, nhỏ đều bán với giá 100 yên/chiếc, còn các sạp khác thì tùy, có sạp
có giá gắn luôn trên sản phẩm, nhưng cũng chỉ có tính chất tương đối, bạn chớ vội
tin mà phải mặc cả, có khi trả giá bằng 40% hoặc 50% giá đề họ vẫn bán. Nếu gặp
người bán hàng thật rắn, bạn kiên trì mặc cả vẫn có thể được giảm giá 15% hoặc
20%.
Nhìn
chung, ở chợ trời Tokyo, cả người bán lẫn người mua (người dân, công chức, cả
người nước ngoài Á hoăc Âu) đều rất cởi mở, vô tư, thoải mái. Người bán chẳng bao
giờ bị lỗ, người mua đã vào chợ thì chẳng ít thì nhiều sẽ đều mua được thứ mình
cần mua. Mặt khác, bên cạnh nhu cầu mua hàng hóa, người vào chợ còn có ý tò mò,
đi “chơi chợ” coi đó như một nét sinh hoạt văn hóa, giải trí của ngày chủ nhật.
Bởi vậy, dù có mua hớ một chút họ cũng vẫn rất vô tư!
Tan
chợ tôi thấy ai cũng vui!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.