Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Nghệ An: Giữ vững uy tín của một đơn vị sự nghiệp công lập
Tại phiên đấu giá bằng hình thức gián tiếp, người dân được quyền giám sát các quy trình diễn ra ngay tại hội trường. |
Tính đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An có 20 tổ chức đấu giá được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Nghệ An vẫn là đơn vị ra đời sớm nhất. Với lợi thế từ 1 đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm có trụ sở riêng được nhà nước giao đất và đầu tư nhà làm việc tại địa chỉ: số 02, đường Trần Huy Liệu, phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh. Trụ sở làm việc của Trung tâm bao gồm nhà làm việc 03 tầng và các công trình phụ trợ khác tọa trên khuôn viên đất 2400m2, có tường rào bao quanh khuôn viên Trung tâm, có 01 hội trường đấu giá trên 100 chỗ ngồi, 09 phòng làm việc, 01 phòng tiếp nhận hồ sơ đấu giá, 01 phòng lưu trữ và hệ thống nhà kho trưng bày và lưu giữ tài sản bán đấu giá trên 300m2.
Tổ chức bộ máy của Trung tâm có giám đốc, 01 phó giám đốc, 05 đấu giá viên, nhân viên kế toán, chuyên viên chuyên môn, nhân viên thủ kho - thủ quỹ, nhân viên văn phòng - văn thư và lái xe. Hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng động, chuyên nghiệp với tổng số 14 công chức, viên chức và người lao động, đội ngũ cán bộ Trung tâm hiện nay đều được đào tạo cơ bản, trong đó 02 Thạc sĩ quản lý kinh tế, 06 đại học Luật, 03 đại học ngành Tài chính, 02 đại học ngành Kinh tế.
Cùng với người dân, vai trò giám sát phiên đấu giá của đại diện chính quyền địa phương (chủ tài sản) cũng được Trung tâm thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật. |
Để thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả hơn trong hoạt động đấu giá tài sản, Trung tâm thường xuyên đổi mới phương pháp đấu giá, tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, tin học hóa công tác đấu giá, mua sắm hệ thống máy vi tính, máy chiếu, trang bị hệ thống mạng internet, hệ thống loa máy, âm thanh, hệ thống camera giám sát an ninh, lập trang thông tin điện tử, nâng cấp Hội trường đáp ứng yêu cầu tổ chức đấu giá tại Trung tâm.
Năm 2018, Trung tâm tổ chức đấu giá 87 hợp đồng đấu giá trực tiếp quyền sử dụng đất, giá khởi điểm các lô đấu giá thành là 544,4 tỷ đồng; Tổng giá trị các lô đất đấu giá thành là 646,4 tỷ đồng; chênh lệch vượt giá khởi điểm: 101,9 tỷ đồng; tỷ lệ chênh lệch so với giá khởi điểm: 18,7%.
Việc kiểm tra thông tin của người tham gia đấu giá cũng được Trung tâm tiến hành nghiêm túc tại các phiên đấu giá. |
Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến 30/10/2019, Trung tâm đã được tổ chức lựa chọn thực hiện đấu giá 49 hợp đồng về “quyền sử dụng đất” theo hình thức đấu giá trực tiếp. Trong đó, tổng giá khởi điểm các lô đấu giá thành 356 tỷ đồng; tổng giá trị các lô đấu giá thành 433 tỷ đồng, chênh lệch vượt giá khởi điểm 77 tỷ đồng. Tỷ lệ chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 21,7%. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện 33 hợp đồng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá gián tiếp, với tổng giá khởi điểm các lô đấu giá thành 400 tỷ đồng; giá trị các lô đấu giá thành 542 tỷ đồng, chênh lệch vượt giá khởi điểm 143 tỷ đồng. Tỷ lệ chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 35,7%. Số tiền đấu giá vượt giá khởi điểm tăng nguồn thu cho nhà nước là 220 tỷ đồng, tăng 110% so với năm 2018 là 101,9 tỷ đồng.
Quy trình thực hiện tổ chức đấu giá tài sản được Trung tâm tuân thủ nghiêm túc từ khâu đăng thông tin công khai bằng các hình thức theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Thực hiện niêm yết Quy chế và Thông báo công khai việc đấu giá được tiến hành ngay sau khi ký hợp đồng dịch vụ, đồng thời thông báo công khai minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Báo đời sống Pháp luật và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. Với 01 lần tổ chức đấu giá, Trung tâm thông báo công khai ít nhất 02 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc đồng thời niêm yết tại Bảng tin tại trụ sở Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và bảng tin UBND xã nơi có tài sản đấu giá.
Các đấu giá viên của Trung tâm là những người có kinh nghiệm, bản lĩnh. |
Quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá do Trung tâm đảm nhận đều được bố trí hệ thống camera theo dõi giám sát nhằm tăng cường minh bạch trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo an ninh trật tự và để có dữ liệu làm căn cứ để xử lý vi phạm (nếu có).
Việc quản lý, lưu trữ bảo quản hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và hồ sơ các của cuộc đấu giá được Trung tâm thực hiện theo đúng quy định về lưu trữ. Trước mỗi phiên đấu giá, Trung tâm đều tổ chức cho người tham gia đấu giá xem hiện trạng lô đất, tài sản, giải đáp các thắc mắc. Ngoài việc thông báo công khai theo quy định, Trung tâm còn đăng tải thông tin đấu giá lên trang Thông tin điện tử của Trung tâm, các mạng xã hội như facebook, zalo…, hầu hết khách hàng đến đăng ký đấu giá đều tự đi tìm hiểu hiện trạng lô đất đều được cán bộ Trung tâm tận tình hướng dẫn, giải đáp theo thẩm quyền của mình.
Khâu quản lý và xử lý tiền đặt trước của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được Trung tâm tiến hành từ 2 đến 3 ngày liên tục trước ngày đấu giá hoặc công bố kết quả trả giá. Khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá chỉ cần đến tại điểm giao dịch của ngân hàng gần nhất của mình để nộp tiền đặt trước vào tài khoản của Trung tâm. Tại các địa bàn huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Cửa Lò, Quế Phong, Tân Kỳ, Con Cuông, Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hoàng Mai, Trung tâm phối hợp với ngân hàng trực tiếp đến UBND xã để tiếp nhận tiền đặt trước để tạo thuận lợi cho khách hàng. Việc hoàn lại tiền đặt cọc cho người tham gia đấu giá cũng được tiến hành rất thuận lợi ngay sau khi công bố kết quả trúng đấu giá.
Quang cảnh 1 phiên đấu giá do Trung tâm thực hiện |
Tùy từng địa bàn và từng phiên đấu giá, Trung tâm có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, với lực lượng Công an để bảo vệ an ninh, an toàn cho phiên đấu giá. Hạn chế đến mức tối đa “cò đấu giá” gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An, việc thay đổi hình thức từ đấu giá trực tiếp sang đấu giá gián tiếp (bỏ phiếu kín) mà tỉnh Nghệ An đang thí điểm ở một số huyện (Vinh, Nam Đàn, Yên Thành, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu và Diễn Châu) vừa qua đã đạt được những kết quả rất tốt, cần thống nhất triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Việc áp dụng hình thức đấu giá gián tiếp đã hạn chế được tình trạng “cò đấu giá” gây khó khăn cho người tham gia đấu giá và đã tăng được nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, bất cứ hình thức đấu giá nào thì việc bảo mật thông tin đối với các phiên đấu giá là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các huyện cũng cần đưa ra được mức giá khởi điểm phù hợp với từng vùng quy hoạch để tăng nguồn thu và tránh những tiêu cực, bất cập phát sinh.
Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Nghệ An cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát và thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá của các Tổ chức đấu giá, cũng như đơn vị có tài sản đấu giá, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.