Tổ ấm của thương binh nặng Thái Bình
Giám đốc trung
tâm Bùi Đình Tư, nguyên là Thượng uý, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 350 Quân khu
Ba chuyển ngành cho biết: Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, điều trị, thực hiện
các chế độ chính sách cho 26 thương bệnh binh nặng không có điều kiện về an dưỡng
tại gia đình, trong đó có tới 24 thương bệnh binh đặc biệt.
Khu nhà điều hành tại Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình. Ảnh Hồ Thanh.
Đây còn là nơi sửa
chữa chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình cho đối tượng người có công và các đối tượng
xã hội khác. Hầu hết số thương binh đều
cao tuổi, sức khoẻ ngày một suy giảm, bệnh tật luôn phát sinh, từ tính tình đến
khẩu vị ăn cũng khác nhau. Do vậy, việc phục vụ ăn uống, chăm sóc, điều trị
hàng ngày thường gặp những khó khăn, phức tạp, nhất là khi thương binh bị đau ốm
nặng phải chuyển lên các bệnh viện cấp tỉnh và trung ương. Điển hình như thương
binh Nguyễn Hồng Tự, bị liệt tuỷ cột sống, năm nay đã 78 tuổi và thương binh Lê
Ngọc Luých bị tháo cả hai khớp háng, các hộ lý phục vụ 24/24h trong ngày.
Tuy vậy,
với 35 cán bộ, nhân viên, trong đó có 19 người đã tốt nghiệp đại học, đội ngũ
thầy thuốc phục vụ tại trung tâm đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm
hết lòng tận tuỵ với công việc được giao. Hàng tháng, trung tâm căn cứ vào sức
khoẻ, diễn biến bệnh lý của từng thương binh để lập dự trù số tiền ăn, tiền điều
trị theo nhóm; triển khai làm tốt các khâu cấp phát, sử dụng thuốc, đảm bảo đến
tận tay người bệnh; xử lý cấp cứu chuyển viện kịp thời; công khai số tiền sử dụng
thuốc của từng thương bệnh binh; đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các chế độ tiêu chuẩn
và các điều kiện sinh hoạt đời sống tinh thần hàng ngày. Đồng thời, xây dựng kế
hoạch, quy chế hoạt động, tổ chức sản xuất, sửa chữa đảm bảo chất lượng các sản
phẩm chân tay giả.
Trong năm
2015, đội ngũ cán bộ y tế trung tâm đã khám, điều trị tại chỗ cho 1.200 lượt
người, cấp cứu chuyển viện hàng chục lượt người, tiêm hàng nghìn mũi tiêm, cấp
hàng vạn viên thuốc đều đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót. Các cán bộ,
nhân viên tại trung tâm ngày đêm túc trực, không ngại khó, ngại bẩn, thường
xuyên gần gũi, động viên, quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của thương
binh.
Những thương binh có hoàn cảnh khó khăn, con cháu không có việc làm,
trung tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ. Đến nay, đã có 5 thanh niên là
con, cháu thương binh nặng tại trung tâm được vào phục vụ trong quân đội, 6 trường
hợp được nhận vào làm việc tại trung tâm, trực tiếp chăm sóc sức khoẻ, điều trị
cho bố hoặc mẹ của mình. Khuôn viên trung tâm có diện tích 7.500 m2, rộng rãi
thoáng mát theo mô hình “Xanh - Sạch - Đẹp”. Ngoài khu nhà điều hành cao tầng
khá đẹp mắt, trung tâm có 20 phòng ở của thương binh theo mô hình hộ gia đình,
công trình vệ sinh khép kín, có máy điều hoà nóng lạnh hai chiều, có đầy đủ các
thiết bị, đồ dùng sinh hoạt. Đối với 26 thương binh nặng đang được nuôi dưỡng
và phục hồi chức năng tại đây, trung tâm đã thực sự là tổ ấm thân thương, sâu nặng
nghĩa tình. Còn đối với các cán bộ, nhân viên của trung tâm, không hề có ranh
giới giữa thương binh và người phục vụ. Bởi lẽ, họ đã xác định: “Thầy thuốc và
bệnh nhân gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.