75 năm xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội (19/10/1946- 19/10/2021)

2021-10-18 09:52:13 0 Bình luận
Sáng 16-10, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô Hà Nội (19-10-1946 / 19-10-2021). Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu tại buổi lễ.

Đại tướng Phan Văn Giang gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của LLVT Thủ đô Hà Nội.

Sự ra đời của LLVT Thủ đô Hà Nội

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, ngày 19 tháng 10 năm 1946, Chiến khu XI – tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô Hà Nội được thành lập. Chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. 

Từ tháng 10 năm 1946, cương vực Việt Nam được phân thành 12 chiến khu, trong đó, Thủ đô Hà Nội là Chiến khu XI. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản lập thêm đảng ủy Mặt trận Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trân là Bí thư Thành ủy được cử làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu XI, chỉ huy trưởng mặt trận Khu XI là ông Vương Thừa Vũ. Tổng Tham mưu trưởng là ông Hoàng Văn Thái. Ông Trần Quốc Hoàn là phái viên Trung ương tại mặt trận Hà Nội.

 Ngày 25 tháng 7 năm 1947, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Trung ương quyết định mở rộng địa bàn hoạt động của Chiến khu XI bao gồm: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây.

Từ kết qủa phân tích, đánh giá khách quan, khoa học sự ra đời, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, sự phát triển, trưởng thành, chiến đấu, chiến thắng của Chiến khu XI, qua các cuộc Hội thảo khoa học, ngày 31 tháng 5 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1850/QĐ-QP công nhận ngày 19 tháng 10 năm 1946 là Ngày truyền thống của LLVT Thủ đô Hà Nội.

Ngược dòng thời gian, nhìn lại 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành cuả LLVT Thủ đô Hà Nội, chúng ta mới thấy hết được những chiến công hiển hách, những đóng góp to lớn của nhân dân thủ đô nói chung và LLVT Thủ đô Hà Nội. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp

LLVT thủ đô Hà Nội đã thề sống chết với nhân dân Thủ đô chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến; chiến đấu giam chân địch trong thành phố; phát triển và đẩy mạnh chiến tranh du kích, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi, tiếp quản giải phóng Thủ đô, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”:

LLVT Thủ đô Hà Nội đã kiên trì trụ vững, bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, dựa vào dân chiến đấu và lập nên bao chiến công hiển hách, vẻ vang. Nhiều trận đánh tiêu biểu, hiệu quả, góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng, để lại kinh nghiệm quý về chiến tranh nhân dân, làm phong phú nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội.

Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ở thời kỳ này, LLVT Thủ đô Hà Nội đã đạt được những mốc son và chiến công tiêu biểu sau:

- Giành thắng lợi trong đợt chiến đấu mở đầu toàn quốc kháng chiến của quân, dân Hà Nội:

Đêm 19/12/1946, LLVT Thủ đô đã nổ phát súng lệnh mở đầu cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Mặc dù phải đương đầu với kẻ địch có quân đông, ưu thế lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhưng với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên, anh dũng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Trung ương Đảng giao, nêu tấm gương chiến đấu tiêu biểu cho các chiến trường, địa phương trong cả nước.

- Tiếp đến chúng ta phải kể đến những chiến công hiển hách ở Bắc Bộ Phủ, Ô Cầu Dền, nhà Xô-va, trường Ke, phố Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân,... cùng tên tuổi của Liên khu I kiên cường, Trung đoàn Thủ đô anh dũng còn sống mãi và đi vào lịch sử dân tộc. Hình ảnh các chiến sĩ cảm tử quân quả cảm ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, khúc bi tráng, bản anh hùng ca bất tử của LLVT và nhân dân Hà Nội. Điển hình là những trận đánh như:

Trận đánh sân bay Bạch Mai; Trận đánh ở Khu Cháy (Ứng Hòa); Trận đánh sân bay Gia Lâm;…

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3 rạng sáng 4/3/1954.

Trong thời kỳ này, đã xuất hiện nhiều tấm gương quyết tử để Tổ quốc quyết sinh được truy phong về sau, như:

- Liệt sĩ Nguyễn Văn Thiềng (bí danh Trần Thành), sinh năm 1927, tham gia cách mạng từ năm 1944, là đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, trung đội trưởng trung đội bảo vệ Bộ Tổng tham mưu (nay là số nhà 18, phố Nguyễn Du, Hà Nội). Ngày 23/12/1946, Trần Thành đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản. Chiều hôm đó, quân Pháp lại tấn công, Trần Thành lại ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch nhưng bom không nổ, lính Pháp bắn liên tiếp khiến Trần Thành hy sinh.  

 - Liệt sĩ Nguyễn Phúc Lai, sinh năm 1928 hy sinh năm 1947 quê xã Chi Long, huyện Nam Xương (nay là Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông sống ở Hà Nội, nhập ngũ Vệ quốc đoàn tháng 4/1946. Kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, ông là tiểu đội trưởng thuộc trung đội 1, đại đội 2, tiểu đoàn 56, trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Liên khu III. Ngày 6/1/1947, quân Pháp tấn công ra phía tây, bao vây làng Giảng Võ, Nguyễn Phúc Lai cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm chặn địch trên đê La Thành và cạnh làng Giảng Võ, ông đã cảm tử ôm bom ba càng lao vào đánh xe tăng địch và hy sinh.

-Tiểu đội anh hùng Nguyễn Ngọc Nại (hay còn gọi là Đội liên lạc Hồng Hà). Đây là một tiểu đội huyền thoại đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Năm 1996, đội liên lạc và Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 7 đội viên được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất

Phần mộ tám liệt sĩ đội Nguyễn Ngọc Nại tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước 

LLVT thủ đô Hà Nội đã chi viện đắc lực sức người, sức của cho các chiến trường và chiến đấu đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, góp phần lập nên kỳ tích của thế kỷ 20 “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam:

LLVT Thủ đô Hà Nội vừa sản xuất, vừa tăng cường chi viện cho các chiến trường, đồng thời dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Phòng không - Không quân quốc gia đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội – Kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, để Hà Nội trở thành "Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Quân công hạng nhất lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, thế trận phòng không nhân dân của Thủ đô được chuẩn bị chu đáo, toàn diện, cả thế trận phòng tránh, thế trận đánh trả, phù hợp với địa bàn, đảm bảo liên hoàn, vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm, có thể đánh địch liên tục cả ngày lẫn đêm, từ xa đến gần, phát huy hiệu quả mọi loại vũ khí hiện có. LLVT Thủ đô đã sáng tạo, giải quyết thành công việc xây dựng thế trận phòng không trên địa bàn đô thị, không gian chật hẹp, dân cư đông đúc; tập trung lực lượng hợp lý để bảo vệ mục tiêu trọng yếu trong nội thành. Đồng thời, lựa chọn, triển khai các trận địa phòng không tầm thấp rộng khắp ở ngoại thành, phục kích, đón lõng trên các hướng, đường bay của máy bay địch vào đánh phá. Tại thời điểm diễn ra Chiến dịch, LLVT Thủ đô tổ chức 92 trận địa tập trung pháo phòng không tầm thấp, 04 đại đội cao xạ tầm trung; 1.122 tổ, đội dân quân tự vệ, trang bị súng bộ binh, phối hợp bắn máy bay địch. 

Không khuất phục, quân dân Hà Nội ngẩng cao đầu, phối hợp với các lực lượng, kiên cường, dũng cảm chiến đấu bắn rơi 32 máy bay Mỹ. Chiến thắng của quân dân Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ” trên không, làm tiêu tan sức mạnh không lực Hoa Kỳ. 

Ngoài ra, tổ chức 95 cơ sở thông tin liên lạc, 36 đài quan sát của Thành phố, 414 trạm quan sát của các địa phương, cơ sở và hàng trăm tổ cứu thương, vận tải, công binh phục vụ chiến đấu với tổng quân số lên tới 54.000 cán bộ, chiến sĩ. Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng tham mưu cho Thành phố chủ động triển khai công tác sơ tán phòng tránh. LLVT Thủ đô đã làm nòng cốt trong việc tổ chức sơ tán gần 55.000 người ra khỏi Thành phố và đào hàng vạn hố cá nhân, hàng trăm hầm tập thể, 1.130km giao thông hào bảo đảm cho phòng tránh, chiến đấu, v.v. Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, LLVT Thủ đô đã đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, dũng cảm, kiên cường bám trận địa, nhà máy, đường phố, thôn, xóm, tổ chức chiến đấu rộng khắp, linh hoạt, liên tục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt cho nhân dân Thủ đô thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bắn máy bay Mỹ, toàn dân tham gia bắt giặc lái”, tạo lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc, chi viện, phối hợp cùng các đơn vị Phòng không - Không quân, bắn tan xác những “thần sấm”, “con ma”, “pháo đài bay” B.52 ngay trên bầu trời Hà Nội.

Bên cạnh đó, LLVT Thủ đô còn là lực lượng xung kích trong phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả đánh phá của địch và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ địa bàn, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Trong những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô đã anh dũng ngã xuống; đã xuất hiện hàng trăm tấm gương sáng ngời về lòng quả cảm, đức hy sinh, thể hiện rõ sự tiếp nối, phát huy cao độ truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

c) Thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 05/3/1979, Bộ Chính trị ra Quyết định số 35/QĐ - TW, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Sắc lệnh số 28/LCT thành lập Quân khu Thủ đô Hà Nội (trên cơ sở Bộ Tư lệnh Thủ đô). Ngày 18/8/1999, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1285/QĐ - QP chuyển giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây từ Quân khu III về trực thuộc Quân khu Thủ đô. 

Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ - QH12 về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, ngày 16/7/2008, Chủ tịch nước ký Lệnh số 16/2008/L - CTN về tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 2194/QĐ - BQP ngày 25/7/2008 hợp nhất Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quyết định số 2192/QĐ - BQP hợp nhất Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Quyết định số 2196/QĐ - BQP sáp nhập Ban chỉ huy quân sự huyện Mê Linh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc - Quân khu 2 vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. 

Dù có sự biến động về tổ chức, song LLVT Thủ đô Hà Nội luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vượt mọi khó khăn, vừa tăng cường chi viện cho các mặt trận bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, vừa là lực lượng nòng cốt góp phần cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quá cách mạng, tham gia xây dựng kiến thiết Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

d) Trong giai đoạn hiện nay

Ngày nay, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, LLVT Thủ đô tiếp tục được giáo dục, rèn luyện, huấn luyện, đầu tư vũ khí trang bị phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng và Chính quyền Hà Nội luôn coi trọng xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, lấy đó làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Bởi vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, LLVT Thủ đô đều nỗ lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính quyền và nhân dân Thủ đô giao phó, tuyệt đối trung thành và bảo vệ chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh trên địa bàn;... Những thành quả, những chiến công mà LLVT Thủ đô đã đạt được chứng tỏ những chiêu trò hòng "phi chính trị hóa" LLVT của các thế lực thù địch đã thất bại.

LLVT thủ đô Hà Nội đã quán triệt và tổ chức thực hiện tốt đường lối quốc phòng toàn dân, quan điểm xây dựng LLVT nhân dân của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP); xây dựng TP Hà Nội thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, LLVT, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn xác định là đội ngũ đi đầu của thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần chủ động nắm chắc nội bộ đơn vị, tình hình nhân dân và công tác tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của các địa phương, kịp thời báo cáo về Bộ Tư lệnh và các cơ quan chức năng nếu có vấn đề phát sinh. 

Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, LLVT và nhân dân Thủ đô đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm những yêu cầu mới của thành phố về khai báo, cách ly khi đi về từ vùng dịch; hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng có dịch.../.
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...