90% nhà thuốc bán kháng sinh không kê đơn
90% nhà thuốc bán kháng sinh không kê đơn. Ảnh minh họa |
Tại lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm do WHO phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 21/12 tại TPHCM, TS. Momoe Takeuchi, Trưởng Nhóm Phát triển hệ thống y tế của WHO chia sẻ, mặc dù từ năm 2013 Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý kháng sinh, nhưng đến nay vẫn chưa có con số thống kê các chỉ số kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Thực tế tình trạng mua, bán, sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi đã và đang diễn ra. Đặc biệt là việc mua, bán thuốc kháng sinh không qua kê đơn khá phổ biến. TS. Momoe Takeuchi khuyến cáo, Việt Nam cần có chương trình kiểm soát việc sử dụng kháng sinh chặt chẽ và có trách nhiệm hơn, không chỉ trong ngành y tế, mà còn trong cả lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, WHO sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống kiểm soát kháng sinh nhằm thay đổi được thói quen sử dụng kháng sinh, không chỉ ở nhân viên y tế, người dân, mà còn cả những sinh viên y khoa, những người chăm sóc sức khỏe, nông dân, dược sĩ…
Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế, cũng như trong chăn nuôi, đặc biệt báo động hơn khi nó đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.
“Nhận thức được mối nguy hiểm này, từ năm 2013 Bộ Y tế đã cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, cùng các đối tác phát triển đã ký kết văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc”, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đồng thời Bộ Y tế cũng thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn sử dụng, quản lý kháng sinh trong các cơ sở khám, chữa bệnh và triển khai thực hiện đề án kê đơn và kiểm soát kê đơn giảm tối đa việc bán thuốc kháng sinh không đơn... nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của WHO “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dù nhiều bệnh viện đã thiết lập hệ thống quản lý kháng sinh và đã giảm đáng kể tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng, nhưng các nhà thuốc và phòng khám tư nhân lại là hai nơi mà ngành y tế vẫn chưa thể kiểm soát được việc bán, chỉ định điều trị kháng sinh bừa bãi.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia, thì người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi do kháng thuốc. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày nằm viện và tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.